Phan Sào Nam sở hữu bao nhiêu vốn VTC Online?

12/03/2018 15:14 GMT+7

Dưới thời "ông chủ" Phan Sào Nam, VTC online từng nổi đình, nổi đám trong làng game Việt, song cũng rơi vào thua lỗ, “tụt dốc” kể từ khi ông Nam bị bắt và VTC thoái vốn bất thành.

Ngày 11.3, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng và khám xét nhà riêng đối với ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) thuộc Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, về hành vi tổ chức đánh bạc.

[VIDEO] "Lâu đài" hoành tráng xây trái phép của cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa

Được biết, đến thời điểm này, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố khoảng 80 bị can, tiến hành bắt giữ 38 người về các hành vi tổ chức đánh bạc; đánh bạc; rửa tiền; lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong số những người bị khởi tố có Phan Sào Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Truyền thông trực tuyến VTC (VTC Online); đồng thời, thu giữ tài sản, tang vật liên quan đến các hành vi nêu trên lên tới hơn 1.000 tỉ đồng.

VTC Online được thành lập vào năm 2008, thuộc Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện Việt Nam (VTC) và từng là 1 trong 3 nhà phát hành game online lớn nhất Việt Nam. Ngành nghề kinh doanh chính gồm game online, phân phối thẻ viễn thông, kinh doanh tòa nhà văn phòng 18 Tam Trinh (Hà Nội), kinh doanh giáo dục...

Còn Phan Sào Nam được biết đến là một trong những tổng giám đốc (CEO) của một công ty công nghệ có giá trị hàng nghìn tỉ đồng với hơn 500 nhân viên như VTC Online. Sinh năm 1979, nhân vật này được nhiều tờ báo từng miêu tả trẻ trung, đa tài và quyết đoán. Hơn 30 tuổi, Phan Sào Nam vừa là sáng lập viên VTC Intecom, sáng lập viên VTC Online, đồng thời là “cha đẻ” của cuộc thi Miss Teen đình đám, chuyên gia ý tưởng của Mạng Việt Nam go.vn…

VTC Online từng bị xử phạt

Trước đó, vào năm 2015, Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Truyền thông trực tuyến VTC (VTC Online). Nguyên nhân, do công ty này đã cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử là trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (G1) mà không có quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử. Hành vi này được quy định tại điều 67, Nghị định 174 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Mức phạt áp dụng cho VTC Online là 60 triệu đồng. 

Về đầu quân cho VTC Online, ông Nam ghi dấu ấn với thương vụ start-up "khủng" của làng công nghệ, khi vào ngày 4.7.2012 đã kêu gọi được 10 triệu USD của Công ty quản lý quỹ Duxton sau hơn nửa năm đàm phán. Đây cũng là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của VTC Online.

Tiềm lực tài chính của VTC Online đã tăng lên đáng kể khi lần lượt nhận được vốn đầu tư của IDG Ventures Vietnam vào năm 2010 và DWS Vietnam Fund vào năm 2012. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của VTC Online bắt đầu sa sút từ năm 2014 với khoản lỗ ròng 102 tỉ đồng trong năm này.

Nguyên nhân thua lỗ lớn của năm 2014 chủ yếu xoay quanh đến các khoản lỗ của hoạt động kinh doanh game.

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, công ty này có lãi trở lại trong năm 2015 - 2016, nhưng cũng chỉ rất khiêm tốn, đạt lần lượt là 8 tỉ đồng và 10 tỉ đồng. Trong đó, hoạt động kinh doanh chính năm 2016 vẫn lỗ, công ty có lãi chủ yếu là nhờ các khoản thu từ phạt vi phạm hợp đồng, xóa sổ khoản phải trả không phải thanh toán.

Doanh thu năm 2016 của công ty tăng hơn gần 1.000 tỉ đồng so với năm 2015 lên 1.829 tỉ đồng nhưng biên lãi gộp khá mỏng, chỉ đạt vỏn vẹn 33 tỉ đồng. Doanh thu tăng chủ yếu là do doanh thu game online tăng vọt từ 428 tỉ đồng lên 1.528 tỉ đồng. Tuy vậy, giá vốn của hoạt động kinh doanh game trong năm 2016 lên đến 1.537 tỉ đồng, tức hoạt động này bị lỗ gộp gần 10 tỉ đồng.

VTC thoái vốn bất thành

Tính đến giữa tháng 7.2017, VTC Online có 3 cổ đông lớn bao gồm VTC, Prime Limited và IDG Ventures với tổng tỷ lệ sở hữu của ba đơn vị này đạt trên 71%.

Cá nhân ông Phan Sào Nam, vào thời điểm trước khi bị khởi tố, trong bản cáo bạch của công ty không còn giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Nam đảm nhiệm "chân" Ủy viên Hội đồng quản trị, song tỷ lệ cá nhân sở hữu cổ phần tại VTC Online lớn nhất, chiếm 4,5%. Hiện, trên website của VTC Online ghi nhận người đại diện pháp luật hiện nay của VTC Online có tên là Trần Huy Phương và giám đốc là Phan S.

Trong khi đó, VTC là cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 42,4%, tương đương hơn 1 triệu cổ phần. Trước đó, VTC quyết định thoái toàn bộ vốn khỏi VTC Online với mức giá khởi điểm 107.388 đồng/cổ phần và kỳ vọng có thể thực hiện ngay trong năm 2017.

Tuy nhiên, thương vụ bất thành do chỉ có duy nhất 1 nhà đầu tư đăng ký tham dự dù rằng, với mức giá khởi điểm nói trên, định giá VTC Online chỉ giảm tới 5 lần so với 5 năm trước.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh của VTC Online, tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, kiểm toán KPMG cho biết có những yếu tố có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của VTC Online. Những yếu tố đó bao gồm nợ ngắn hạn của công ty đã vượt tài sản ngắn hạn 40,3 tỉ đồng, công ty có các khoản vay trị giá trên 55 tỉ đồng cần tái tài trợ trong năm 2017.

Ngoài ra, cổ phiếu mà cổ đông chiến lược IDG Ventures sở hữu được VTC Online cam kết mua lại toàn bộ hoặc một phần tại bất kỳ thời điểm nào trong tương lai kể từ tháng 10.2013 có thể khiến công ty mất cân đối tài chính nếu IDG thực hiện quyền bán. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, IDG Ventures vẫn chưa thực hiện quyền bán được cam kết giữa hai bên. Cổ đông Prime Limited cũng có thỏa thuận tương tự với VTC Online.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.