Tầm soát dịch bệnh để phòng chống dịch ở cộng đồng

25/05/2021 06:20 GMT+7

Công tác tầm soát dịch bệnh để phòng chống dịch ở cộng đồng đang được triển khai tại các địa phương như thế nào?

Thời gian gần đây, một số tỉnh, thành xuất hiện nhiều ca lây nhiễm ở cộng đồng nhưng không rõ nguồn lây nên công tác chủ động tầm soát dịch cực kỳ quan trọng. Vậy các tỉnh, thành này thực hiện như thế nào?

Sáng 25.5: Thêm 57 ca Covid-19 lây nhiễm trong nước ở Hà Nội và 4 tỉnh khác

TP.HCM: Hơn 100.000 mẫu lấy ngẫu nhiên ở cộng đồng

Từ khi dịch xuất hiện, TP.HCM chủ động lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ngẫu nhiên tại nơi có nguy cơ cao, nơi tập trung đông người… nhằm tầm soát dịch bệnh. Theo đó, mỗi quận huyện có 4 - 5 đội lấy mẫu, quận huyện đông dân có thể nhiều hơn và tùy từng tình huống sẽ huy động đội lấy mẫu từ các bệnh viện. Từ tháng 4.2020 đến ngày 10.3.2021, 21 quận huyện và TP.Thủ Đức đã lấy mẫu ngẫu nhiên ở sân bay, ga tàu lửa, bến xe... Tổng cộng là 46.601 mẫu, tất cả đều có kết quả âm tính. Từ ngày 30.4 - 23.5, các quận huyện, TP.Thủ Đức lấy được 60.488 mẫu, chưa phát hiện trường hợp dương tính.

Đà Nẵng xét nghiệm ngẫu nhiên song song truy vết ca nhiễm

Tại Đà Nẵng, ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, cho biết cùng với khoanh vùng, truy vết kiểm soát dịch, Đà Nẵng thực hiện các đợt xét nghiệm ngẫu nhiên để chủ động phát hiện sàng lọc Covid-19. Từ sau đợt bùng phát dịch cuối tháng 7.2020, Đà Nẵng đã bắt đầu thực hiện hàng chục ngàn xét nghiệm ngẫu nhiên để kiểm soát dịch trong cộng đồng. Trung bình mỗi tháng Đà Nẵng thực hiện khoảng 30.000 lượt người xét nghiệm Covid-19 ngẫu nhiên. Ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết thêm xét nghiệm ngẫu nhiên là kế hoạch dài hơi sau khi địa phương hoàn tất chương trình xét nghiệm kiểm soát dịch Covid-19 diện rộng cho gần 66.000 công nhân và 30% đại diện hộ gia đình ở mỗi quận, huyện tại Đà Nẵng.

Cử tri chung cư F.Home ở Đà Nẵng bỏ phiếu giữa lúc bị phong tỏa vì Covid-19

Bắc Giang vướng mắc lớn nhất là công suất xét nghiệm

Trước diễn biến dịch có xu hướng phức tạp với sự xuất hiện của 4 ổ dịch mới, Hà Nội cho rằng nguy cơ về dịch bệnh đối với TP vẫn ở mức cao. Sở Y tế Hà Nội vẫn đề nghị tiếp tục mở rộng xét nghiệm sàng lọc cho các đối tượng/khu vực nguy cơ, trong đó tập trung xét nghiệm cho công nhân trong các khu, cụm công nghiệp... Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, vướng mắc lớn nhất là công suất xét nghiệm của tỉnh này dù đã nâng lên nhưng do vừa tập trung trọng điểm, vừa sàng lọc diện rộng nên mỗi ngày vẫn còn tồn lại 20.000 - 30.000 mẫu xét nghiệm chưa trả được kết quả. Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang khẳng định sẽ tiến hành xét nghiệm tầm soát Covid-19 ở những khu vực nguy cơ, đó cũng là cách để dịch không lan rộng ra cộng đồng. 

Xét nghiệm trên diện rộng, lấy mẫu ngẫu nhiên giúp đánh giá diễn biến dịch

Chia sẻ về xét nghiệm diện rộng, xét nghiệm ngẫu nhiên, một chuyên gia của Bộ Y tế có nhiều năm kinh nghiệm về nghiên cứu thực địa, điều tra dịch tễ cho biết, kết quả sau khi lấy mẫu xét nghiệm diện rộng sẽ giúp chúng ta đánh giá được dịch để khống chế, kiểm soát. Hiện việc giám sát chủ động nên lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 là những nơi mật độ giao lưu đi lại lớn. Xét nghiệm sàng lọc giúp xác định những người nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng; không có tiền sử phơi nhiễm Covid-19; chưa từng là ca nghi ngờ đã được báo cáo trong giám sát dịch...
Liên Châu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.