Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia liên quan gì tới thờ cúng tổ tiên ?

Kim Lan
Kim Lan
05/07/2019 05:00 GMT+7

Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia sẽ có hiệu lực từ 1.1.2020. Nhưng khi lãnh đạo Bộ Y tế “than khó” để đưa luật vào đời sống, bạn đọc Báo Thanh Niên đã rần rần ý kiến.

Ngày 4.7, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho hay Bộ Y tế (cơ quan chủ trì soạn thảo luật này) rất phấn khởi khi luật Phòng, chống tác hại rượu, bia (PCTHRB) được thông qua.
Nhưng ngay trong buổi họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về 7 đạo luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, do Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức, lãnh đạo Bộ Y tế đã cho biết việc triển khai luật PCTHRB vào cuộc sống là rất khó khăn.
“Trong quá trình xây dựng luật, có đại diện tổ chức nước ngoài còn nói: Rượu bia được người dân sử dụng trong những dịp lễ quan trọng, thậm chí khi cúng các cụ, gia đình nào cũng có chén rượu trên bàn thờ, thì chẳng lẽ chúng tôi lại đưa tác hại lên bàn thờ?”, ông Cường nhắc lại, và nhấn mạnh: “Một câu nói gây xúc động như vậy cho thấy là việc triển khai luật này vào cuộc sống là rất khó”.

Có gì sai sai

“Luật PCTHRB nào có liên quan gì đến việc xem cúng ông bà tổ tiên?” một bạn đọc (BĐ) Báo Thanh Niên ở Đồng Nai lập tức đặt câu hỏi. BĐ Vy Văn Bách (Đồng Nai) để lại một bình luận: “Có gì sai sai ở đây nhỉ. Tâm linh mà sao nói vậy được. Các cụ có uống được đâu, vài giọt tượng trưng thôi. Từ cổ chí kim rồi mà”.
BĐ My Anh (TP.HCM) nhận xét: “Việc đưa rượu lên bàn thờ để cúng ông bà, tổ tiên chẳng ai cấm cả, chẳng ai nói là “tác hại” cả. Cúng ông bà, tổ tiên xong, chúng ta dùng vừa đủ, không sử dụng trong giờ làm việc, học tập, sử dụng xong không điều khiển phương tiện tham gia giao thông... thì người ta có cấm đâu”.
“Người ta nói chống mặt tác hại, lạm dụng thôi!”, BĐ Bùi Huy Tâm (TP.HCM) nêu ý kiến. Một BĐ khác cũng đến từ TP.HCM cho rằng: “Rượu, bia hay bất cứ vấn đề gì đều có hai mặt và điều quan trọng là... liều lượng mà thôi. Vấn đề của luật là phải xác định cho được liều lượng nào phù hợp với từng đối tượng, từng trường hợp và kèm với đó là biện pháp chế tài hiệu quả”.

“Em chưa 18”, kiểm soát làm sao ?

Luật PCTHRB nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; cấm luôn việc bán, cung cấp, khuyến mãi rượu, bia cho người chưa 18 tuổi. Nhiều BĐ băn khoăn về cách thức kiểm soát độ tuổi này hiệu quả đến đâu trong điều kiện thực tế của cuộc sống. BĐ Hoàng Chính (Khánh Hòa) nhận xét: “Trong điều 5 ở mục 3 rất khó kiểm soát. Vì trẻ chưa đủ 18 tuổi hay không, làm sao biết? Yêu cầu xem CMND cũng khó, rồi trẻ còn nói dối là mua hộ ai đó?”. BĐ cũng đồng tình rằng rượu đã có từ xa xưa, gắn liền với văn hóa. Nhưng “vui thôi đừng vui quá”, ngày nay việc lạm dụng rượu bia để lại nhiều tác hại. “Vậy nên luật phải làm sao cho phù hợp giữa quy định bắt buộc và vận động của cuộc sống”, BĐ Lữ Gia Lập (Vĩnh Phúc) viết.
- Đã có Luật Phòng chống tác hại rượu bia, hoan hô. 
Nguyễn Thị Thu Thảo (An Giang)
- Rượu trên ban thờ tổ tiên chỉ mang tính tâm linh. Trước đây các cụ ta thường thưởng rượu bằng chén mắt trâu, chén hạt mít.
Sơn Hùng (Hòa Bình)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.