'Sử dụng mạng xã hội nước ngoài, giống như não người Việt ở nước ngoài'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/08/2019 10:46 GMT+7

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay việc sử dụng mạng xã hội nước ngoài giống như não người Việt Nam đang ở nước ngoài. Do đó, cần phải xây dựng mạng xã hội của Việt Nam .

Đặt câu hỏi chất vấn tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15.8, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nêu vấn đề mạng xã hội bây giờ không phải ảo mà là thật, đang diễn biến ngày càng phức tạp, khi có những đối tượng sử dụng mạng xã hội chống phá đất nước, chế độ, kêu gọi kích động người dân biểu tình, bạo động; đánh bạc ngàn tỉ, lừa đảo qua mạng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính trị, kinh tế, trật tự, an toàn, đạo đức xã hội.
"Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Bộ Thông tin - Truyền thông giải quyết nhưng vấn đề trên đang là vấn đề nóng, ngày càng tăng. Xin Bộ trưởng cho biết, từ khi Bộ trưởng trả lời chất vấn tới nay, các giải pháp đột phá xử lý cơ bản các vấn đề nêu trên", ông Vượt chất vấn.
Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, với tư cách là nguyên lãnh đạo một nhà mạng lớn, trả lời 2 câu hỏi: "Liệu có chấm dứt được tình trạng sim rác không? Khi nào thì Việt Nam có các trang mạng xã hội uy tín, thay thế các trang mạng xã hội khác?".

Thông tin tiêu cực trên mạng chỉ còn dưới 10%

Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong hơn 1 năm qua, Bộ đã đầu tư, xây dựng đưa vào vận hành trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Theo ông Hùng, trung tâm này có 2 chức năng là giám sát các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và giám sát được thông tin trên không gian mạng, báo chí điện tử, mạng xã hội.
"Khả năng xử lý tin của trung tâm là một ngày xử lý 100 triệu tin và có thể phân loại đánh giá được. Ví dụ tỉ lệ thông tin tiêu cực, tích cực. Trước đây thông tin tiêu cực trên mạng là trên 80%. Bây giờ chúng ta nhìn thấy, khắc phục thì thông tin tiêu cực dưới 10%", ông Hùng cho hay.
Liên quan tới việc đấu tranh với các mạng xã hội nước ngoài khi chưa có văn phòng đại diện và trong khi chưa đóng thuế, chưa thực thi luật pháp, theo ông Hùng, trong 1 năm vừa qua, Bộ đã rất tích cực giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn sáng 15.8

Ảnh Gia Hân

"Kết quả ngày hôm nay như sau: đối với Facebook, trước đây nhà nước đưa ra yêu cầu thì họ thực hiện xung quanh 30%, bây giờ tỉ lệ thực hiện của Facebook là 70-75%. Youtube tuân thủ tốt hơn, trước 60%, bây giờ 80 - 85%, còn Apple, trước đây gần như không thực hiện, gần đây đã thực hiện 75% các yêu cầu", ông Hùng thông tin.
Đề cập tới vấn đề sim rác mà đại biểu Vượt nêu, ông Hùng thừa nhận, đây đúng là câu chuyện lớn đã tồn tại nhiều năm.
"Trong năm vừa qua, chúng ta cơ bản cắt bỏ sim không đủ thông tin. Bây giờ có lượng sim rất lớn nằm trên các kênh bán hàng. Từ nay tới tháng 9, Bộ Thông tin - Truyền thông tập trung giảm sim rác trên kênh bằng cách nhà mạng mua lại", ông Hùng nói, và cho biết sắp tới Bộ cũng đưa ra giải pháp mới là giao trách nhiệm tổng giám đốc các công ty viễn thông, trong đó có yêu cầu tác động mạnh tới các nhà mạng là nếu còn sim rác thì sẽ không được cấp phép dịch vụ mới.

Chậm nhất năm 2021, người dùng mạng xã hội Việt Nam bằng mạng nước ngoài

Đối với vấn đề xây dựng mạng xã hội Việt Nam, ông Hùng nói: "Tại sao phải xây dựng mạng xã hội Việt Nam? Nếu Việt Nam không có mạng xã hội của chính mình thì tất cả những gì chúng ta nói, đọc, suy nghĩ, mua bán đều được lưu trữ ở nước ngoài. Nói vui là não người Việt Nam ở nước ngoài. Bây giờ thông tin họ thu thập được chỉ dùng quảng cáo, trong trường hợp họ có thể dùng vào những việc khác, có thể nguy hiểm tới an ninh", ông Hùng phân tích.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, hiện chúng ta đặt mục tiêu xây dựng mạng xã hội trong nước để mạng xã hội trong nước có số lượng người dùng tương đương với mạng xã hội nước ngoài, "để não người Việt phân tán đều, không có nhà mạng nào thu thập được toàn bộ thông tin về người Việt Nam".
Ông Hùng cũng thông tin, hiện nay, các mạng xã hội Việt Nam có khoảng 65 triệu người dùng, tăng 15% (từ 50 - 65 triệu) trong 1 năm qua, còn các mạng nước ngoài thì có 90 triệu người dùng.
"Với tốc độ tăng trưởng thế này thì 2020, chậm nhất 2021 là đạt được câu chuyện 50 - 50 (số người dùng mạng xã hội Việt Nam bằng với mạng xã hội nước ngoài - phóng viên)", ông Hùng khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng, hiện có khá nhiều cơ hội để người Việt Nam phát triển các mạng xã hội Việt Nam. Ví dụ các mạng xã hội theo cách tiếp cận mới, tiếp cận flat-form, tức là mạng xã hội chia sẻ lợi ích cho người tham gia, chứ không phải nhà mạng thu hết như Facebook hiện nay.
Bên cạnh đó, thuật toán phát triển mạng xã hội cũng mở ra cho người tham gia quyết định; và thứ 3 là mạng xã hội Việt Nam cung cấp là bộ lọc để dọn rác trên mạng. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.