Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ngày 21.4, Ủy ban Kinh tế cho biết, thời gian qua, nhiều cử tri đã có ý kiến, doanh nghiệp có đơn thư kiến nghị, cầu cứu Chính phủ, các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương đưa tin phản ánh về những bất cập trong điều hành xuất khẩu gạo, gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp, nông dân…
Sau khi tổng hợp, nghiên cứu, Ủy ban này kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực thi công vụ, tham mưu các quyết định có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và người dân nhưng đã không đánh giá kỹ tác động.
Ủy ban này cũng đề nghị, nghiên cứu giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại trong giai đoạn vừa qua, như phải bồi thường hợp đồng hoặc việc tăng chi phí lãi vay, chi phí cho việc lưu kho, bãi do bị ảnh hưởng bởi việc tạm dừng xuất khẩu gạo.
Ủy ban Kinh tế cũng kiến nghị cần làm rõ việc Tổng cục Hải quan mở hệ thống thông quan hàng hóa tự động để doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đăng ký tờ khai vào lúc 0 giờ ngày Chủ nhật 12.4.2020 có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm hay không; đã tuân theo đúng quy định tại Điều 18 luật Quản lý ngoại thương hay chưa.
Theo Ủy ban này, khoản 2, Điều 18 luật Quản lý ngoại thương quy định rõ: việc áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu phải đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan về số lượng, khối lượng, trí giá của hàng hóa; công khai, minh bạch, khách quan về phương thức phân giao hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị khẩn trương có biện pháp cho thông quan ngay đối với các lô hàng gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp đã được kê khai và đang nằm tại cảng trước ngày 24.3.2020, khắc phục thiệt hại cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối phó với dịch Covid-19. Sau khi giải quyết hết số lượng gạo tồn đọng này mà vẫn còn chỉ tiêu xuất khẩu thì mới mở tờ khai tiếp, để không gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần sử dụng các biện pháp trong điều hành xuất khẩu gạo theo quy luật thị trường, có lộ trình hợp lý, công khai, minh bạch để không gây khó khăn, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp như trong thời gian vừa qua.
“Trường hợp tạm dừng xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia thì cần phải có giải pháp tổng thể, hữu hiệu nhằm tránh gây thiệt hại đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp”, báo cáo của Ủy ban Kinh tế nêu.
Tránh điều hành giật cục, manh mún, bị động
Theo Uỷ ban Kinh tế, để đảm bảo lợi ích của người nông dân trồng lúa, doanh nghiệp xuất khẩu gạo và bảo đảm yêu cầu an ninh lương thực quốc gia trong thời gian dịch bệnh Covid - 19, Thường trực Ủy ban Kinh tế kiến nghị cần phân tích, đánh giá, dự báo kỹ sản lượng gạo của Việt Nam trong năm 2020, nhất là 2 vụ sản xuất lúa chính Đông Xuân và Hè Thu, trên cơ sở đó tính toán lượng gạo dự trữ quốc gia cho phù hợp với tình hình dịch Covid-19 và đặc điểm thế mạnh về nông nghiệp của Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến dịch Covid - 19; tình hình cung - cầu gạo của các nước trên thế giới, nhất là các nước có lượng gạo xuất khẩu lớn như: Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan… Từ đó, đánh giá, phân tích thị trường gạo thế giới trong giai đoạn hiện nay và dự báo trong thời gian tới để có giải pháp điều hành công khai, minh bạch, có lộ trình cụ thể về xuất khẩu gạo năm 2020, tránh tình trạng bị động, manh mún, giật cục, gây thiệt hại, bị động cho nông dân và doanh nghiệp.
Ủy ban Kinh tế cũng kiến nghị cho phép xuất khẩu trở lại ngay mặt hàng gạo nếp và các mặt hàng gạo hữu cơ là các mặt hàng chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu, ít tiêu thụ trong nước và không thuộc danh mục hàng lương thực dự trữ quốc gia.
Qua vấn đề xuất khẩu gạo, đề nghị Chính phủ cần rà soát những mặt hàng, lĩnh vực khác bị tác động của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, để chủ động trong chỉ đạo điều hành trong thời gian tới.
Trước đó, trước diễn biến phức tạp của tình hình xuất khẩu gạo và kiến nghị của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thanh tra đột xuất và báo cáo Chính phủ trong tháng 6.2020. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét điều tra, xác minh làm rõ các nội dung vụ việc.
Bình luận (0)