Ngày đầu tiêm vắc xin Covid-19 tại Việt Nam

09/03/2021 04:41 GMT+7

Những mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên đã được tiêm cho nhóm đối tượng ưu tiên là nhân viên y tế tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Dương.

Sáng 8.3, vắc xin Covid-19 đã được tiêm những mũi đầu tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội); BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM và tại Hải Dương (BV Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương và Trung tâm y tế H.Kim Thành). Theo Bộ Y tế, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia phối hợp với hệ thống tiêm chủng của VNVC (Công ty CP vắc xin Việt Nam - đơn vị được Bộ Y tế cho phép nhập khẩu vắc xin Covid-19) triển khai tiêm vắc xin Covid-19 tại 3 điểm ưu tiên này.

TP.HCM đã tiêm những mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên

Vui và hồi hộp

Lúc 7 giờ sáng 8.3, những liều vắc xin Covid-19 đầu tiên từ Công ty CP vắc xin Việt Nam (VNVC) đã được chuyển qua kho của BV Bệnh nhiệt đới. Lúc 9 giờ, mũi tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên tại BV Bệnh nhiệt đới chính thức được thực hiện cho nữ bác sĩ (BS) Dư Lê Thanh Xuân, Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn. Đây là nữ bác sĩ đã phải hoãn cưới nhiều lần để đi chống dịch Covid-19 tại BV dã chiến Củ Chi và BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM để điều trị những ca Covid-19 nặng.

Theo dõi bằng hồ sơ sức khỏe điện tử

Chứng kiến những mũi tiêm đầu tiên tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết đây là chiến dịch tiêm có quy mô lớn nhất từ trước đến nay; khởi động cho chiến dịch để có thể đưa vắc xin về một cách nhanh nhất, tiêm cho người dân càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý đây là vắc xin mới, yêu cầu các đơn vị chủ động theo dõi, xử lý và báo cáo phản ứng có hại về Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (Bộ Y tế) và địa phương để tiếp tục thu nhận thông tin với vắc xin này.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, những người đã tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khỏe điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vắc xin.
Chia sẻ với Thanh Niên, BS Xuân nói: “Tôi vui và hồi hộp quá, cả đêm hôm qua không ngủ được. Khi chợp được mắt thì nằm mơ, thấy cả nhà đều được tiêm vắc xin và cùng nhau đi nước ngoài. BS Xuân hy vọng tương lai mọi người đều được tiêm vắc xin Covid-19 và cuộc sống trở lại bình thường”.

Tâm sự cô giáo Hải Dương trở thành người đầu tiên tiêm vắc xin Covid-19

BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, cũng là một trong những người được tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên trong sáng 8.3, chia sẻ “hạnh phúc vì là những người đầu tiên phía nam được tiêm vắc xin Covid-19 để bảo vệ mình vì từ khi dịch bệnh xảy ra, điều mong mỏi nhất là có vắc xin Covid-19 sớm”. BS Phong và BS Xuân là 2 BS từng điều trị trực tiếp cho bệnh nhân (BN) 91- phi công người Anh mắc Covid-19.
Chị Phạm Thị Tuyến, điều dưỡng trưởng Khoa Nhiễm D, không tỏ ra lắng khi nghe một số thông tin có ca tử vong sau tiêm vắc xin Covid-19 trên thế giới. Theo chị Tuyến, tỷ lệ, nếu có thì rất thấp. Quan trọng là sau tiêm, cần theo dõi sức khỏe.
Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, nhân viên BV đã trở thành những công dân đầu tiên được tiêm vắc xin Covid-19. BV Bệnh bệnh nhiệt đới TP.HCM có 900 nhân viên, trong ngày 8.3, có 100 người đầu tiên được tiêm... Đến cuối giờ chiều, tất cả những người tiêm chưa xuất hiện phản ứng phụ nào.
Ngày đầu tiêm vắc xin Covid-19 tại Việt Nam

Triển khai tiêm vắc xin ở H.Kim Thành, Hải Dương

ẢNH: LÊ TÂN

Bước đầu ổn định

Cùng ngày, tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội), 420 nhân viên y tế được tiêm vắc xin Covid-19. Họ là cán bộ y tế trực tiếp điều trị BN Covid-19 tại cơ sở 2 và một số nhân viên khoa khám bệnh, làm nhiệm vụ sàng lọc BN tại cơ sở 1.
TS Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm phòng chống dịch và tiêm chủng vắc xin, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết trong ngày đầu tiên, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư tiêm cho 100 nhân viên y tế đầu tiên. 320 nhân viên còn lại sẽ tiêm trong các ngày sau. Tất cả sẽ được theo dõi sức khỏe sau tiêm.

