Sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng gay gắt

05/07/2018 05:24 GMT+7

Nắng nóng gay gắt kéo dài những ngày qua không chỉ gây đảo lộn cuộc sống của người dân các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ mà còn khiến nhiều người nhập viện vì sốc nhiệt, đột quỵ.

20 giờ vẫn nóng trên 36oC
9 công nhân nhập viện vì nắng nóng
Ngày 4.7, ông Nguyễn Khắc La, Giám đốc BV đa khoa Tâm Đức Cầu Quan (H.Nông Cống, Thanh Hóa), cho biết chiều cùng ngày BV tiếp nhận 9 nữ công nhân của một công ty may (đóng tại xã Tế Thắng, H.Nông Cống) có biểu hiện chóng mặt, khó thở, tức ngực do ảnh hưởng của nắng nóng. Theo ông La, nắng nóng gay gắt, môi trường làm việc không thông thoáng đã ảnh hưởng đến sức khỏe của các công nhân. Sau khi được bác sĩ chăm sóc, đến tối cả 9 công nhân đã hồi phục và xuất viện.
Theo số liệu Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cập nhật lúc 19 giờ ngày 4.7, nhiệt độ ở các khu vực đều tăng hơn so với ngày 3.7. Cụ thể, ở các tỉnh Bắc bộ, nhiệt độ cao nhất ghi nhận tại Nho Quan (Ninh Bình) lên tới 41oC, Hưng Yên và Nam Định đều là 40oC, Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) 40,5oC. Còn tại Hà Nội, nhiệt độ đo tại trạm Láng là 39,8oC.
Ở các tỉnh Trung bộ, nhiệt độ cao nhất đo được tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) lên tới 41,5oC; TP.Thanh Hóa 40oC. Tại Tây Hiếu (Nghệ An) nắng nóng 40,5oC, H.Đô Lương 39,6oC.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết - Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết: Đây là đợt nắng nóng ghi nhận sự bất thường khi thời tiết nóng kéo dài từ 8 - 20 giờ, thậm chí sau 20 giờ nhiệt độ vẫn ở mức 35 - 36 oC, thậm chí trên 36oC.
Bên cạnh đó, khu vực Trung bộ có nguy cơ cao xảy ra các vụ cháy rừng. Chiều 4.7, Bộ Quốc phòng có điện gửi các đơn vị yêu cầu kiểm tra, rà soát kế hoạch phòng chống cháy nổ, cháy rừng để tăng cường các biện pháp hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy; sẵn sàng phương tiện, lực lượng ứng trực để xử lý các tình huống xảy ra tại đơn vị hoặc trên địa bàn đóng quân.
Hạn chế ra đường, làm việc ngoài trời
Ông Hưởng cũng khuyến cáo, nắng nóng kéo dài liên tục nhiều ngày có tác động và gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Vì thế, trong khoảng 11 - 17 giờ hằng ngày, người dân cần hạn chế lao động, di chuyển nhiều trên đường. Bên cạnh đó, người dân chủ động uống bổ sung nhiều nước, tăng cường về chế độ dinh dưỡng để cơ thể có thể tăng sức đề kháng.
Tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội), các bác sĩ liên tục tiếp nhận các ca bệnh vào cấp cứu, nhiều trường hợp liên quan đến thời tiết nắng nóng gay gắt. Khoảng 10 giờ ngày 4.7, người dân P.Định Công (Hà Nội) phát hiện một người đàn ông trung niên nằm bên vệ đường và nhanh chóng báo công an đưa nạn nhân vào Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai. TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Cấp cứu tổng hợp, Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai, cho biết bệnh nhân này vào viện trong tình trạng hôn mê, thân nhiệt lên đến 41oC. Sau khi được tích cực xử trí cấp cứu, thân nhiệt bệnh nhân đã xuống 38,5 oC nhưng vẫn hôn mê. “Với biểu hiện ban đầu, rất có khả năng bệnh nhân bị sốc nhiệt do nóng nắng”, bác sĩ Tuấn thông tin.
Trước đó, sáng 4.7, khoa tiếp nhận bệnh nhân nữ 54 tuổi ở H.Quốc Oai (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng hôn mê, tri giác lơ mơ. Người nhà bệnh nhân cho biết, khoảng 5 giờ sáng cùng ngày, bà rời phòng có máy điều hòa để vệ sinh cá nhân, lúc trở lại phòng thì bất ngờ ngã quỵ.
Bác sĩ Tuấn cho biết, thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến cơ chế điều hòa thân nhiệt, làm cho nhiệt độ cơ thể tăng cao từ 39 - 41oC, gây chóng mặt, lơ mơ, rối loạn ý thức. Thân nhiệt tăng cao cũng ảnh hưởng đến chức năng tim phổi, hệ thần kinh... Tình trạng này đặc biệt nguy hiểm với những trường hợp có bệnh mãn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi mãn tính, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Tuấn lưu ý, ngay khi thấy một người nghi ngờ sốc nhiệt cần đưa bệnh nhân vào chỗ mát, cởi bớt quần áo và khẩn trương đưa đến cơ sở y tế. Không dùng thuốc hạ sốt, bởi không có tác dụng trong trường hợp sốt do sốc nhiệt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.