Đây là thông tin mới nhất vừa được ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cập nhật, liên quan đến một trong những dự án luật được chú ý nhất năm nay – Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa 13 diễn ra vào tháng 11.2017, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã làm việc với Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội gần 1 tháng, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội và hoàn thành dự thảo, gửi đi xin ý kiến các cơ quan hữu quan một lần nữa. Trong dự thảo lần này, từ “đặc khu” đã chính thức được đưa vào để tiếp cận với cách gọi quốc tế.
Gây tranh cãi cho đến phiên họp lần thứ 20 (tháng 1.2018) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi bàn về dự án luật này là tổ chức chính quyền của các khu kinh tế đặc biệt (đặc khu) là có hội đồng nhân dân hay không, cũng như thiết chế của chức vụ trưởng đặc khu (được trao quyền đến đâu và bị giám sát ra sao).
Theo ông Trần Duy Đông, về trưởng đặc khu, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã báo cáo Chính phủ hoàn thiện thêm mô hình này, trong đó có việc đề xuất thành lập thêm hội đồng đặc khu, với tổ chức khác với hội đồng nhân dân hiện nay. Hội đồng đặc khu sẽ gồm 11 thành viên, do Thủ tướng thành lập bên cạnh thường trực trưởng đặc khu. Thành phần hội đồng đặc khu gồm nhà khoa học, nhà kinh tế, nhà đầu tư chiến lược và cộng đồng doanh nghiệp ở đặc khu.
tin liên quan
Đặc khu không nên '2 cha, 2 mẹ'Hội đồng sẽ có 3 chức năng chính: tư vấn, phản biện bắt buộc với các vấn đề lớn của đặc khu, chiến lược phát triển, ban hành văn bản pháp quy... tuy nhiên, người thực quyết vẫn là trưởng đặc khu; cảnh báo cho trưởng đặc khu để tránh các sai lầm; độc lập báo cáo đánh giá hoạt động quản lý của trưởng đặc khu lên Thủ tướng để có thêm căn cứ thay thế, cách chức người này nếu không phù hợp.
Cũng theo ông Đông, dự thảo cũng quy định rõ hơn, bổ sung thêm cơ chế giám sát hoạt động của trưởng đặc khu, như việc tiếp dân, số ngày cụ thể phải đăng tải các quyết định lên website của trưởng đặc khu... Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng đây là hình thức giám sát thực chất hơn so với cơ chế của chúng ta hiện nay.
Tuy nhiên, quyết định mô hình chính quyền đặc khu ra sao sẽ được đưa ra xin ý kiến Bộ Chính trị, cùng với việc có cho thuê đất đến 99 năm hay không, vì liên quan đến an ninh quốc phòng ở địa bàn chiến lược.
“Hiện Chính phủ rất mong muốn vẫn giao đến 99 năm với chỉ rất ít dự án thực sự đáp ứng được về quy mô và phù hợp với chiến lược phát triển của đặc khu, do Thủ tướng quyết định. Có khá nhiều đặc khu đã giao đất đến 100 năm như UAE, Singapore” – ông Đông chia sẻ.
Được biết, sau khi QH cho ý kiến, cơ quan soạn thảo vẫn tiếp tục cử các đoàn đi học tập ở Trung Quốc, Singapore và Dubai để hoàn thiện thêm dự thảo, bổ sung mô hình khu thương mại tự do gắn với cảng biển và sân bay. Tại đó, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thủ tục giảm hành chính và ưu đãi thuế quan... sẽ tiếp tục giảm mạnh.
Luật cũng bổ sung thêm một khái niệm mới là “công chức hợp đồng” tại đặc khu. Ngoài trưởng đặc khu, trưởng cơ quan chuyên môn và trưởng khu hành chính là công chức, còn lại đều là công chức hợp đồng do trưởng đặc khu ký và được trả lương trên cơ sở công việc.
Về vấn đề miễn tiền thuê đất đai mà tại phiên họp thứ 20, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có cả Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đã phản đối vì đây là việc "ưu đãi cào bằng", làm giảm thu ngân sách, vì Phú Quốc đang thu tiền thuê đất, các nhà đầu tư cũng đang phải "xếp hàng" để vào được, thì khi có luật sẽ không thu được nữa; ông Trần Duy Đông cho biết dự thảo luật đã có chỉnh sửa. Theo đó, Phú Quốc sẽ được ưu đãi ít hơn so với Bắc Vân Phong (hiện gần như chưa có gì). Phương án cơ quan soạn thảo đang tính đến là có thể chỉ ưu đãi tiền thuê đất 1 nửa thời gian dự án.
Bình luận (0)