Ông Đoàn Ngọc Hải có thể bị xử lý nếu không chấp hành phân công của tổ chức?

Vũ Hân
Vũ Hân
05/06/2019 17:01 GMT+7

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, ông Đoàn Ngọc Hải có quyền từ chức, nhưng quyền quyết định là do tổ chức, nên ông Hải nên chấp hành sự phân công trước đã.

Về trường hợp ông Đoàn Ngọc Hải, “nhận xét của nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trả lời báo chí sáng nay (5.6) đã nói hết rồi. Cán bộ phân công là do tổ chức, còn người cán bộ đó cảm thấy khả năng, trình độ của mình như thế nào, có phù hợp hay không thì có quyền báo với tổ chức, còn quyền quyết định là do tổ chức”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói bên lề Quốc hội chiều nay.
Nhưng Bộ trưởng thấy sao việc ông Đoàn Ngọc Hải xin từ chức ngay sau khi có quyết định bổ nhiệm công việc khác không phải trường hợp cá biệt, mà mới đây cũng có trường hợp Phó giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang từ chối quyết định phân công về làm ở Hội Chữ thập đỏ?
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Điều này là do cấp quản lý cán bộ quyết định, còn nguyện vọng của các cán bộ này sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét.
Khả năng anh Hải thấy chưa hợp chuyên môn với việc này, chưa làm công việc này ngày nào hết nên có thể không hoàn thành nhiệm vụ nếu nhận, nên để tổ chức chọn người khác có thể hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.
Nếu thấy khả năng mình không hoàn thành thì họ từ chối. Còn đề bạt, phân công là quyền của tổ chức họ sẽ đánh giá xem xét.
Dư luận đặt ra vấn đề là phải chăng trong công tác cán bộ có trường hợp sắp xếp để lấp chỗ trống. Như trường hợp ông Đoàn Ngọc Hải, cũng đã có những kết luận vi phạm, nên người ta cho rằng việc phân công công việc mới đối với ông Hải là ngồi tạm, chờ bước xử lý tiếp theo?
Không, trường hợp nếu có sai phạm thì lại khác. Việc phân công cán bộ là quyền của các cơ quan quản lý cán bộ phân công sao cho phù hợp. Cán bộ có nguyện vọng xin chuyển vị trí khác hoặc không làm vị trí đó. Nhưng quyền quyết định là cơ quan quản lý cán bộ căn cứ vào yêu cầu, năng lực, trình độ và yêu cầu thực tế của công việc.
Tôi nghĩ trước tiên là cán bộ phải chấp hành quyết định của tổ chức còn vấn đề khiếu nại, tâm tư, nguyện vọng như thế nào thì tổ chức sẽ xem xét. Quan trọng là cán bộ, đảng viên phải chấp hành quyết định của tổ chức.
[VIDEO] Ông Đoàn Ngọc Hải lần thứ hai nộp đơn xin từ chức
Vậy những trường hợp xin nghỉ như trên sẽ được các cơ quan làm công tác cán bộ xử lý ra sao, thưa Bộ trưởng?
Như tôi đã nói, phân công việc cho cán bộ là thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý cán bộ, phân công dựa theo vị trí việc làm. Còn anh (ông Hải - phóng viên) có nguyện vọng, xin chuyển hay gì đó thì là phần cá nhân.
Nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn là do cơ quan quản lý cán bộ làm, dựa vào năng lực, sở trường, trình độ và yêu cầu công tác của cơ quan.
Vậy nên, tôi nghĩ giờ anh Hải phải chấp hành phân công của tổ chức đã, sau đó có nguyện vọng thế nào thì trình bày lại. Nguyên tắc quan trọng là cán bộ đảng viên phải chấp hành sự phân công công tác của cơ quan, tổ chức.
Vậy thì nghĩa là thực tế có việc công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ chỉ để lấp chỗ trống, vì nếu cá nhân cán bộ đã thấy không phù hợp thì họ có về làm cũng chỉ để ngồi đấy?
Các cơ quan có trách nhiệm phải xem xét vấn đề đó chứ.
Xin hỏi lại Bộ trưởng, hiện đã xuất hiện những trường hợp cán bộ được phân công, nhận nhiệm vụ như thế xong rồi lại từ chức luôn, vậy phải xử lý thế nào cho hợp lý?
Không thực hiện nhiệm vụ được phân công thì xử lý theo quy định của Đảng, nhà nước.
Nghĩa là sẽ bị xem xét kỷ luật hay sao, thưa Bộ trưởng?
Không chấp hành quyết định thì nhất định phải được xem xét xử lý rồi. Vì quy định của Đảng, nhà nước thế rồi. Nhưng đương nhiên, cơ quan sử dụng cán bộ phải xét đến nguyện vọng của người ta nữa. Còn việc cán bộ là phải chấp hành việc Đảng, nhà nước phân công.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.