Hà Nội không dám khẳng định đã có thể “vét” hết được các F1
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trương Quang Việt, Phó giám đốc phụ trách CDC Hà Nội, cho biết hiện thành phố đã ghi nhận 19 ca dương tính ở 5 quận, huyện là Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Mê Linh và Đông Anh.
Ông Việt nhận định, bệnh dịch đã xuất hiện trong cộng đồng và 3 quận Nam Từ Liêm, Đông Anh, Mê Linh (nơi đã ghi nhận chùm ca bệnh, các đối tượng F1 dương tính và lây ra F2) có nguy cơ lây nhiễm cấp 1.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, chỉ ra một số khó khăn trong công tác truy vết. Ví dụ như với trường hợp nam sinh viên của Đại học FPT. Bệnh nhân này đi học bằng xe bus, trên xe có nhiều sinh viên và sau đó tỏa về quê, nên việc xác định các trường hợp F1, F2 là khó khăn. Đó là lý do ngành y tế Hà Nội không dám khẳng định đã có thể “vét” hết được các F1 tiếp xúc với các bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn, theo ông Hiền.
Hiện nay, Hà Nội đang xác định có khoảng 15.000 người trở về từ vùng dịch từ Hải Dương và Quảng Ninh. Tuy nhiên, theo ông Hiền, thực tế con số người dân chủ động khai báo chỉ có khoảng 5.000 người.
Toàn bộ số người trở về vùng dịch đã được lấy mẫu và dự kiến sẽ hoàn thành xét nghiệm trong tối 2.2. Với diễn biến dịch phức tạp, Hà Nội đã chủ động liên hệ với Bộ Y tế để hỗ trợ công tác xét nghiệm nếu vượt quá 20.000 mẫu. (Hiện Bộ Y tế đã hứa hỗ trợ xét nghiệm cho Hà Nội 40.000 mẫu, theo kết quả cuộc làm việc chiều nay của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long với UBND Hà Nội).
Về công tác điều trị, Hà Nội vẫn đang đề nghị Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư tiếp nhận các ca mắc trên địa bàn. Trong điều kiện bệnh viện này quá tải thì sẽ điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến Mê Linh (quy mô 250 giường) và Bệnh viện Bắc Thăng Long (quy mô 400 giường).
“Nếu không có tình huống đột xuất, đến hết ngày mai, 2.2, ngành y tế sẽ cơ bản nắm chắc và kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố”, ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên đề nghị Hà Nội khẩn trương phát hiện các ca Covid-19 bằng truy vết. Ngoài việc kết hợp với tổ truy vết của Bộ KH-CN, cần thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng, loa phát thanh ở phường, thôn, xã… để người dân qua vùng dịch tự khai báo cũng như phát giác những người không khai báo, ông Tuyên khuyến nghị.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Y tế đề nghị Hà Nội phải phát huy vai trò “tổ cộng đồng”, hoạt động như tổng điều tra dân số. Mỗi tổ sẽ phụ trách vài chục hộ gia đình, đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từ đối tượng. Tổ này phải lập danh sách, nắm thông tin và báo cho ban chỉ đạo phường, xã.
Đề nghị Hà Nội cố gắng tới 2.2 cơ bản nắm chắc và kiểm soát được tình hình
Tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao tinh thần và nỗ lực của hệ thống CDC Hà Nội trong thời gian qua.
Dù vậy, Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Hà Nội không thể chủ quan dù mới chỉ có 19 ca bệnh vì biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây rất nhanh”. Phó thủ tướng đề nghị ngành y tế Hà Nội cố gắng tới tối 2.2 cơ bản nắm chắc và kiểm soát được tình hình trên địa bàn.
“Tôi rất mừng khi nghe Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Giám dốc CDC Hà Nội cam kết 99% là sẽ cùng với Hải Dương, Quảng Ninh thì Hà Nội có thể cơ bản khoanh gọn và dập được dịch trong vòng 10 ngày kể từ khi ghi nhận ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Còn 5 ngày nữa, các đồng chí phải tiếp tục từng giờ, từng phút”, Phó thủ tướng nói.
Về lâu dài, với sự lây lan nhanh của biến thể mới, khó dự đoán, Phó thủ tướng đề nghị ngành y tế Hà Nội “vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm”, như vừa qua lần đầu tiên thành phố phải phong tỏa cả một trường học, hay cách ly học sinh nhỏ tuổi ngay trong trường.
“Sau này, chúng ta cần rút kinh nghiệm của thế giới, những lần chống dịch trước để hoàn thiện phương án phòng chống dịch bệnh phù hợp với thực tiễn. Ví dụ như trong trường hợp thiếu chỗ cách ly tập trung, đặc biệt tại khu vực nông thôn, có thể xem xét trong một khu dân cư thì những trường hợp nguy cơ cao được tách riêng, cách ly nghiêm ngặt”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Bình luận (0)