Sự chứng thực tư tưởng Hồ Chí Minh

19/05/2021 07:53 GMT+7

Mặt trận Việt Minh ra đời như một luồng 'ánh sáng mới' trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, ghi dấu thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh .

Thành công của Mặt trận Việt Minh cũng để lại nhiều bài học trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc hôm nay.
Sau gần 30 năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Việt Nam (ngày 28.1.1941) trực tiếp cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng trước những bước ngoặt Người đã nhạy bén dự báo. Sau một thời gian ngắn gấp rút chuẩn bị, từ ngày 10 - 19.5.1941, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (Hội nghị Trung ương 8) của Đảng họp tại Pắc Bó (Cao Bằng) với sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc.
Trong ngày cuối (19.5.1941), Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Trong tình thế mới của Thế chiến 2 đang lan rộng, Hội nghị Trung ương 8 nhấn mạnh: “Cần phải thay đổi chiến lược” cách mạng. Nửa năm trước đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương tháng 11.1940 còn nêu: “Cách mạng phản đế và cách mạng thổ địa phải làm song song”. Đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khẳng định: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Đó là nhiệm vụ của Đảng ta trong vấn đề dân tộc”(1).
Đặt nhiệm vụ đấu tranh giành độc lập lên hàng đầu, coi quyền lợi dân tộc là tối cao, Đảng đã đáp ứng đúng nguyện vọng thiêng liêng, cấp bách nhất của toàn dân tộc. Sự thay đổi chiến lược đó trong đường lối đã có ý nghĩa quyết định những thành công trong chỉ đạo thực tiễn cuộc vận động giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng những năm 1941 - 1945.
Hội nghị Trung ương 8 gần như một sự chứng thực tư tưởng cách mạng đúng đắn của Hồ Chí Minh, nhất là về vị trí, tầm quan trọng của sức mạnh dân tộc. Theo đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong công trình khoa học Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, kể từ đó, “tư tưởng của Người và đường lối của Đảng là thống nhất và có những bước phát triển mới, toàn diện, hoàn chỉnh, đáp ứng những yêu cầu mới của cách mạng Việt Nam”(2). Sự nhất trí về tư tưởng, đường lối trong bộ phận lãnh đạo cách mạng không ngừng được củng cố trong cuộc vận động giải phóng dân tộc những năm 1941 - 1945 là nhân tố quyết định sự đoàn kết cả dân tộc đấu tranh, tiến lên thắng lợi cuối cùng Tháng Tám 1945.
Nội dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 và tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh được chuyển vào Chương trình của Việt Minh (25.10.1941) đáp ứng nguyện vọng chung mong muốn Việt Nam “độc lập, dân chủ và giàu mạnh” đã được mọi tầng lớp nhân dân không phân biệt địa vị và xu hướng chính trị hoan nghênh, ủng hộ. Mặt trận Việt Minh tập hợp mọi lực lượng, các cá nhân và tổ chức, các giai cấp, tầng lớp trong xã hội “cùng nhau mưu cuộc giải phóng và sinh tồn”. “Cứu quốc” đã trở thành khẩu hiệu chung của toàn dân tộc khi đó, là tên của các đoàn thể thành viên của Mặt trận Việt Minh: Công nhân Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc, Nông dân Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, Văn hóa Cứu quốc...
“Hai chữ Việt Minh trong một thời kỳ dài làm nức lòng đồng bào cả nước. Hai chữ Việt Minh còn mãi trong lịch sử chói lọi nét vàng”(3). Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 gắn chặt với thành công của Mặt trận Việt Minh, gắn liền và cũng là thắng lợi của Tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh trong cách mạng giải phóng dân tộc. Mặt trận Việt Minh chính là “cái vỏ vật chất” để chuyển tải những nội dung tư tưởng đó vào hiện thực cách mạng.
Trước những thời cơ và thách thức đặt ra với dân tộc cả trong hiện tại và tương lai, cũng cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn vai trò của tổ chức MTTQ Việt Nam và ý nghĩa của việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những điều này có thể rút ra từ những kinh nghiệm xây dựng thành công Mặt trận Việt Minh năm xưa của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bám sát thực tiễn để đề ra đường lối, coi thực tiễn là tiêu chí đánh giá tính đúng đắn, sự phù hợp của đường lối; Xác định đúng đối tượng và lực lượng của cách mạng; Độc lập, tự chủ, dựa vào sức mình là chính…
-------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2000): Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.113
(2) Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Chủ biên) - Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam - Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.37
(3) Hoàng Quốc Việt (1975) - Đầu nguồn, Tập hồi ký, Nxb Văn hóa, Hà Nội, tr.17
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.