Ở vùng cao, Hà Giang vẫn ngập lụt, có phải do thủy điện xả lũ?

22/07/2020 10:04 GMT+7

Ngập lụt ở TP.Hà Giang (tỉnh Hà Giang) ngày hôm qua, 21.7, chủ yếu do mưa quá lớn, hệ thống thoát nước không tiêu thoát kịp, nhưng cơ quan chức năng đang xác minh liệu có nguyên nhân từ thủy điện xả lũ hay không.

Sáng nay, 22.7, trả lời câu hỏi của phóng viên Thanh Niên vì sao TP.Hà Giang (tỉnh Hà Giang) nằm trên vùng núi cao nhưng trong ngày hôm qua, 21.7, nhiều tuyến đường phố vẫn ngập sâu đến hơn 1 m nước, ông Lê Anh Dũng, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, cho biết sự việc đang đang cơ quan chức năng tìm hiểu, tổng hợp các nguyên nhân để đưa ra đánh giá.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, về nguyên nhân, nhận định ban đầu dẫn tới ngập lụt tại TP.Hà Giang là địa bàn này đã ghi nhận xuất hiện mưa rất lớn. Cụ thể, lượng mưa đo từ đêm 20.7 cho đến 9 giờ ngày 21.7 tại TP.Hà Giang lên tới 322 mm.
ngap-lut-ha-giang

Người dân TP.Hà Giang bất lực nhìn nước lũ từ trên núi dồn về chảy xuyên qua nhà trong trận mưa lớn sáng 21.7

Ảnh Kim Tiến

“Mưa quá lớn khiến hệ thống tiêu thoát nước ở khu vực thành phố quá tải, nước không tiêu thoát kịp, dẫn đến tình trạng ngập úng trên nhiều tuyến phố. Khi mưa giảm, nước rút nhanh”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, đây không phải là lần đầu tiên TP.Hà Giang xảy ra ngập lụt mà từng xảy ra nhiều năm trước khi có mưa cục bộ với cường suất lớn. Gần nhất là trong năm 2018, TP.Hà Giang từng xảy ra ngập lụt nhưng thiệt hại không lớn như ngày hôm qua.

Mưa lũ ở Hà Giang: 5 người chết và 2 người bị thương

Trả lời câu hỏi của phóng viên Thanh Niên: Trong ngày hôm qua, các nhà máy thủy điện Sông Lô 2 và sông Lô 4 đã mở toàn bộ cửa xả, liệu có liên quan đến ngập lụt trên địa bàn TP.Hà Giang hay không?, ông Dũng cho biết, thông tin này vẫn đang được tổng hợp và xác minh, hiện chưa có kết luận về việc này. Tuy nhiên, theo ông Dũng, trong ngày hôm qua, các thủy điện vẫn tuân thủ theo quy trình xả lũ.

Ngập lụt do úng cục bộ cộng hưởng lũ trên núi dồn về

Giải thích nguyên nhân mưa lớn tại Hà Giang, ông Bùi Đức Tuấn, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc, cho biết ghi nhận trong ngày 19 - 20.7, do ảnh hưởng của áp cao cận nhiệt đới lấn sâu vào đất liền, kết hợp với hội tụ gió trên mực 5.000 m sinh ra một vùng xoáy cục bộ ở khu vực Hà Giang.
Vùng xoáy này ít di chuyển nên gây mưa lớn chủ yếu ở địa bàn tỉnh này từ 21 giờ ngày 20.7 đến 13 giờ ngày 21.7.
Qua ghi nhận thực tế, đợt mưa này ở Hà Giang có lượng mưa trung bình từ 150 - 200 mm, nhưng cá biệt tại TP.Hà Giang và H.Vị Xuyên, lượng mưa lên tới trên 300 mm.
ngap-lut-ha-giang

Lực lượng cứu hộ giúp dân sơ tán tài sản khỏi vùng ngập ở TP.Hà Giang trong sáng 21.7

Ảnh Kim Tiến

Cũng theo ông Tuấn, tương tự nhiều đô thị ở vùng núi phía Bắc, TP.Hà Giang nằm ở địa hình lòng chảo, khu vực xung quanh được bao quanh bởi rất nhiều dãy núi. Mưa lớn được ghi nhận xảy ra ở khu vực xung quanh lẫn nội thị trong thành phố.
Bên cạnh đó, ngay tại TP.Hà Giang, do mưa lớn vượt quá công suất tiêu thoát nước, cộng với lũ từ thượng nguồn đổ về, khiến mực nước lên mức báo động 2, dẫn tới nước từ TP.Hà Giang thoát xuống chậm, gây ngập úng cục bộ. 

Mưa lũ diến biến phức tạp ở Hà Giang và Lào Cai

TP.Hà Giang ngập 0,4 - 1,2 m, 500 nhà bị ảnh hưởng
Theo thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Hà Giang, mực nước ngập lụt do mưa lũ xảy ra ở khu vực các phường Minh Khai, Trần Phú là 1,2 m; tại các phường Quang Trung, Nguyễn Trãi, đường Nguyễn Trãi, khu lòng chảo Hà Yên ngập 0,4 m; tại khu Hà Sơn, xã Ngọc Đường ngập 0,8 m; xã Phương Thiện ghi nhận có nước tràn vào nhà dân...
Theo thống kê sơ bộ, ngập lụt tại TP.Hà Giang đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 500 hộ dân, gây ra nhiều thiệt hại về tài sản. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.