Minh bạch Quỹ bảo trì đường bộ: Phải 'thoát ly' ngân sách

30/12/2017 08:50 GMT+7

Quỹ bảo trì đường bộ (BTĐB) nếu duy trì tiếp không thể hoạt động như mô hình hiện nay, phải 'thoát ly', tránh phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Quỹ BTĐB nếu duy trì tiếp không thể hoạt động như mô hình hiện nay, phải 'thoát ly', tránh phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách cũng như cần giảm dần mức thu từ người dân, thay vào đó phải tăng thu từ các nguồn khác.
Tại các nước, khi xây dựng cơ bản, nhà đầu tư phải để lại một tỷ lệ nhất định nộp vào Quỹ BTĐB, bên cạnh đó còn nhiều kênh thu hút vốn khác. Như Nhật Bản, từ nguồn quỹ ban đầu, dần tiến tới thành lập quỹ đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng; từ việc làm tốt bảo trì, cộng thêm phương tiện gia tăng, thu hút được nguồn vốn, dần dần trở thành quỹ đầu tư, không phụ thuộc ngân sách.
Trong khi đó, tại VN, nguồn thu của Quỹ BTĐB đang phụ thuộc khá lớn vào ngân sách.
Đáng nói, trước khi hình thành quỹ, nguồn vốn ngân sách cấp cho duy tu bảo dưỡng đường bộ chỉ đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu vốn, thì sau khi hình thành quỹ, tổng nguồn thu cũng chỉ đáp ứng được 30 - 40% nhu cầu bảo trì thực tế.
Bên cạnh đó, chỉ năm đầu tiên sau khi hình thành quỹ (năm 2013), ngân sách cấp bổ sung cho duy tu, bảo dưỡng giảm so với trước đó. Từ năm 2014, nguồn ngân sách cấp bổ sung cho quỹ tiếp tục tăng mạnh, dù nguồn thu từ phí BTĐB cũng tăng không kém. Cụ thể, nếu năm 2014, ngân sách cấp bổ sung là 2.448 tỉ đồng (thu từ phí sử dụng là 4.924 tỉ đồng), thì tới năm 2017, khi nguồn thu từ phí bảo trì tăng lên hơn 7.000 tỉ đồng, nguồn ngân sách cấp bổ sung cũng tăng lên 3.700 tỉ đồng.
Theo ông Lê Hoàng Minh, nguồn thu từ Quỹ BTĐB đang tăng khoảng 5 - 10% mỗi năm nhờ số lượng ô tô gia tăng. Theo đề án nâng cao năng lực và nguồn vốn cho Quỹ BTĐB đang được xây dựng dự kiến sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 2 - 3/2018, định hướng đến năm 2022 - 2025, quỹ sẽ không cần ngân sách cấp bổ sung, ngưỡng BTĐB không chỉ đáp ứng được 30 - 40% nhu cầu như hiện nay, mà tăng lên 70 - 80%.
Ông Minh cho rằng, điều này cũng đã có trong đề án thành lập quỹ. Quỹ BTĐB đã có đề án tự cân đối thu - chi, không cần ngân sách cấp bổ sung. Để làm được điều này, cần cơ chế để tăng các nguồn vốn của quỹ, thông qua Bộ GTVT ký kết các hiệp định để tiếp nhận nguồn tài chính như từ quỹ của Ngân hàng Thế giới (WB). Ngoài ra, có các chính sách về quỹ, như cho thuê kết cấu hạ tầng giao thông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.