Chiều 19.3, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ, vấn đề được quan tâm lớn nhất vẫn là những quy định phiền hà xung quanh chứng chỉ. Trả lời vấn đề trên, ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ), cho biết việc "giảm tải" chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đã nhận được sự đồng thuận lớn của các bộ, ngành, địa phương.
Đã có 4 bộ ủng hộ chủ trương
Đơn cử, theo ông Long, trong chùm 4 thông tư mới ban hành, Bộ GD-ĐT đã không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn viên chức giáo dục nữa. Căn cứ vào nghị quyết về trả lời chất vấn tại Quốc hội, Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo, và Bộ Nội vụ cũng đã phối hợp, kịp thời có ý kiến với Bộ GD-ĐT để ra được quy định này. Hiện đã có thêm Bộ NN-PTNT không quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn viên chức thuộc ngành mình.
Ngoài ra, ông Long cho biết Bộ Nội vụ có dự thảo thông tư sửa đổi về tiêu chuẩn đối với công chức hành chính và công chức chuyên ngành văn thư; đã tổng hợp ý kiến xong, đang trong quá trình thẩm định để báo cáo Bộ trưởng sớm ban hành. Bộ TT-TT cũng đã có dự thảo thông tư theo hướng bãi bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Vấn đề hiện nay là đợi thông tư được ban hành.
Khẳng định "chủ trương bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là phù hợp, đúng đắn, tạo sự đồng thuận rất cao ở các bộ, ngành, địa phương", theo ông Long, bỏ chứng chỉ ở đây không có nghĩa là không quy định về năng lực ngoại ngữ, tin học nữa, mà tùy yêu cầu vị trí việc làm mà cơ quan tuyển dụng sẽ yêu cầu, kiểm tra, sát hạch… khi tuyển dụng, bổ nhiệm, nhưng sẽ không yêu cầu nộp chứng chỉ.
Do thẩm quyền quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là các bộ quản lý công chức, viên chức chuyên ngành ban hành, nên Bộ Nội vụ cho biết sẽ không thể sử dụng một thông tư của mình để thay thế được. Tuy nhiên, Bộ hứa sẽ sớm tổ chức một cuộc họp với các bộ, ngành, đề nghị họ sớm sửa đổi, bổ sung, để đảm bảo sự công bằng giữa các ngạch công chức, viên chức nói chung, giảm tải yêu cầu về chứng chỉ.
Tiến tới bỏ các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp
Ngoài việc bãi bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ là “đồng thuận cao”, theo ông Trương Hải Long, vấn đề còn lại là các chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (như chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên; chứng chỉ bồi dưỡng phóng viên, biên tập viên… với báo chí) hiện nhiều ý kiến cũng đồng thuận bãi bỏ, đặc biệt đối với viên chức.
Luật Viên chức có quy định viên chức được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó. Triển khai luật Viên chức, trước đây Nghị định 18/2010 (giờ là Nghị định 115/2020) có quy định bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh. Nhưng nghị định chỉ là quy định chung, còn tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp vẫn là do các bộ quản lý chuyên ngành đặt ra.
Câu chuyện của Bộ GD-ĐT khiến các giáo viên bức xúc, theo ông Long, là do có thay đổi giữa chùm thông tư cũ và thông tư mới (ra quy định mới nhưng không có điều khoản chuyển tiếp - PV), khiến một số giáo viên lo lắng là để được bổ nhiệm vào vị trí mà họ đang giữ, họ sẽ phải đi học chứng chỉ bổ sung. Ông Long cho rằng, tuy Bộ GD-ĐT đã kịp thời có Công văn 971 giải quyết một phần vướng mắc, tâm tư lo lắng của giáo viên (quy định việc phát sinh chứng chỉ chỉ thực hiện từ thời điểm thông tư có hiệu lực, chứ không hồi tố), nhưng công văn “mới giải quyết được một phần”. “Bộ Nội vụ sẽ có ý kiến với Bộ GD-ĐT để sửa đổi căn cơ quy định này. Chúng tôi cũng sẽ có nghiên cứu để đánh giá tổng thể, không chỉ với giáo viên mà cả với biên tập viên, phóng viên... để báo cáo cấp có thẩm quyền có sửa đổi phù hợp”, theo ông Long.
Nói thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết vấn đề phát sinh với các giáo viên là do khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan liên quan đã không để ý đến điều khoản chuyển tiếp, dẫn đến việc hồi tố (sinh ra cảnh tréo ngoe là người đang chuyên viên cao cấp, nhưng thiếu mất chứng chỉ chuyên viên - do thời điểm người này được bổ nhiệm chưa có quy định yêu cầu, lại phải quay lại học chứng chỉ chuyên viên?).
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh tinh thần văn bản chỉ đạo của Thủ tướng đã yêu cầu rà soát tổng thể lại các chứng chỉ, bởi “lịch sử” vấn đề chức danh nghề nghiệp này đã từ năm 1993, tức là đã gần 30 năm rồi. “Đề nghị trong quá trình làm, các cục, vụ của Bộ cũng trao đổi với anh em báo chí để tập hợp dư luận, xây dựng chính sách cho tốt hơn”, ông Thăng nói.
Thủ tướng yêu cầu rà soát chứng chỉ với viên chứcNgày 19.3, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc báo cáo nội dung liên quan đến các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với viên chức.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 101 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các quy định khác có liên quan.
Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức. Trong đó, nêu rõ những loại chứng chỉ nào là điều kiện để được bổ nhiệm thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; chứng chỉ nào là bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT báo cáo cụ thể về nội dung tương tự nêu trên đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên cơ sở công lập các cấp, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan cho phù hợp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua về vấn đề này. Thủ tướng yêu cầu các bộ đề xuất phương án cụ thể, báo cáo trong tháng 3 này.
Chí Hiếu
|
Bình luận (0)