Ngày 20.9, TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ JW TP.HCM, cho biết ông vừa trải qua 9 giờ phẫu thuật cho bệnh nhân Lê Văn Mến. Đây là cuộc phẫu thứ 2 sau hơn 1 tháng kể từ lần phẫu thuật ban đầu (ngày 15.8), để giúp khuôn mặt trở lại bình thường cho bệnh nhân Mến.
Ở cuộc phẫu thuật lần 2 này, do bệnh nhân mất hết cấu trúc cơ vùng mặt, đặc biệt cơ vòng miệng, cơ mút bị tiêu huỷ hoàn toàn, các sợi cơ xơ hóa nặng nề, tuyến nước bọt bị che khuất, lẫn lộn trong máu, gây khó khăn cho bác sĩ trong 9 giờ phẫu thuật. Đặc biệt sau lần phẫu thuật này, ê kíp bác sĩ đã tạo hình khuôn miệng của bệnh nhân rõ ràng, đây được xem là một kết quả vô cùng mãn nguyện đối với bệnh nhân.
Như vậy, trải qua cuộc phẫu thuật lần 2, khuôn mặt bệnh nhân Mến đã cải thiện được 65% so với ban đầu.
Trước đó, ngày 15.8, TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung và ê kíp đã phẫu thuật lần đầu cho bệnh nhân Lê Văn Mến, ca mổ kéo dài 10 giờ đồng hồ. Ở lần phẫu thuật thứ nhất, các bác sĩ mất hơn 10 giờ, giúp bệnh nhân cải thiện 50% khuôn mặt, giải quyết 100% vùng da chảy xệ ở cổ. Sau 35 ngày, bệnh nhân Mến phục hồi nhanh hơn dự kiến. Do đó, bác sĩ Tú Dung đã quyết định lần phẫu thuật thứ hai sớm hơn dự kiến ban đầu.
Hiện bệnh nhân Mến đang được chăm sóc hậu phẫu và phục hồi sức khỏe, bệnh nhân sẽ được tiếp tục sử dụng thuốc để giảm phù nề chuẩn bị cho lần phẫu thuật tiếp theo.
Giãi mã 23.000 gen vẫn chưa rõ nguyên nhânLúc lên 20 tuổi, cánh mũi trái bệnh nhân Lê Văn Mến bỗng sưng to bất thường. Sau đó lan rộng ra, chuyển sang sưng phù, biến dạng và chảy xệ nghiêm trọng. Trong suốt 15 năm qua, anh Mến đã chạy chữa khắp nơi nhưng càng trầm trọng hơn. Anh luôn phải ngủ trong tư thế ngồi, đôi mắt lúc nào cũng đỏ như đang chảy máu như thể thường xuyên bị chứng xuất huyết mắt.
Ngày 20.5.2020, anh được TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung tiếp nhận. Lúc này, anh Mến bị chảy xệ hoàn toàn nửa mặt dưới, khối cơ phì đại quá mức, kéo căng toàn bộ mặt dưới, khiến mắt bị lật mí. Bệnh viện đã hội chẩn với bác sĩ trong và ngoài nước, thực hiện một loại xét nghiệm chuyên sâu, giải mã 23.000 gen 2 lần tại Thái Lan, nhằm phát hiện những đột biến bất thường trên nhiễm sắc thể, từ đó có thể xác định được căn nguyên gây bệnh của anh là gì. Nhưng, hiện vẫn chưa tìm được nguyên nhân để có cách điều trị triệt để. Dự kiến, bệnh nhân sẽ phải trải qua từ 4 - 5 lần phẫu thuật mới có thể cải thiện được 70% khuôn mặt.
|
Bình luận (0)