Trong hơn 116 km bờ biển của Quảng Bình thì biển bãi ngang chiếm đa số. Ngư dân bãi ngang có những nghề đặc thù hoàn toàn khác với ngư dân xa bờ, một người ra biển kéo theo cả gia đình lăn lộn cùng; từ đó điều kiện kinh tế, nếp sinh hoạt ở bãi ngang cũng có sự khác biệt.
Rong ruổi ở các làng biển bãi ngang nơi này mới thấy, không hề dễ dàng để có miếng cơm, manh áo.
Dân làm nghề biển, hầu như ai cũng biết người Quang Phú (TP.Đồng Hới) nổi tiếng với nghề lặn, sản sinh nhiều thợ lặn trứ danh. Lúc trai tráng, người làng hành nghề từ nam chí bắc.
|
Nghề nguy hiểm
Con đường nhựa uốn lượn ven biển Nhật Lệ dẫn tôi về miệt bãi ngang ở bắc thành phố biển. Từ trung tâm thành phố, chỉ vài phút chạy xe giữa miên man cây cối xanh tốt và tiếng sóng vỗ nhưng Quang Phú vẫn như xa cách, làng biển vẫn nép mình ở rìa thành phố lộng lẫy.
Ở Đồng Hới gần như chỉ có người Quang Phú khai thác thủy hải sản bằng nghề lặn. Theo các thợ lặn lâu năm ở đấy, lặn biển là nghề truyền thống của người làng; chẳng ai rõ có từ khi nào, cứ cha truyền con nối, đời này sang đời khác. Điều thú vị ở chỗ thợ lặn ở làng không qua trường lớp nào mà người này học người kia. Ông cha để lại sao giờ dùng vậy. Trẻ con làng hơn 10 tuổi đã tập lặn, đến 14 - 15 tuổi là lên thuyền lặn biển.
Mỗi chuyến ra khơi, 4 - 5 người đi một thuyền và chia ra luân phiên 2 người lặn xuống biển, 2 người ở trên thuyền phụ trách trông coi máy hơi thổi truyền trực tiếp, liên tục cho người lặn chứ không phải dùng bình khí. Vì thế, kỹ thuật và sức bền rất quan trọng; sơ sẩy nhỏ cũng mang hậu quả lớn. Một phiên lặn kéo dài hàng giờ đồng hồ ở độ sâu trên dưới 25 m.
Trong các nghề biển, lặn thuộc hạng khó và nguy hiểm nhất nên mới có câu: lặn có phường. Thợ lặn Quang Phú luôn tâm niệm: “Chân rời mạn thuyền, linh hồn ai nấy giữ”, nghĩa là kể từ lúc lao người xuống nước thì mỗi người phải tự xoay xở lo liệu mọi thứ dưới biển sâu và xác định đón nhận rủi ro bất cứ lúc nào. Các thợ lặn bảo có không ít sự cố thương tâm xảy ra, từ thương tật vĩnh viễn đến tử vong. Ngư dân Phạm Vựng tâm sự: “Dân Quang Phú chúng tôi đi lặn khắp nơi, trước nhóm tôi vào tận miền Nam lặn thuê cho họ. Tai nạn nghề nhiều lắm, sợ nhất là bị tê, ở dưới biển mà tê bộ phận nào thì bị tật luôn bộ phận đó; tê tim sẽ tử vong”.
Nhưng máu lặn đã ngấm vào người. Hơn nữa, lặn mang lại cho ngư dân Quang Phú nguồn thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Sản vật thu được là những loài ngon, hiếm, khó đánh bắt hàng loạt được; hiển nhiên toàn loài có giá trị cao như: cá mú, tôm hùm, vẹm cỡ lớn, ngao, sò... Mỗi lần nhảy xuống biển, thợ lặn mang bao kỳ vọng, đợi chờ không chỉ đối với người lặn mà cả vợ, con của họ trên bờ. Chồng ra biển, vợ ở đất liền lo việc nhà và chờ đến giờ thuyền về để mang hải sản đi bán cho các nhà hàng ven biển Nhật Lệ, Quang Phú, Bảo Ninh hoặc bán ở chợ; trở thành đặc sản hấp dẫn thực khách tứ xứ.
Một thợ lặn có thể kiếm được tầm 150 triệu đồng một mùa. Cùng với một số nghề tay trái khác dặm thêm, lặn biển mang lại cơm áo gạo tiền cho ngư dân Quang Phú. Họ tích cóp xây được nhà cửa, nuôi con cái ăn học.
|
Bó gối giữa chính vụ
Nhưng đó là chuyện của nhiều năm trước. Còn bây giờ, những chuyến biển trở về cá tôm đầy khoang đã lùi vào quá khứ của người thợ lặn Quang Phú.
