Phát biểu tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2019 của Bộ Thông tin - Truyền thông sáng nay, 28.12, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, tắt sóng 2G là thông điệp mạnh mẽ về việc muốn đi nhanh thì phải bỏ đi gánh nặng của quá khứ.
"Steve Job nói “Cái chết là sáng tạo tuyệt vời nhất của cuộc sống”. Sau 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mạng của nó, mỗi người dân đã có một chiếc điện thoại để alo. Việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp đưa Việt Nam thành một trong số ít các nước với 100% là máy điện thoại thông minh, và sẵn sàng cho công dân điện tử", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Theo Bộ Thông tin - Truyền thông, hiện nay trên mạng viễn thông Việt Nam đang tồn tại đồng thời 3 công nghệ di động mặt đất là GSM (2G) triển khai năm 1990, IMT 2000 (3G) triển khai từ năm 2009 và LTE-A (4G) triển khai từ năm 2016. Dự kiến sẽ triển khai thương mại 5G trong năm 2020.
Việc duy trì cùng lúc 4 công nghệ này bắt buộc các doanh nghiệp phải duy trì vận hành, khai thác 4 mạng di động riêng biệt, gây tốn kém cho doanh nghiệp, tài nguyên tần số bị chia nhỏ và doanh nghiệp không tập trung nguồn lực để tham gia vào công nghệ di động mới.
Theo Bộ Thông tin - Truyền thông, việc loại bỏ công nghệ 2G cho phép giải phóng băng tần cho các công nghệ di động mới, giúp doanh nghiệp tiết kiệm và giảm chi phí khai thác, dành hạ tầng thụ động để phát triển các trạm phát sóng 5G.
Theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin - Truyền thông), hiện Việt Nam có khoảng 132 triệu thuê bao, trong đó thuê bao 2G chiếm khoảng 50%, tương đương khoảng 65 triệu thuê bao. Mỗi nhà mạng đều đang có vài chục triệu thuê bao 2G (có thể sử dụng với điện thoại không thông minh, được người dân thường gọi là "cục gạch").
Cùng với 3G, 4G, 2G vẫn đang được xem là nguồn tạo ra doanh thu lớn cho các nhà mạng trong mảng viễn thông, dù số lượng thuê bao 2G đang giảm dần.
Bình luận (0)