Từ 0 giờ ngày 9.7, TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là biện pháp mạnh để ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 lây lan. Thế nhưng trên thực tế hiệu quả của biện pháp này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ về việc làm thế nào để có thể sau thực hiện Chỉ thị 16, TP.HCM có thể giảm được dịch bệnh.
Ngăn chặn vi rút
TS-BS Hùng cho biết, khi một người bị nhiễm bệnh, vi rút trong cơ thể sẽ phát triển lên tới hàng tỉ vi rút mới. Chúng xâm nhập vào máu và lan ra khắp cơ thể, tàn phá các cơ quan trọng yếu như phổi, thận, tim, não… Cùng lúc, hệ thống miễn dịch của người bệnh cũng tăng cường hoạt động nhằm tiêu diệt vi rút để bảo vệ cơ thể. Sẽ có 2 tình huống xảy ra. Một là hệ miễn dịch chiến thắng và vi rút dần bị tiêu diệt để 2-3 tuần sau bệnh sẽ qua đi. Hai là vi rút chiến thắng, người bệnh ngày một nặng hơn. Hệ miễn dịch của những người có bệnh nền đã suy yếu sẵn nên tình huống thứ 2 dễ gặp hơn.
Tuy nhiên ở cả 2 tình huống đều dẫn tới một kết cục chung là vi rút đều sẽ chết. Ở tình huống 1, vi rút chết do bị hệ miễn dịch tiêu diệt. Ở tình huống 2 khi người bệnh tử vong vi rút cũng sẽ chết vì 'hết đất sống'.
“Thế nhưng vì sao trên thực tế vi rút không những không chết mà còn lan tràn khắp nơi. Đó là do trong quá trình bị bệnh, vi rút đã sẵn sàng “nhảy” sang một cơ thể mới khi người bệnh tiếp xúc với người khác. Và cứ như thế chúng tồn tại từ đời này sang đời khác ở nhiều người khác nhau. Hơn nữa trong quá trình lan truyền bệnh chúng còn biến đổi trở thành những chủng mới ngày càng tinh vi hơn, khả năng chống lại hệ miễn dịch mạnh hơn, tốc độ lây lan nhanh hơn”, TS-BS Hùng phân tích
Theo TS-BS Hùng, phong tỏa theo Chỉ thị 16 là một biện pháp bắt buộc thực hiện khi bệnh dịch lan tràn khó kiểm soát. Trong đợt phong tỏa thì người - người, nhà - nhà đều giãn cách và như thế vi rút Covid-19 khó có thể “nhảy” từ người này sang người khác, từ nhà này qua nhà khác, từ cụm dân cư này sang cụm dân cư khác. Một thời gian ngắn, vi rút 'hết đất sống', sẽ tự nhiên bị diệt vong. Cuộc sống bình thường sẽ quay trở lại.
Tuy nhiên chỉ cần tồn tại một bộ phận nhỏ những người “xé rào” tránh giãn cách vì tư lợi thì cũng có thể phá vỡ mọi nỗ lực của cả triệu người khác. Những người đó chính là những cầu nối cho vi rút vượt vòng vây để tìm được đất sống mới và tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.
Tự giác giãn cách, 5K và tiêm vắc xin
Theo TS-BS Hùng, mỗi người dân phải tự giác tự giãn cách từ trong chính gia đình mình, giãn cách trong cộng đồng. Tốc độ sinh hoạt của cả cộng đồng sẽ giảm hẳn, số lượng bệnh nhân mới từ đó giảm theo, năng lực kiểm soát của chính quyền cũng dần mạnh lên, có đủ sức lo cho dân nhiều, chu đáo hơn. Ngành y tế vì thế cũng thoát khỏi nguy cơ vỡ trận.
TS-BS Hùng cho biết thêm, vắc xin Covid-19 sẽ được ưu tiên phân bổ cho TP.HCM trong tháng 7, 8. Mỗi người dân hãy vì người thân, vì bản thân và vì cộng đồng mà tham gia chích ngừa. Tỷ lệ tai biến sau tiêm ngừa cực kỳ thấp so với tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh. Nhưng cần lưu ý, dù trong hoàn cảnh nào (kể ca khi kết thúc thực hiện Chỉ thị 16) cũng cần giữ khoảng cách an toàn, tránh tập trung quá đông để rồi mắc bệnh trước khi vắc xin có tác dụng. Để việc thực hiện Chỉ thị 16 có kết quả tốt, cần sự chung sức của mỗi người dân trong cộng đồng.
Chính quyền địa phương thể hiện vai trò quan trọngTS-BS Hùng cho rằng, vai trò của chính quyền địa phương trong việc thực hiện phong tỏa theo Chỉ thị 16 rất quan trọng. Chính quyền địa phương sâu sát, nắm rõ tình hình cuộc sống của người dân, kịp thời hỗ trợ khó khăn cho các gia đình nghèo sẽ giúp cho họ vượt qua thời kỳ giãn cách mà không phải “xé rào” vì miếng cơm manh áo.
Có kế hoạch tổ chức một khu chợ, siêu thị có kiểm soát về sức khỏe tiểu thương, có phân lịch cụ thể về ngày, giờ cho từng cụm gia đình được đi mua đồ thiết yếu, từ đó tránh tình trạng tập trung đông người, tạo niềm tin cho người dân sẽ được đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa...
|
Bình luận (0)