Tại H.Sơn Hà, sáng sớm 23.11 nước lũ tràn qua cầu Sông Rin, ngập sâu hơn 1 m làm tuyến đường xung yếu từ H.Sơn Hà lên H.Sơn Tây bị tê liệt hoàn toàn.
Các tuyến đường Sơn Giang - Sơn Linh, Sơn Hạ - Sơn Nham (H.Sơn Hà) cũng bị nước lũ phong tỏa nên gần 2.000 học sinh phải nghỉ học. H.Sơn Hà huy động lực lượng chốt chặn tại các điểm cầu: Sông Rin, Sơn Giang, Sơn Kỳ, Thạch Nham nhằm cảnh báo các phương tiện không được lưu thông qua cầu, tránh rủi ro đáng tiếc.
[VIDEO] Quảng Ngãi lũ lại lên, nhiều tuyến đường bị chia cắt
Lũ trên các sông ở Quảng Ngãi đang lên nhanh, chia cắt nhiều tuyến đường trọng yếu. Chính quyền địa phương đã tổ chức chốt chặn tại một số cầu, không cho người dân lưu thông qua cầu, tránh rủi ro đáng tiếc.
Tại H.Ba Tơ, lo ngại khu vực núi Lon (TT.Ba Tơ) có nguy cơ xảy ra sạt lở, sáng 23.11, chính quyền địa phương huy động lực lượng hỗ trợ 4 hộ dân với 16 nhân khẩu sống dưới chân núi đến nơi an toàn. Chiều 23.11, cháu Đinh Thị Nương (học sinh lớp 2, ở thôn Xà Nay, xã Sơn Nham, H.Sơn Hà) trong lúc qua suối Xà Nay, không may trượt chân ngã, bị lũ cuốn trôi mất tích.
Tại Bình Định ngày 23.11 cũng liên tục có mưa to, khiến nước lũ trên các sông Hà Thanh, sông Kôn dâng cao trở lại.
Cùng ngày, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND H.Nam Trà My (Quảng Nam), cho biết khoảng 23 giờ ngày 22.11, người dân địa phương nghe có tiếng nổ lớn phát ra ở ngọn núi tại thôn 1, xã Trà Mai, sau đó lượng đất đá lớn và cây cối đã tràn xuống vùi lấp 1 nhà dân. Lãnh đạo chính quyền địa phương đã có mặt tại hiện trường, chỉ đạo ngay trong đêm khẩn trương di dời tất cả 13 hộ dân ở thôn 1 đến nơi an toàn.
Trước đó, H.Nam Trà My đã tổ chức đợt di dời lớn 121 hộ dân ở xã Trà Vân hồi giữa tháng 11, còn H.Bắc Trà My vừa hoàn tất di dời hơn 500 hộ dân của 12 xã có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn hôm 19.11. Trước nguy cơ sạt lở diễn biến nghiêm trọng, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã yêu cầu các địa phương huyện miền núi chủ động di dời dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn trước 18 giờ ngày 23.11. Những khu vực đã di dời, địa phương tuyệt đối không cho người dân quay lại, đề phòng nguy cơ sạt lở khi có mưa lớn xảy ra.
Những trận mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh đã gây ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng của H.Hải Lăng, phía nam tỉnh Quảng Trị.
Cũng trong hôm qua, mưa lớn kéo dài khiến khu vực đang thi công đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Túy Loan (Đà Nẵng) bị sạt lở nặng, bùn đất tràn xuống đường liên xã và vào nhà dân ở tổ 4, thôn Quan Nam 3, xã Hòa Liên (H.Hòa Vang). Theo UBND H.Hòa Vang, nguyên nhân sự cố do đơn vị thi công làm cầu vượt qua thôn nhưng không có kè chắn, múc đất tạo hàm ếch nên mưa lớn gây sạt lở. Gần đó, công trình cầu vượt thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc cũng bị sạt lở, lộ móng cầu rất nguy hiểm đến an toàn cho người dân trong khu vực.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam, các hồ thủy điện đang tiếp tục xả với lưu lượng lớn. Sáng 23.11, thủy điện Đăkđrinh (Quảng Ngãi) xả điều tiết nước với lưu lượng 826,8 m3/giây, hồ chứa Nước Trong hơn 665 m3/giây khiến sông Trà Khúc tiếp tục dâng cao, một số vùng hạ du bị ngập lụt. Hồ Định Bình (H.Vĩnh Thạnh, Bình Định) ở đầu nguồn sông Kôn đã xả qua tràn 482 m3/giây để điều tiết lũ. Các hồ thủy lợi lớn khác ở Bình Định như Hội Sơn, Thuận Ninh, Núi Một cũng xả qua tràn từ 35 - 70 m3/giây.
Đến 17 giờ cùng ngày, có 4 thủy điện lớn ở Quảng Nam vẫn tiếp tục xả lũ với lưu lượng lớn gồm: A Vương (gần 100 m3/giây), Đắk Mi 4 (gần 250 m3/giây), Sông Tranh 2 (gần 900 m3/giây), Sông Bung 4 (gần 200 m3/giây).
Bình luận (0)