Tìm cách giữ chân người lao động: 'Ai ở đâu, ở đấy' phải được coi là giải pháp chiến lược

10/08/2021 06:40 GMT+7

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, vấn đề sống còn của các doanh nghiệp là duy trì sản xuất, đồng thời phải đảm bảo, duy trì cung ứng lao động.

Đây là vấn đề rất quan trọng, đặc biệt trong tình trạng lao động đang di chuyển từ thành thị về nông thôn. “Chính phủ cần rà soát lại các chính sách hiện tại, đề xuất chính sách mới có tính chất căn cơ, chính sách trước mắt và lâu dài để phục hồi sản xuất, phục hồi doanh nghiệp (DN) phát triển, trong đó coi trọng chính sách tài khóa, là chính sách hàng đầu các quốc gia đang thực hiện”, ông Dung nói.

Kiến nghị chính sách ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH cũng cho biết, sẽ kiến nghị với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để có chính sách ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân (CN) ở khu công nghiệp, chuỗi cung ứng, lao động trong lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với nguy cơ dịch bệnh cao và đội ngũ chuyên gia.
Còn theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, “giữ chân” người lao động (NLĐ) theo phương châm “ai ở đâu, ở đấy” phải được coi là giải pháp chiến lược lúc này, nó không chỉ đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống dịch trước mắt, mà còn giải quyết căn cơ vấn đề nguồn nhân lực phục vụ sản xuất khi tình hình dịch được kiểm soát.
Ông Phạm Anh Thắng, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH phía nam, cho rằng giải pháp quan trọng lúc này là chính quyền các cấp cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với CN, người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ. Trong tổng kinh phí cho các nhóm chính sách hỗ trợ là 26.000 tỉ đồng, cần ưu tiên cho nhóm chính sách hỗ trợ tiền mặt cho CN tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng để họ yên tâm ở lại nơi tạm trú, sẵn sàng quay trở lại làm việc ngay khi DN hoạt động sản xuất trở lại. Để làm tốt việc này, cần có sự phối hợp của các cấp chính quyền, đoàn thể và MTTQ các cấp. Cần phải “đi tận ngõ, gõ từng nhà, từng khu trọ” để cấp phát kinh phí, đồ cứu trợ trực tiếp cho các đối tượng CN cần hỗ trợ. Các địa phương cần thực hiện ngay chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, giảm tiền điện, nước sinh hoạt cho CN... Bên cạnh đó là ưu tiên, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho CN để họ yên tâm lao động, sản xuất.
Theo TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tiêm vắc xin cho CN giúp họ không lây hoặc khó lây, hoặc nếu mắc thì không có nguy cơ diễn biến nặng, sớm phục hồi.
Theo ông Nga, nếu không tiêm vắc xin, khi mắc Covid-19 phải điều trị và ảnh hưởng đến sản xuất. Qua diễn biến thực tế, để bảo vệ sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng và đảm bảo không xảy ra “đứt gãy” thì CN là đối tượng cần được quan tâm.
Liên Châu
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, đưa ra 4 giải pháp để “giữ chân” NLĐ. Theo ông Huân, ưu tiên số 1 là đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho NLĐ, để họ yên tâm ở lại sản xuất. Các DN cần hỗ trợ cho NLĐ vượt qua khó khăn. Về vĩ mô, ông Huân kiến nghị Chính phủ nên xem xét lại các gói hỗ trợ an sinh xã hội để hỗ trợ thêm cho NLĐ bị ngừng việc, tăng mức hỗ trợ từ 1 triệu đồng lên 2 triệu đồng/người. Ngoài ra, Chính phủ và các địa phương cần đưa ra dự báo, có kế hoạch thông báo sớm tình hình, để DN chủ động trở lại sản xuất sau khi hết giãn cách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.