Nhận dạng tàu cá Trung Quốc - Kỳ 3: Những kẻ lì lợm

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
29/08/2020 10:00 GMT+7

Tàu cá Trung Quốc không chỉ đánh bắt trộm hải sản mà còn có hành vi đe dọa, uy hiếp, ngăn cản việc đánh bắt hải sản của ngư dân ta và các hoạt động kinh tế trên biển...

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng công tác của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) diễn ra ngày 14.7.2020, Cục Kiểm ngư Việt Nam (KNVN) cho biết: Các Chi đội Kiểm ngư đã tổ chức 44 lượt tuần tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên biển; quan sát được 11.383 tàu cá, kiểm tra 652 tàu cá, xua đuổi 222 tàu cá nước ngoài, bao gồm tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam.
Đặc biệt, KNVN cũng tuyên truyền phổ biến, động viên ngư dân vươn khơi bám biển sau lệnh cấm khai thác hải sản vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tàu cá Trung Quốc cơ động vào gần đảo Phan Vinh A (Trường Sa), tháng 4.2016.

Ảnh: Mai Thanh Hải

Mới đây nhất, trong đợt tuần tra tháng 7.2020, biên đội tàu KN-196 và KN-198 của chi đội Kiểm ngư 1 đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển (CSB) đã phát hiện, tiếp cận và tiến hành xua đuổi 11 lượt tàu cá Trung Quốc đánh bắt sâu vào khu vực vùng biển Cồn Cỏ (Quảng Trị) và Hòn La (Quảng Bình).

Đội hình tàu cá Trung Quốc tập hợp ở vùng biển Sinh Tồn (Trường Sa), tháng 5.2020

Ảnh: Mai Thanh Hải

Vùng CSB 1 có nhiệm vụ quản lý, duy trì thực thi pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự trên vùng biển từ cửa sông Bắc Luân (Quảng Ninh) đến đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Từ khi thành lập (1998) đến nay, đơn vị đã tổ chức xua đuổi trên 7.000 lượt tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam.
“Riêng trong năm 2019, các tàu CSB trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển đã tuyên truyền, yêu cầu trên 3.500 lần/chiếc tàu cá Trung Quốc vi phạm, ra khỏi vùng biển Việt Nam”, trung tướng Hoàng Văn Đồng, nguyên chính ủy CSB Việt Nam cho biết vậy và trầm ngâm: “Các tàu cá Trung Quốc xâm phạm nhiều nhất ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển miền Trung và quần đảo Trường Sa”.

Các tàu cá Trung Quốc (phía trái) mon men cạnh đảo Sinh Tồn Đông (Trường Sa), tháng 5.2020

Ảnh: Mai Thanh Hải

Với bộ đội biên phòng (BĐBP) thì TP. Đà Nẵng làm tốt nhất nhiệm vụ xua đuổi tàu cá Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền. Chỉ trong 10 năm (2009 – 2019), BĐBP Đà Nẵng đã tổ chức xua đuổi 2.107 lượt tàu Trung Quốc, bắt xử lý 120 tàu cá.
Những tàu này không chỉ đánh bắt trộm hải sản mà còn có hành vi đe dọa, uy hiếp, ngăn cản việc đánh bắt hải sản của ngư dân ta và các hoạt động kinh tế trên biển...
“Chúng ta có 4 ngư trường truyền thống chính, đó là: Cà Mau - Kiên Giang (vịnh Thái Lan); ngư trường Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu; ngư trường Hải Phòng - Quảng Ninh (vịnh Bắc bộ) và ngư trường quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa. Việc số lượng tàu cá nước ngoài (nhất là Trung Quốc) gia tăng vi phạm trên vùng biển nước ta đã ảnh hưởng rất lớn đến ngư trường truyền thống, tính an toàn của ngư dân Việt Nam", đại tá Võ Văn Kính, nguyên phó chính ủy vùng CSB 2 cho biết vậy và nêu rõ: Trong khi tàu cá Việt Nam nếu vi phạm ở các nước khác sẽ bị bắt giữ, tịch thu, xử phạt, thậm chí bị bắn chìm tàu. Còn với tàu cá của nước ngoài, khi vi phạm lãnh hải Việt Nam đều được xử lý theo pháp luật Việt Nam, với tinh thần nhân đạo. Cơ quan thi hành pháp luật của chúng ta tuyên truyền về Luật Biển cho họ hiểu, cảnh báo và xua đuổi họ ra khỏi vùng biển chủ quyền Việt Nam.

