Ngày 15.7, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Hội đồng Lý luận T.Ư, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo Công tác tuyên giáo của Đảng - 90 năm chặng đường vẻ vang: Thành tựu và tầm nhìn.
"Một số tờ báo chỉ trả lương cho 3 - 4 đồng chí lãnh đạo"
Trình bày tham luận về kinh nghiệm công tác quản lý báo chí, triển khai quy hoạch báo chí, Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo cho hay, trong một thời gian dài, có quan niệm rằng có nhiều cơ quan báo chí là có tự do báo chí nên số lượng cơ quan báo chí tăng lên rất nhanh.
“Tổ chức nào, hội nào, đơn vị nào cũng muốn có cơ quan báo chí trong khi luật quy định rất rõ là muốn ra báo phải đảm bảo các điều kiện về tài chính và trụ sở”, ông Bảo nêu và cho biết, các tổ chức, nhất là hội quần chúng, khi muốn thành lập báo đều không đảm bảo được các yếu tố này.
Thực trạng không đảm bảo về kinh tế, cơ sở vật chất dẫn đến nhiều tòa soạn tiết kiệm nguồn chi bằng cách sử dụng cộng tác viên chứ không tuyển phóng viên chính thức.
“Chúng tôi đi kiểm tra thực tế thì một số cơ quan việc trả lương của cơ quan chủ quản, báo chí cho 3 - 4 đồng chí lãnh đạo, còn chủ yếu đội ngũ viết bài là sử dụng cộng tác viên”, ông Bảo dẫn chứng và cho biết, thực tế này dẫn đến việc các phóng viên chỉ tìm những tin bài câu view (người xem - PV) để có người đọc hoặc xào xáo thông tin trên mạng chứ không thâm nhập thực tế.
“Đây là trách nhiệm của các tổng biên tập”, ông Bảo lưu ý.
Thứ trưởng Bộ TT-TT còn cho biết, một phần trách nhiệm thuộc cơ quan chủ quản. Ông Bảo dẫn chứng, qua thực hiện quy hoạch báo chí thì thấy rằng, cơ quan chủ quản nào sâu sát với báo chí thì bàn việc triển khai rất nhanh, kịp thời, hiểu được vấn đề, song cũng có những cơ quan chủ quản khi xử lý sai phạm của cơ quan báo chí, gọi chủ quản lên xử lý mới biết mình sai ở đâu.
"Nói báo chí là công cụ tư tưởng của Đảng, thuế lại thu như doanh nghiệp"
Một vấn đề khác cũng được ông Bảo nêu là kinh tế báo chí. Theo ông Bảo, lâu nay trong quản lý và chỉ đạo báo chí mới nghĩ tới quản lý nội dung báo chí nhưng trong cơ chế thị trường hiện nay, chính sách cho báo chí tồn tại thế nào thì chưa quan tâm, luật cũng còn chung chung.
Ông Bảo cho biết, hiện Bộ TT-TT đang xây dựng một số cơ chế chính sách để hỗ trợ cơ quan báo chí. “Một mặt chúng ta nói báo chí phải là công cụ tư tưởng của Đảng, cơ quan tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, nhưng trong thực tế chính sách về thuế chúng ta ứng xử với các cơ quan báo chí như doanh nghiệp. Do đó, nếu chúng ta xác định báo chí là sản phẩm trong dịch vụ đặc thù có liên quan công tác tư tưởng văn hoá thì có chính sách ứng xử với báo chí cho phù hợp”, ông Bảo nêu quan điểm.
Theo ông Bảo, Bộ cũng đã nghiên cứu cơ chế đặt hàng với cơ quan báo chí, song việc đặt hàng trong báo chí cũng rất đặc thù. Chẳng hạn, các định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá... trước đây không để ý tới.
“Xác định báo chí là công cụ tin tưởng của Đảng, sản phẩm mang tính chất đặc thù, liên quan tư tưởng đạo đức lối sống thì phải có ứng xử, chính sách kinh tế phù hợp với báo chí”, ông Bảo nêu.
Nghiệp vụ cao nhưng dẫn đến hiện tượng liên quan lập trường, đạo đức
Một vấn đề khác được ông Bảo chia sẻ trong tham luận là chất lượng của đội ngũ báo chí. Theo ông Bảo, khi các cơ quan báo chí ra quá nhiều thì nguồn đào tạo phóng viên gần như không được quan tâm đúng mức.
"Học bất cứ ngành nào ra cũng có thể được tuyển làm báo”, ông Bảo nói và cho rằng, vấn đề này gần đây "hơi lỏng lẻo".
Theo ông Bảo, không phải cứ học học báo chí ra thì mới được tuyển làm báo, song vấn đề là cơ quan báo chí tuyển dụng về thì phải bồi dưỡng, tập huấn để các phóng viên phải “thực sự là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa”.
“Khi chúng tôi đi kiểm tra có những người học lĩnh vực khác, về làm báo được đánh giá cao về nghiệp vụ viết lách, nhưng sau đó có thể dẫn đến hiện tượng liên quan lập trường, đạo đức, dẫn đến chuyện đi đánh đấm, soi mói doanh nghiệp”, ông Bảo nói và đề nghị tới đây, cần xem xét nguồn tuyển dụng và cơ chế tuyển dụng phóng viên báo chí nên theo cơ chế nào.
Bình luận (0)