Nhập 2 - 3 xã, ai là chủ tịch?

Vũ Hân
Vũ Hân
27/03/2019 08:14 GMT+7

Nhập 2 - 3 xã thì ai là chủ tịch? Bí thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch MTTQ cũng quy định phải bầu trong đại hội, nhưng chưa tổ chức đại hội thì bầu ai, cử ai; hay chỉ định, lấy phiếu tín nhiệm để có người đứng đầu?

Sáng 26.3, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lấy ý kiến dự thảo nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch sắp xếp, mẫu hồ sơ đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.

Chưa rõ tiêu chí trưởng, phó

Là tỉnh có đến 66 xã phải sáp nhập, ông Trần Quốc Huy, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa, cho biết nhiệm vụ với tỉnh là rất nặng nề.
Việc sáp nhập thôn, bản sẽ gặp khó khăn về phía người dân, nhưng sáp nhập xã sẽ gặp khó khăn về giải quyết cán bộ; đặc biệt trong bối cảnh ngay sau khi sắp xếp sẽ phải tiến hành đại hội Đảng các cấp. Nếu không tính toán hợp lý, sẽ gây nên xáo trộn không nhỏ ở các địa phương.
Theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các địa phương có lộ trình 5 năm để đưa cán bộ các xã sau sắp xếp đúng vị trí quy định. Nhưng theo ông Huy, việc sắp xếp rất khó khăn, vì hiện chưa rõ tiêu chí để quyết định ai làm trưởng, ai làm phó; chưa kể việc bảo lưu chế độ chính sách với những cán bộ này trong 5 năm cũng sẽ tiêu tốn không ít kinh phí.
Đại diện Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Bộ Nội vụ có hướng dẫn cụ thể việc chọn cán bộ đứng đầu. “Nhập 2 - 3 xã thì ai là chủ tịch? Bí thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch MTTQ cũng quy định phải bầu trong đại hội, nhưng chưa tổ chức đại hội thì bầu ai, cử ai; hay chỉ định, lấy phiếu tín nhiệm để có người đứng đầu?”, vị này nêu.
Đại diện tỉnh Phú Thọ (có 40 xã thuộc diện phải sắp xếp) cũng đề nghị Bộ Nội vụ không quy định cứng việc mỗi năm phải giảm 20% cán bộ và biên chế mà để các tỉnh chủ động theo hướng vẫn đảm bảo trong 5 năm sẽ đưa số cán bộ, công chức về đúng tiêu chuẩn.
Liên quan đến băn khoăn về công tác cán bộ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn lưu ý: “Đây là dịp thực hiện tốt Nghị quyết 18 về sắp xếp, tinh gọn bộ máy nên hết sức tránh hợp nhất đội ngũ cán bộ công chức của 2, 3 xã vào nhau mang tính cơ học. Khi sáp nhập, cố gắng rà soát đánh giá, phân loại cán bộ công chức. Đội ngũ dôi dư có nhiều trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì giải quyết theo chính sách tinh giản biên chế; những trường hợp có đủ điều kiện tiêu chuẩn có thể dự tuyển vào các cơ quan khác, bố trí công việc khác. Sắp xếp đơn vị hành chính mà cán bộ vẫn nguyên như vậy thì chưa đáp ứng được yêu cầu”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Lo ngại lấy “cớ” để chậm sáp nhập

Đại diện Sở Nội vụ Nghệ An bày tỏ lo lắng về việc lấy ý kiến nhân dân khi sáp nhập - điều kiện bắt buộc, đã được hiến định. “Nghệ An có 18 xã nằm trong diện phải sáp nhập vì không đủ cả 2 tiêu chí, trong đó có 15 xã và 3 thị trấn. Việc lấy ý kiến cử tri tại cơ sở rất khó khăn, vì người dân có hộ khẩu ở đó nhưng lại đi làm ăn xa... Ở làng, ở xã gần như chỉ có người già và trẻ em. Việc lấy ý kiến tất cả cử tri là khó đảm bảo và sẽ mang tính hình thức. Nên chăng giảm thủ tục, chỉ lấy ý kiến đại diện hộ gia đình”, vị này khuyến nghị.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh cũng cho rằng việc quy định lấy ý kiến nhân dân lần 1 không được, thì phải lấy tiếp lần 2 có thể là cái cớ để một số địa phương chần chừ không tiến hành sáp nhập, nên phải có quy định lấy ý kiến cử tri phải đạt 50% trở lên mới trình các cấp ra nghị quyết sáp nhập.
Đề xuất chỉ lấy ý kiến đại diện hộ gia đình của Nghệ An được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đồng tình và cho biết từ nay đến cuối tháng, Bộ sẽ trình Chính phủ dự thảo các văn bản hướng dẫn để đầu tháng sau các địa phương có thể thực hiện. Ông Tân cũng đề nghị Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn sắp xếp, phân loại đô thị và Ban Tổ chức T.Ư có hướng dẫn sắp xếp trong bộ máy chính trị tiến tới đại hội Đảng các cấp thời gian tới.
Về các trường hợp đặc thù, ông Tân cho biết Bộ Nội vụ sẽ sớm có hướng dẫn và lưu ý địa phương cần cân nhắc vấn đề truyền thống lịch sử, văn hóa; đảm bảo sắp xếp ổn định và phát triển, không sắp xếp bằng bất cứ giá nào.
Nhiều nơi sáp nhập 2 xã vẫn không đạt 2 tiêu chí
Một trong những lo lắng lớn của các địa phương là từ nay cho tới cuối năm, chỉ còn 8 tháng để thực hiện việc sáp nhập, nhưng nhiều địa phương như Hà Tĩnh phải sắp xếp tới 67 xã.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh Nguyễn Phi Quang cho biết tỉnh dự kiến giảm 32 - 35 xã, hình thành 25 - 30 xã mới, nhưng chiếu theo quy định của Nghị quyết 653 vẫn còn khá nhiều nơi sáp nhập 2 xã với nhau rồi vẫn không đạt 2 tiêu chí. Với lộ trình sắp xếp từ nay đến hết quý 1/2020 mà Bộ Nội vụ đưa ra, ông Quang lo ngại sẽ không thể kịp để tổ chức đại hội Đảng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.