Một cán bộ xã Quang Phú dẫn tôi đến nhà ông Lê Văn Long (48 tuổi), thợ lặn nức tiếng trong vùng. Đến cổng nhà, vừa thấy nhóm gần 10 người đứng ngồi nói chuyện trong sân nhà ông Long, vị cán bộ liền chép miệng: “Toàn thợ lặn cả đấy”. Tôi thoáng nghĩ, may mắn rồi, đi không hẹn nhưng gặp một lúc được nhiều người; chắc có nhiều chuyện vui để rôm rả. Nói chuyện với các thợ lặn vài câu, niềm vui may mắn ấy tan biến bởi họ đang ở nhà với nguy cơ thất nghiệp dài hạn.
|
“Nghề lặn đọa rồi. Các nghề khác còn cầm cự kiếm đôi tí chứ nghề lặn chịu cứng. Thời điểm này là chính vụ, cao điểm của nghề lặn nhưng chúng tôi phải ở nhà cả đây. Không có gì ngoài biển nữa mà lặn. Từ khi xảy ra sự cố môi trường biển năm 2016 đến nay, càng ngày càng không có. Năm 2019 mỗi người còn kiếm được 30 - 40 triệu đồng chứ năm nay không hề có gì luôn. Đi về người chỉ được đôi trăm bạc. Thuyền đóng mất gần 300 triệu đồng nhưng giờ để phơi nắng vậy chứ làm gì nữa”, ông Long nói về bối cảnh ảm đạm của nghề.
Rồi ông Hòa, ông Bảy liên tục chêm vào: “Một số người đi về lỗ bạc mặt. Làng có gần cả trăm người làm nghề nhưng ra năm nay chỉ mới vài người ra biển. Đi về lỗ ai dám đi. Ngày trước có những chuyến lặn được cả nghìn con vẹm, nay chỉ vài cân. Không hiểu nó chết hay đi đâu hết”.
Ngoài ra, nghề này có một điều kiện là biển phải êm, nước trong mới lặn được, nên tính phụ thuộc vào thời tiết rất lớn và qua đó mới thấy sự bấp bênh của nghề. Than thở một hồi xong các thợ lặn ra về, chỉ còn ông Long ngồi bó gối trên ghế, thẫn thờ. Mắt ông vẩn đục, bàn tay trầy xước nham nhở vì lặn. Vợ ông, bà Hồ Thị Nhung, cũng buồn lây với chồng. Phụ nữ làng biển ngày ngày chờ chồng làm nghề về để mang hàng đi bán. Nay chồng ngồi nhà, bà lo lắng về những ngày tháng tới đây, không biết các gia đình nghề lặn bấu víu vào đâu.
Không dễ chuyển nghề
Đi chuyến được chuyến mất, không đi thì chỉ có đói. Vì vậy, nhiều thợ lặn Quang Phú vẫn bấm bụng ra khơi với nhiều kỳ vọng. Chiều chiều, khu vực cửa sông Nhật Lệ đoạn thuộc phường Hải Thành khá đông vui bởi đây là bến đỗ của các tàu lặn Quang Phú. Tàu nào về có hàng thì tiếng cười nói rộn ràng; từng thau cá các loại, từng túi vẹm nhanh chóng được chuyền lên bờ để vợ của các ngư dân phân chia tìm nguồn nhập hay mang đi chợ bán cuối ngày. Người nào cần mua hàng tươi ngon thường đến đấy chọn mua ngay tại chỗ, mang về chế biến những món ăn thơm lừng.
Nhiều ngày cùng đi đón tàu tại khu vực này tôi mới thấy tâm tư của những người thợ lặn lừng danh Quang Phú là có thật, bởi có không ít tàu đi cả ngày chỉ được vài con hàu, con vẹm hay cá. Nhìn những bước chân nặng trĩu lê lết về nhà sau một ngày ngụp lặn giữa biển khơi, tôi không khỏi ái ngại!
Chiều muộn, gặp Phó chủ tịch UBND xã Quang Phú Nguyễn Văn Hoan, giọng ông chùng buồn: “Bước vào vụ thu hoạch, do nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan như: nhiều tàu không có giấy tờ không ra khơi bám biển được, các loại hải sản thường xuyên khai thác nay cạn kiệt, mất mùa nên sản lượng khai thác đánh bắt hải sản đạt thấp. Địa phương sẽ khuyến khích, động viên và hướng dẫn nhân dân tích cực bám biển sản xuất, tăng sản lượng, đảm bảo chất lượng hải sản. Song song đó là triển khai đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân khi có phê duyệt của UBND thành phố”.
Nhưng câu chuyện chuyển đổi nghề không hề đơn giản, vì ngư dân cho rằng, nghề là truyền thống, ai quen nghề nấy rồi; chuyển đổi nghề liên quan đến nhiều thứ như sức khỏe, vốn, kinh nghiệm. Vậy nên, bài toán chuyển nghề chưa có lời giải và ngư dân làng lặn vẫn loay hoay kiếm sống.
(còn tiếp)
Bình luận (0)