Quảng Trị: Nhà tạm, cọc tre bất thường mọc dọc đường vào dự án điện gió chờ... đền bù

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
23/08/2021 10:19 GMT+7

Trên tỉnh lộ 587 từ TT.Khe Sanh dẫn vào xã Húc (H.Hướng Hóa, Quảng Trị) nơi có một số dự án điện gió, nhiều nhà tạm và cọc tre dựng lên bất thường hai bên đường để... chờ đền bù nếu xảy ra va chạm, hư hỏng.

Tỉnh lộ 587  được mở đã lâu, đường nhỏ, chạy xuyên qua xã Húc, nơi đang có 2 dự án nhà máy điện gió của cùng 1 chủ đầu tư (điện gió Tài Tâm, điện gió Hoàng Hải) đang cấp tập xây dựng. Muốn đưa thiết bị khổng lồ vào lắp đặt, chủ 2 dự án điện gió ở Quảng Trị đã đầu tư tiền tỉ sửa chữa, mở rộng đường.

Hàng chục triệu đồng “đền bù” cho vài tấm tôn, cọc tre

Ông Nguyễn Văn Nghị, Phó giám đốc Ban quản lý dự án điện gió Tài Tâm - Hoàng Hải Quảng Trị, cho biết đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư bỏ ra khoảng 70 tỉ đồng để làm đường.

Chòi tôn và cọc tre được người dân dựng sát mép đường

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

“Khi tiến hành bồi thường, doanh nghiệp và người dân đã có biên bản thỏa thuận. Tuy nhiên, sau khi người dân nhận tiền, lại xảy ra việc tái lấn chiếm lề đường, xây hàng rào và tiếp tục đòi khoản bồi thường, thậm chí cao hơn khoản trước đó”, ông Nghị nói.
Có mặt trên tỉnh lộ 587 cuối tháng 8, PV Thanh Niên ghi nhận người dân ở 2 bên đường đã dựng lên những chòi tôn (không có ai ở) và đóng rất nhiều cọc tre ngay sát mép đường, đặc biệt là tại thôn Ván Ri (xã Húc).

Với mái tôn bị móp như thế này sau va chạm của xe chở thiết bị điện gió, chủ đầu tư điện gió Tài Tâm - Hoàng Hải đền cho người dân 45 triệu đồng

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Tại thôn Ván Ri, nơi có dày đặc những cọc tre cao vút, ban đầu nhiều người dân lắc đầu im lặng khi PV Thanh Niên hỏi về mục đích dựng cọc. Sau đó, bà H.T.T. cho hay: "Dựng cột tre để trồng phong lan”. Tuy nhiên, theo quan sát của PV, ở những nơi dựng cọc tre chưa thấy có cành phong lan nào.
Theo tìm hiểu của PV, bà T. là chủ hộ đã ký vào giấy biên nhận đối với khoản đền bù 500 triệu đồng để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công mở rộng tỉnh lộ 587.
Tỉnh lộ 587 hẹp, thiết bị điện gió lại lớn, nên theo ông Nghị, những chòi và cọc tre cao dựng lên như vậy sẽ dễ xảy ra va chạm khi vận chuyển, và khi đó, người dân sẽ đòi bồi thường. Ông Nghị dẫn chứng, hôm 16.8 chủ đầu tư đã trả 45 triệu đồng đền cho 1 hộ dân xã Húc vì xe chở thiết bị có va chạm làm... cong vênh 2 tấm tôn ở hiên nhà dân.

Chính quyền vào cuộc xử lý, lập biên bản vi phạm

Ông Lê Quang Thuận, Phó chủ tịch UBND H.Hướng Hóa, cho biết tình trạng một số hộ dân ở xã Húc dù đã nhận đền bù nhưng vẫn "dựng hàng rào, cọc tre nhằm cản trở, đòi thêm tiền đền bù" là có thật.

Dù chủ đầu tư điện gió Tài Tâm - Hoàng Hải đã đền bù tiền lần 1 nhưng nhà dân ở vị trí khuất tầm nhìn, góc cua hẹp trên đường 587 tiếp tục xây tường, đòi thêm đền bù

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

“Chúng tôi đã cho lập biên bản vi phạm yêu cầu trả lại hiện trạng ban đầu, đồng thời chỉ đạo cho UBND xã Húc ra quyết định xử phạt hành chính đối với các hộ dân vi phạm hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường bộ.
Sắp tới đây, huyện có kế hoạch giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ với tuyến đường 587 vừa để lập lại trật tự giao thông trên tuyến, vừa tạo điều kiện cho chủ đầu tư trong vấn đề vận chuyển trang thiết bị”, ông Thuận nhấn mạnh.

Chính quyền địa phương yêu cầu xử lý dỡ bỏ những cọc tre như thế này trên tuyến đường 587

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Cũng theo ông Thuận, chính quyền cấp xã cần vận động người dân tạo điều kiện cho các chủ đầu tư điện gió trong quá trình thi công mở rộng đường để vận chuyển thiết bị.
Bởi theo tính toán của địa phương, các chủ đầu tư điện gió đã làm được hơn 80 km đường cho H.Hướng Hóa. Đây là cơ sở hạ tầng tốt, trước mắt phục vụ thi công công trình, nhưng về lâu dài sẽ là đường dân sinh.
Như Thanh Niên đã nhiều lần phản ánh, từ nhiều tháng qua H.Hướng Hóa ở Quảng Trị như “đại công trường” với 29 dự án điện gió đang chạy đua thi công, lắp đặt để kịp hưởng giá điện hỗ trợ của Chính phủ (ngày 31.10.2021). Các chủ đầu tư đang tập trung tăng cường máy móc thiết bị để đẩy nhanh tiến độ dự án (để về đích trước ngày 31.10.2021), trong đó có khâu vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng, đã tác động nhất định đến đời sống dân sinh tại địa phương. Ngược lại, đây cũng là thời điểm mà địa phương cần vào cuộc để xử lý hài hòa, sao cho đảm bảo lợi ích của cả 2 phía: người dân và nhà đầu tư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.