Xe

Taxi truyền thống dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab: Chỉ khách hàng có quyền lựa chọn

Nhiều ý kiến trái ngược nhau về việc xuất hiện các khẩu hiệu phản đối Uber, Grab trên các xe taxi truyền thống. Nhưng điều cốt lõi nhất là 'ai và nơi nào phục vụ tốt hơn thì khách hàng có quyền lựa chọn'

'Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam'; 'Đề nghị dừng thí điểm Grap và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh', là những khẩu hiệu xuất hiện nhiều nhất trên tuyến đường TP.HCM ngày 8.10.
Về phản ứng trên của taxi tại TP.HCM, hiện nhiều chuyên gia pháp luật đang có những quan điểm trái ngược nhau.
Là hành vi gièm pha ?
Theo luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh các decal khẩu hiệu  xuất hiện trên xe taxi truyền thống có dấu hiệu của hành vi được xem là “gièm pha doanh nghiệp khác”, là một trong hành vi bị cấm theo Điều 39 luật Cạnh tranh 2004.

Ngoài ra, tại Điều 43 luật Cạnh tranh 2004 quy định về hành vi gièm pha doanh nghiệp, nêu : “Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”.

“Vì vậy, Uber hay Grab có quyền khiếu nại đến Cơ quan quản lý cạnh tranh nếu cho rằng rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm cạnh tranh không lành mạnh”, LS Chánh cho hay.
Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho rằng nội dung trên decal ghi "Yêu cầu Grab và Uber phải chấp hành đúng pháp luật Việt Nam" khiến người khác có thể gây hiểu nhầm hai thương hiệu kia chưa chấp hành tốt pháp luật Việt Nam, có thể gây mất uy tín đối với 2 doanh nghiệp Grab và Uber.
Vị này cho rằng nếu như doanh nghiệp Vinasun, hoặc các tài xế Vinasun, không hài lòng và có bức xúc gì về doanh nghiệp nào đó thì nên làm đơn đề nghị giải quyết tới cơ quan có thẩm quyền.

tin liên quan

Đề xuất quản lý Uber, Grab như 'taxi mới'
Trong văn bản vừa gửi Bộ GTVT, TP.HCM đề xuất đưa loại hình như Grab, Uber vào loại hình 'taxi mới', trong đó đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải theo loại hình taxi truyền thống.
Taxi truyền thống không sai ?
Ngược lại, theo LS Nguyễn Thành Công (thuộc Đoàn LS TP.HCM), những câu như yêu cầu, đề nghị xuất hiện trên các xe taxi truyền thống đối với Grab, Uber là hoàn toàn phù hợp pháp luật.
Cũng theo LS Công, về luật cạnh tranh, trong trường hợp này cũng không sai, vì taxi truyền thống có quyền yêu cầu đơn vị khác làm đúng pháp luật. Những "yêu cầu, đề nghị" trên cũng không làm xấu, bôi nhọ, dìm đối thủ, chê bai đối thủ trong quá trình hoạt động kinh doanh. Bất cứ người nào cũng có thể yêu cầu người khác, đơn vị khác chấp hành pháp luật....
“Khi nào bôi xấu doanh nghiệp khác như "trốn thuế, vi phạm pháp luật" với nội dung khẳng định, thì tính chất vụ việc sẽ khác. Nội dung trên các decal là "yêu cầu", theo tôi,  tức là mang tính nhận định chủ quan, không có giá trị khẳng định về pháp luật”, LS Công nhận xét.

tin liên quan

'Vỡ' quy hoạch xe hợp đồng
Lượng ô tô 9 chỗ trở xuống tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng tại TP.HCM đang gia tăng 'chóng mặt', bỏ xa quy hoạch trong khi diện tích đường cho giao thông thấp.
Người tiêu dùng mới có quyền lựa chọn
Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Hậu cho rằng cách hành xử như trên của tài xế taxi truyền thống hoặc doanh nghiệp là không phù hợp.
“Nếu Uber, Grab hoạt động sai, trốn thuế thì sẽ có các cơ quan thẩm quyền xử lý theo pháp luật. Ngược lại, Uber, Grab hoạt động có giấy phép kinh doanh, đóng thuế đầy đủ thì không ai có thể ngăn cấm. Dù không ai nói ra, nhưng trong câu chuyện này ai cũng hiểu việc xuất hiện Uber, Grab đã ảnh hưởng đến mức doanh thu của doanh nghiệp taxi khác cũng như tài xế taxi nhưng đây là câu chuyện cung cầu. Vì vậy dù ai phản đối đi chăng nữa nhưng người tiêu dùng mới là người có quyền lựa chọn. Ai và nơi nào phục vụ tốt hơn thì khách hàng có quyền lựa chọn”, LS Hậu chia sẻ.
'Cuộc chiến' taxi truyền thống với taxi mô hình mới thực chất là câu chuyện cung cầu, và chỉ có khách hàng mới là 'trọng tài' Ảnh: Ngọc Lê
Theo khoản 4 Điều 2 Nghị định 06/2006 của Chính phủ về cạnh tranh, thì Cục quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương có nhiệm vụ và quyền hạn:
a) Thụ lý, tổ chức điều tra các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh để Hội đồng cạnh tranh xử lý theo quy định của pháp luật.
b) Tổ chức điều tra xử lý đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh khác theo quy định của pháp luật.
Sau khi phát hiện hành vi vi phạm, thì theo Điều 31 Nghị định 71/2014 của Chính phủ thì đối với hành vi gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Còn hành vi gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Về cơ quan xử phạt hành chính, Nghị định 71/2014 của Chính phủ cũng quy định Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh có thẩm quyền xử xử phạt
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.