Ngư dân Trung Quốc tập thể dục buổi sáng, trên tàu cá vỏ sắt hoạt động trái phép trên vùng biển Trường Sa, tháng 3.2019

Ảnh: Mai Thanh Hải

“Mặc dù tình hình trên biển có nhiều vấn đề phức tạp, nhưng trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước và quân đội ta vẫn quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo với tinh thần mềm dẻo, hòa hiếu, kiên trì, kiên quyết để giữ môi trường hòa bình ổn định”, đại tá Võ Văn Kính nhấn mạnh như vậy.

Tàu cá Trung Quốc thả xuồng nhỏ cho ngư dân vào đánh bắt tại bãi cạn Ba Đầu (Trường Sa), tháng 3.2020

Ảnh: Mai Thanh Hải

... “Tình hình Biển Đông thời gian gần đây diễn biến theo hướng phức tạp, căng thẳng và mất ổn định hơn, đưa đến những thách thức mới đối với quốc phòng, an ninh của ta. Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền theo yêu sách phi lý trên Biển Đông; bên cạnh đó các hoạt động khẳng định chủ quyền của các nước trong khu vực, sự can dự của các nước lớn ngoài khu vực vào Biển Đông đã làm cho tình hình Biển Đông trở lên phức tạp thêm. Tình hình Biển Đông đã tác động đến kinh tế, chính trị, an ninh khu vực và hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Chủ trương bảo vệ chủ quyền biển, đảo ta là: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, giữ vững 21 đảo (33 điểm đóng quân) ở quần đảo Trường Sa, DKI; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao và pháp lý với chuẩn bị phương án quân sự, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Giữ môi trường hòa bình, ổn định, giữ quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước để phát triển đất nước; xử trí tình huống trên cơ sở Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982, Luật biển Việt Nam năm 2012 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Giữ vững đường lối độc lập, tự chủ và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế”.
Với nhiệm vụ của mình, Bộ Quốc phòng thường xuyên chỉ đạo các lực lượng hải quân, không quân, cảnh sát biển, biên phòng... tăng cường nắm tình hình trên các vùng biển, tổ chức lực lượng kịp thời xử lý các tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ...
Những năm qua, Đảng - Nhà nước đã đầu tư nâng cao tiềm lực quốc phòng, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng trực tiếp bảo vệ chủ quyền biển, đảo; mua sắm các trang thiết bị vũ khí hiện đại, chủ động nghiên cứu, phát triển trang bị, vũ khí công nghệ cao, nâng cao khả năng nắm tình hình và quản lý các vùng biển; Bộ Quốc phòng đã tăng cường lực lượng tàu trực tại các vùng biển trọng điểm, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo; sẵn sàng các phương án xử trí không để bị bất ngờ; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tổ chức diễn tập, luyện tập các phương án, hiệp đồng các lực lượng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo để xử lý tốt các tình huống diễn ra trên biển”...
(Báo cáo số 161/BQP-VP ngày 15.1.2020 - Bộ Quốc phòng trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM)

Một số hình ảnh tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam do phóng viên Thanh Niên ghi lại trong các chuyến công tác cùng lực lượng chấp pháp, bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên biển:

2 ngư dân Trung Quốc trên xuồng nhỏ

Ảnh: Mai Thanh Hải

Tàu "mẹ" thả xuồng "con", vào khai thác hải sản trái phép tại bãi Én Đất (Trường Sa), tháng 4.2016.

Ảnh: Mai Thanh Hải

Ngư dân Trung Quốc ngồi sau lái nghỉ ngơi, sau lúc đánh bắt hải hải trái phép tại Trường Sa; tháng 5.2013

Ảnh: Mai Thanh Hải

Thuyền "con" chở ngư dân Trung Quốc khai thác hải sản tại bãi Én Đất (Trường Sa), tháng 4.2016

Ảnh: Mai Thanh Hải

Tàu xuồng Trung Quốc khai thác hải sản trái phép tại bãi Ba Đầu, tháng 4.2016.

Ảnh: Mai Thanh Hải

Một số tàu cá Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam (gần Phú Quý, Bình Thuận) đánh bắt hải sản trái phép, tháng 4.2019.

Ảnh: Mai Thanh Hải

Ngư dân trên tàu cá Trung Quốc đang kéo lưới.

Ảnh: Mai Thanh Hải

2 tàu cá dân binh Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, gần đảo Phú Quý (Bình Thuận), tháng 6.2019.

Ảnh: Mai Thanh Hải

Các tàu cá Trung Quốc neo đậu cạnh bãi Huy Gơ (Trường Sa), tháng 2.2020

Ảnh: Mai Thanh Hải

Tàu cá Trung Quốc với giàn lưới chụp 2 bên, đang đánh bắt trái phép ban đêm trên vùng biển Trường Sa, tháng 4.2016

Ảnh: Mai Thanh Hải

 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.