2.000 câu hỏi của nông dân
Đây là lần thứ hai hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân diễn ra sau lần đầu tiên được tổ chức tại Hải Dương (tháng 4.2018). Theo ghi nhận của ban tổ chức, đã có hơn 2.000 câu hỏi được nông dân cả nước gửi đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc qua các kênh tiếp nhận.
Ông Trần Công Danh (nông dân H.Thới Lai, TP.Cần Thơ) đặt câu hỏi: Sau lần đối thoại năm ngoái, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận truyền đạt ý kiến của Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT “công bố rộng rãi các thông tin về thị trường nông sản như giá, sản lượng, dự báo định hướng thị trường... lên website và các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cung cấp thông tin chính thống và tin cậy cho người nông dân, người sản xuất, doanh nghiệp để chủ động trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”. Tuy nhiên, hiện nay vì sao Bộ vẫn chưa thực hiện? “Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản” kết quả triển khai như thế nào? Chính phủ, Thủ tướng làm gì để hạn chế các chi phí trung gian, để tăng thu nhập cho nông dân? Đơn cử như người trồng lúa chúng tôi hiện tính chi li chỉ lãi có 70.000 đồng/ngày thì không thể sống nổi.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn trả lời Bộ NN-PTNT đã áp dụng nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ cao đẩy mạnh công tác dự báo thị trường. Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản; Trung tâm tin học… hằng tháng đều có tập hợp đánh giá về thị trường. “Tất nhiên, trong yêu cầu thích ứng với thay đổi rất nhanh của thị trường thì như vậy là chưa đủ. Bộ đã xây dựng đề án trình Thủ tướng phê duyệt trong quý 1/2020 để triển khai ngay việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xác định quan hệ cung cầu và công bố rộng rãi hơn, nhanh hơn trên website của Bộ NN-PTNT”, ông Tuấn nói.
Nông dân Phan Văn Thụ (H.Tri Tôn, An Giang) đặt vấn đề: Do sản xuất theo sản lượng đã dẫn tới việc nông dân phải đổ hàng triệu tấn hóa chất, phân bón, thuốc kháng sinh nuôi trồng thủy sản xuống đồng ruộng, ao hồ. Tới đây Chính phủ có chính sách gì để vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa đảm bảo canh tác bền vững, bảo vệ môi trường?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết Bộ NN-PTNT đã trình Thủ tướng 3 đề án về điều chỉnh khu vực ĐBSCL chuyển từ trữ mặn sang điều tiết mặn phù hợp; đề án về phát triển giống, cây trồng vật nuôi đặc biệt là giống thủy sản đến năm 2025; chương trình phòng chống thiên tai, chống sạt lở.
Nói thêm về xuất khẩu nông sản và tiêu thụ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết hiện còn nhiều vướng mắc trong xuất khẩu. Cụ thể là sản lượng đạt rất lớn nhưng năng lực cạnh tranh chưa ổn định do quy mô sản xuất nhỏ, không ổn định, chưa tổ chức sản xuất tốt, không có biện pháp điều hành mùa vụ tốt nên câu chuyện được mùa mất giá thường xuyên xảy ra.
“Cần tính đến tổ chức lại sản xuất, nhân rộng mô hình hợp tác xã, ổn định quy mô, đảm bảo phát triển thị trường. Ngoài ra, thời gian tới, công tác nghiên cứu, dự báo về thị trường cần đẩy mạnh. Bản thân người dân cũng cần đổi mới, tiếp cận thị trường để chủ động tái cơ cấu”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Chuyển từ số lượng sang chất lượng
Ông Dương Văn Tạo (H.Trà Cú, Trà Vinh), nông dân sản xuất lúa, làm trang trại, đặt câu hỏi: Ở ĐBSCL hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp và biểu hiện rõ nét là xâm nhập mặn ngày càng gia tăng, nguồn nước ngày càng cạn kiệt, lũ về muộn. Chính phủ sẽ dành nguồn lực như thế nào để phát triển bền vững cho toàn vùng ĐBSCL?
Trực tiếp trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho biết sau Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17.11.2017, Chính phủ đã có thêm Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 13.4.2019 về ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120. Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo ngành NN-PTNT chủ động vào cuộc quyết liệt, ưu tiên tập trung tổ chức triển khai 4 lĩnh vực then chốt, đó là: xây dựng Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL; phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL; phòng chống xói lở bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tai; nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng. Mục tiêu đến năm 2020, ĐBSCL sẽ thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; có trình độ tổ chức sản xuất tiên tiến; thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân cả nước, sinh kế của người dân được đảm bảo; mạng lưới kết nối hạ tầng, kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn hiện đại.
“Phải thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường; chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; xây dựng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh gắn với xây dựng chuỗi giá trị cao. Bên cạnh đó, phát triển tuân thủ quy luật tự nhiên trên tinh thần thuận thiên; xây dựng kịch bản, giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai, bão lũ, hạn hán và xâm nhập mặn, các tình huống bất lợi”, Thủ tướng nói.
Kết luận buổi đối thoại, Thủ tướng giao cho Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân VN tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của nông dân để sau giao các bộ, ngành tiếp tục thực hiện.
“Mục tiêu của hội nghị đối thoại này là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, liên kết 6 nhà, tạo chuỗi giá trị nông sản. Chúng ta đã trả lời được một cách cơ bản những vướng mắc. Liên kết 6 nhà còn nhiều bất cập, trở ngại. Đặc biệt vấn đề môi trường, dịch bệnh, tích tụ đất đai là vấn đề bà con rất quan tâm”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu: “Sau hội nghị này các bộ ngành, địa phương phải có chính sách thuận lợi, tạo điều kiện cho bà con nông dân khởi nghiệp. Các địa phương, nhất là ngành nông nghiệp, phải hướng dẫn nông dân sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là phát triển mạnh mẽ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Tiếp tục xem xét yếu tố đầu vào để giảm giá thành, kiểm soát chất lượng để đảm bảo an toàn thực phẩm. Làm thế nào để nông dân giàu, nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh”.
Bình luận (0)