117.600 liều cho lực lượng chủ chốt, tuyến đầu

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Việt Nam sẽ tiêm 117.600 liều vắc xin Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên là lực lượng chủ chốt ở tuyến đầu thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn bệnh, bao gồm: nhân viên y tế đang điều trị BN Covid-19; nhân viên làm công tác truy vết, xét nghiệm; người làm việc tại khu cách ly; tổ Covid-19 cộng đồng, ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp; lực lượng công an; quốc phòng tại 13 tỉnh, TP đang là điểm nóng về phòng chống dịch (Hải Dương, Hà Nội, TP.HCM, Gia Lai, Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Giang, Bình Dương) và 21 BV điều trị BN Covid-19. Đợt tiêm vắc xin lần này là khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc.
Trực tiếp chỉ đạo thực hiện tiêm vắc xin Covid-19 tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư trong ngày đầu tiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay: “Bộ Y tế kêu gọi người dân trên cả nước đến lượt mình hãy đi tiêm phòng Covid-19 để bảo vệ cho cá nhân, người thân, vì một cộng đồng khỏe mạnh, để đất nước chúng ta sớm quay trở lại với cuộc sống bình thường”.
Tuy nhiên, ông Thuấn cũng nhấn mạnh: “Không có vắc xin nào an toàn 100% và không có vắc xin nào có tác dụng phòng bệnh 100%. Do vậy muốn bảo vệ xã hội khỏi nguy cơ mắc Covid-19, đồng thời với tiêm chủng, chúng ta cần thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, thực hiện khai báo y tế)”.
Ngày đầu tiêm vắc xin Covid-19 tại Việt Nam

BS Dư Lê Thanh Xuân, Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, là người được tiêm đầu tiên phía nam

ẢNH: DUY TÍNH

Ngay sau buổi tiêm đầu tiên tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, ông Thuấn đã họp với đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam và chuyên gia đầu ngành để đánh giá phản ứng sau tiêm. “Tất cả đều có sức khỏe ổn định sau tiêm”, ông Thuấn nói.

Sáng 9.3: Không ca mắc mới Covid-19, Hà Nội và Gia Lai tiêm vắc xin

Trong ngày 8.3, Hải Dương cũng đã triển khai tiêm vắc xin tại TP.Hải Dương và H.Kim Thành. Chị Phạm Thị Tuyết Nhung (cán bộ Trung tâm y tế TP.Hải Dương) và chị Trịnh Thị Phương (giáo viên mầm non ở H.Kim Thành) là những người đầu tiên được tiêm vắc xin Covid-19. Đến cuối ngày 8.3, 50 người ở H.Hải Dương và 80 người ở H.Kim Thành đều có sức khỏe ổn định sau khi tiêm vắc xin Covid-19.
Theo ông Trần Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương, sau ngày 8.3, Hải Dương sẽ tổng kết, đánh giá và tiếp tục triển khai tiêm vắc xin thành 2 đợt. Đợt 1 sẽ tiêm tại TP.Hải Dương, TP.Chí Linh, H.Kim Thành, H.Cẩm Giàng, H.Kinh Môn và H.Nam Sách. Đợt 2 sẽ tiêm tại các huyện còn lại. Mỗi đợt tiêm sẽ kéo dài 3 - 4 ngày.

Thận trọng

Theo Bộ Y tế, vắc xin phòng Covid-19 sử dụng trong đợt tiêm đầu tiên này do AstraZeneca sản sản xuất, VNVC nhập khẩu về Việt Nam.
Vắc xin này được Bộ Y tế rà soát hồ sơ và kiểm định tính an toàn, giám sát chặt chẽ việc duy trì điều kiện bảo quản trong dây chuyền lạnh từ 2 - 8 độ C, đảm bảo chất lượng tốt nhất suốt quá trình từ khâu tiếp nhận, vận chuyển đến bàn tiêm, an toàn tối đa cho người được tiêm. Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam thông tin, từ nguồn COVAX, trong tháng 3, Việt Nam sẽ có 1,3 triệu liều vắc xin và tháng 4 thêm 2,8 triệu liều.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho rằng quán triệt chỉ đạo của Bộ Y tế là “với các loại vắc xin Covid-19 hiện nay, chúng ta không thể khẳng định vắc xin an toàn 100%. Những phản ứng bất lợi sau tiêm vẫn có thể xảy ra”. Vì thế, BV chuẩn bị quá trình triển khai tiêm chủng cho nhân viên y tế một cách cực kỳ thận trọng.
Cụ thể, BV đã chuẩn bị khu vực dành riêng để tiêm chủng, bảo đảm đúng quy định của ngành về tiêm chủng. Đầu tiên sẽ khám sàng lọc trước khi tiêm để bảo đảm an toàn. Sử dụng phần mềm và hồ sơ sức khỏe điện tử của mỗi người dân do Bộ Y tế xây dựng để quản lý từng cá nhân và Bộ Y tế có thể quản lý xuyên suốt, đồng bộ trong suốt chiến dịch tiêm chủng. Khâu tiêm vắc xin do các nhân viên chuyên thực hành tiêm chủng vắc xin lâu nay của BV thực hiện. Nhân viên tiêm chủng cũng hướng dẫn chi tiết các biểu hiện bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để xử lý. Đặc biệt, khu vực tiêm chủng của BV đặt ngay Khoa Cấp cứu để kịp thời xử lý những sự cố tiêm chủng ngoài ý muốn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.