'Nửa đêm bị tín dụng đen gọi điện dọa chặt đầu, cắt cổ'

29/03/2021 12:00 GMT+7

'Có những người đang ngủ thì nhận điện thoại, tin nhắn lúc 1 - 2 giờ đêm hù dọa chặt đầu, cắt cổ, lấy hình trên Zalo treo cột điện', ông Nguyễn Văn Thì, đại diện Văn phòng phía Nam Hội Nông dân Việt Nam, nói về 'tín dụng đen'.

Sáng 29.3, tại TP.HCM, Ban Công tác phía Nam - Ủy ban Trung ương MTTQVN tổ chức hội nghị ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân khu vực phía Nam.
Ông Nguyễn Văn Thì, đại diện Văn phòng phía Nam Hội Nông dân Việt Nam, cho biết bản thân nhận được nhiều chia sẻ của bạn bè, người thân về hoạt động cho vay, đòi nợ theo kiểu "tín dụng đen" của một công ty cho vay tài chính.
“Có những người phản ánh ngày 10 mới đến hạn trả tiền thì ngày 7 - 8 thì nhân viên nhắn vào điện thoại, Zalo hăm he, chửi bới, đòi gửi thông tin về nơi làm việc, địa phương. Hình thức đòi nợ kiểu đó là hoạt động xã hội đen”, ông Thì nhận định, đồng thời nhắc đến các thông tin "nhảy cầu tự tử vì áp lực quá lớn từ đòi nợ" mà báo chí từng đề cập.

Ông Nguyễn Văn Thì, đại diện Văn phòng phía Nam Hội Nông dân Việt Nam, lo ngại về tội phạm tín dụng đen khiến người dân hoang mang.

Ảnh: Sỹ Đông

Cũng theo ông Thì, người dân nói rằng những người vay tiền đều bị khủng bố nhiều lần, người dân có báo công an nhưng sau đó thì “đâu cũng vào đó”. “Có những gia đình rất đau khổ, có những người đang ngủ thì nhận điện thoại, tin nhắn lúc 1 - 2 giờ đêm hù dọa chặt đầu, cắt cổ, lấy hình trên Zalo treo cột điện”, ông Thì cho biết và đề nghị phải có các biện pháp giải quyết bằng được loại tội phạm "tín dụng đen".

Vợ chồng già U80 suy sụp vì nửa năm trời bị tạt sơn, mắm tôm vào nhà

Rà soát quy hoạch treo

Ở lĩnh vực đất đai, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, nêu ra hàng loạt bất cập trong các quy định pháp luật chưa sát với thực tế, nhất là quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng chưa sát thực tế, không đảm bảo an sinh xã hội cho người dân có đất thuộc diện thu hồi.
Một điểm bất cập khác được LS Hậu nêu ra, đó là luật Đất đai quy định quy hoạch cấp dưới phải căn cứ vào quy hoạch cấp trên và căn cứ vào chỉ tiêu phân bổ sử dụng đất cấp tỉnh cho huyện. Tuy nhiên, hiện quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và cấp tỉnh chưa dược phê duyệt, cấp tỉnh chưa được phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho cấp huyện trong khi quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2015 - 2020 đã hết kỳ quy hoạch.
“Nếu không lập và duyệt quy hoạch thì trong năm 2021, cấp huyện sẽ không có chỉ tiêu sử dụng đất để giải quyết các thủ tục cho người dân”, luật sư Hậu lo ngại.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề nghị rà soát quy hoạch treo để điều chỉnh và công khai cho người dân giám sát

Ảnh: Sỹ Đông

Truyền tải những bức xúc của người dân trong lĩnh vực đất đai, luật sư Hậu còn cho biết thủ thủ tục xin cấp đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tách thửa còn phức tạp, khó khăn và vẫn còn tình trạng cán bộ sách nhiễu. Ngoài ra, cử tri cũng mong muốn rà soát kỹ lưỡng việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã công bố để giảm thiểu tình trạng các dự án treo, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân; đồng thời công khai việc điều chỉnh, hủy bỏ quy hoạch treo để người dân biết và giám sát.
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM, cũng đề nghị sớm có quy hoạch tổng thể về đất đai để tránh tình trạng các địa phương lựa chọn nhà đầu tư nhỏ lẻ làm ảnh hưởng đến quy hoạch và môi trường.
Ngoài ra, ông Liêm cũng nhìn nhận nhiều cơ quan công quyền chưa mạnh dạn giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, làm mất cơ hội kinh doanh chính đáng của doanh nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.