Những thuận lợi, khó khăn sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16 tại TP.HCM

23/07/2021 17:32 GMT+7

Sau nửa tháng thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ , TP.HCM sẽ có giải pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch Covid-19.

Chiều 23.7, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức sơ kết 15 ngày thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

TP.HCM sẽ áp dụng 16+, mạnh hơn Chỉ thị 16 đến ngày 1.8 để chống Covid-19

Phát hiện nhiều ca dương tính, khoanh vùng nhiều khu vực

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết trước diễn biến tình hình dịch bệnh, TP.HCM đã quyết liệt triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm thực hiện cách ly xã hội toàn TP.HCM theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Qua 15 ngày triển khai thực hiện, TP.HCM đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của nhân dân, thông qua nhiều kênh thông tin phản ánh đã cho thấy hầu hết người dân đã và đang hoàn toàn ủng hộ với những quyết sách và phương thức chống dịch mà các ngành, các cấp đang triển khai.
Về phía các quận, huyện và TP.Thủ Đức cũng có sự chuẩn bị và nhanh chóng triển khai theo chỉ đạo của TP.HCM về kế hoạch xét nghiệm tầm soát; triển khai tiêm vắc xin; kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự; đảm bảo cung cấp hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, đồng thời tổ chức quán triệt trong hệ thống chính trị và triển khai tuyên truyền sâu rộng đến người dân thực hiện chủ trương của TP.HCM dưới nhiều hình thức. Trong đó có một số đơn vị đã đề ra nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương như: H.Hóc Môn, TP.Thủ Đức, Q.11, Q.8…
Việc thời thực hiện các biện pháp cách ly xã hội toàn TP.HCM cùng với việc thúc đẩy công tác xét nghiệm tầm soát diện rộng đã giúp phát hiện được nhiều ca dương tính, đồng thời xác định khoanh vùng, phong tỏa nhiều khu vực, hạn chế lây lan diện rộng.
Ông Dương Anh Đức cho biết TP.HCM đã đề ra nhiều giải pháp linh hoạt để cung ứng hàng hóa cho người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn đã có sự ổn định, hàng hóa luôn được đảm bảo đầy đủ trên các quầy kệ tại các hệ thống phân phối với giá bán ổn định, được niêm yết công khai cùng với nhiều kênh bổ trợ cung ứng hàng hóa đã giúp cho người dân yên tâm, không còn tập trung đi mua sắm.

Đề nghị hỗ trợ lao động còn chậm

Tuy nhiên, theo ông Dương Anh Đức, mặc dù TP.HCM đã cố gắng kiểm soát tình hình dịch trên địa bàn nhưng số ca nhiễm vẫn còn tăng cao; đa số là tại các khu phong tỏa, cho thấy việc quản lý tại các khu phong tỏa còn chưa chặt chẽ, bộc lộ một số hạn chế. Việc triển khai các giải pháp theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ có nơi có lúc chưa hiệu quả, thống nhất, chưa đủ mạnh trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn TP.HCM.
Cụ thể, về công tác thông tin, tuyên truyền vẫn còn tình trạng đưa thông tin xấu, bịa đặt, gây hoang mang, dư luận ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Chuỗi cung ứng bị khó khăn dẫn đến chi phí vận chuyển hàng từ các tỉnh về TP.HCM tăng, đồng thời việc ngưng hoạt động ba chợ đầu mối dẫn đến kênh tiếp cận hàng của các tiểu thương khó khăn nên giá cả biến động tăng mạnh tại một số điểm bán.
"Việc thực hiện của các doanh nghiệp đối với mô hình vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ hoặc thực hiện được phương châm “một cung đường - hai địa điểm” còn gặp một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, hầu hết các doanh nghiệp đều đáp ứng được các yêu cầu theo quy định. Tuy nhiên, khi tổ chức vừa sản xuất vừa cách ly, một số lao động ban đầu đồng thuận nhưng sau đó lại không muốn tham gia; có tình trạng một số trường hợp chủ doanh nghiệp không thực hiện cùng ăn, cùng ở với công nhân mà vẫn đi về hằng ngày; điều này được xác định là mối nguy cơ lây lan dịch bệnh", ông Đức nhấn mạnh.

TP.HCM: Tổng cộng gần 50.000 ca Covid-19, 8.468 ca hồi phục và 434 người tử vong

Ngoài ra, ông Đức cho rằng việc hỗ trợ cho các đối tượng còn hạn chế do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TP.HCM đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế việc đi lại, nhiều khu vực bị cách ly, phong tỏa, các quận, huyện phải tăng cường nhân lực để vừa đảm bảo nhiệm vụ phòng, chống dịch vừa đảm bảo công việc chuyên môn nên tiến độ chi hỗ trợ thời gian đầu gặp nhiều khó khăn; nhiều chủ sử dụng lao động phải tạm thời đóng cửa, ngừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 nên việc lập danh sách đề nghị hỗ trợ lao động tự do còn chậm.
Vì vậy, trong thời gian tới, theo ông Dương Anh Đức, thực hiện Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17.7 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 12/CT-TU ngày 22.7.2021 của Thành ủy, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg đến ngày 1.8.2021 với các giải pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.
 

Tóm lược một số nội dung trong Chỉ thị 12 của Thành ủy TP.HCM

Đồ họa: Lâm Nhựt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.