Thông tin được nhiều người quan tâm về tình hình Covid-19 hôm nay, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu giảm bớt quy trình cho vắc xin Nanocovax. Văn phòng Chính phủ hôm nay, 9.8, cho biết Thủ tướng vừa có ý kiến liên quan đến kiến nghị của chuyên gia về việc cấp phép sử dụng vắc xin trong tình huống khẩn cấp. Cụ thể, mới đây Văn phòng Chính phủ nhận được văn bản ngày 1.8.2021 của GS - TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, Ủy viên Hội đồng chuyên môn Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe T.Ư, kiến nghị về việc cấp phép sử dụng vắc xin trong tình huống khẩn cấp. Về việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu, chỉ đạo việc cấp phép và sử dụng vắc xin Nanocovax theo hướng giảm bớt quy trình, thủ tục hành chính, nhưng phải đảm bảo chặt chẽ theo quy định và thẩm quyền.
Vắc xin Covivac do Việt Nam sản xuất chuyển sang thử nghiệm giai đoạn 2. Chiều 9.8, TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC Nha Trang, thuộc Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã họp đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giữa kỳ giai đoạn 1 vắc xin Covivac, chấp thuận chuyển sang giai đoạn 2. Theo đó, Hội đồng thẩm định đã chấp thuận vắc xin Covivac chuyển sang giai đoạn 2 dựa trên kết quả thử nghiệm trên 120 tình nguyện tại Trường Đại học y Hà Nội, đạt được độ an toàn, dung nạp tốt, có tính sinh miễn dịch. Được biết, sau khi Hội đồng Đạo đức chấp thuận và Bộ Y tế cho phép, việc thử nghiệm giai đoạn 2 sẽ triển khai tại H.Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Thời gian bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 2 từ ngày 10.8, thời gian mất khoảng 3 tháng.
TP.HCM đã được Bộ Y tế cấp 4,1 triệu liều vắc xin Covid-19. Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết sáng 9.8, TP.HCM được Bộ Y tế phân bổ thêm 600.000 liều vắc xin Covid-19 đợt 6, vắc xin AstraZeneca. Như vậy, TP.HCM nhận đợt 1, 2, 3, 4 gần 1 triệu liều; đợt 5 hơn 2,5 triệu liều và đợt 6 là 600.000 liều, tổng cộng các đợt là 4,1 triệu liều. 3 loại vắc xin chính mà Bộ Y tế phân bổ cho TP.HCM là AstraZeneca, Moderna và Pfizer. Hiện nay, tốc độ tiêm chủng của TP.HCM rất nhanh, một ngày tiêm của TP.HCM gần bằng cả nước. Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong tháng 8 này, TP.HCM sẽ được cấp đủ 5 triệu liều vắc xin (cộng dồn các đợt). Như vậy, TP.HCM chỉ còn được cấp 900.000 liều.
TP.HCM đề nghị cho phép san sẻ vắc xin Vero Cell với các tỉnh, thành có nhu cầu. UBND TP.HCM vừa có văn bản phản hồi Bộ Y tế làm rõ một số vấn đề liên quan đến vắc xin Vero Cell theo đề nghị hôm 6.8. Riêng vấn đề về phạm vi sử dụng 5 triệu liều vắc xin Vero Cell, UBND TP.HCM cho hay Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tặng 5 triệu liều vắc xin cho thành phố để tổ chức tiêm chủng cho người dân. Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, số lượng vắc xin còn ít chưa trang trải kịp. Do đó, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Y tế cho phép thành phố được san sẻ với một số tỉnh, thành có nhu cầu bằng hình thức phù hợp để phục vụ nhân dân kịp thời.
Bộ Y tế họp đánh giá nguyên nhân chậm trễ trong tiếp nhận, tiêm chủng vắc xin Covid-19 tại một số địa phương. Theo Bộ Y tế, đến ngày 8.8, khoảng 19 triệu liều vắc xin Covid-19 do Bộ Y tế tiếp nhận từ các nguồn nhập khẩu, nguồn COVAX và do các nước hỗ trợ, đều đã phân bổ cho các tỉnh, thành. Hiện có 6 loại vắc xin Covid-19 được cấp phép khẩn cấp tại Việt Nam, gồm: AstraZeneca; Sputnik V, Vero Cell Sinopharm, Pfizer/BioNTech, Moderna, Janssen do Janssen Pharmaceutica NV (Bỉ) và Janssen Biologics B.V (Hà Lan) sản xuất. Trong đó, 5 loại đã được tiếp nhận và sử dụng; chưa tiếp nhận vắc xin Janssen. Vừa qua, có hiện tượng chậm trễ trong tiếp nhận, do đó Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương khẩn trương nhận. Với địa phương chậm trễ nhận và triển khai tiêm, Bộ Y tế sẽ điều chuyển cho các địa phương khác. |
Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP.HCM triển khai giai đoạn 2 thêm 700 giường. Từ khi được đưa vào hoạt động đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho 1.031 bệnh nhân, phần lớn là bệnh nhân nặng, nguy kịch. Hiện tại, bệnh viện điều trị cho 582 bệnh nhân, trong đó có 129 bệnh nhân thở máy, 11 bệnh nhân lọc máu liên tục và 4 bệnh nhân ECMO. Bệnh viện hiện có quy mô 1.000 giường, trong tuần này, bệnh viện sẽ đáp ứng được thêm 700 giường theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, tỷ lệ ca nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng ngày 9.8 ở Hà Nội giảm đáng kể. Sở Y tế Hà Nội cho biết, trưa nay, thành phố ghi nhận thêm 39 ca mắc Covid-19, trong đó 32 ca tại khu cách ly, 7 ca tại cộng đồng, trong đó số ca ngoài cộng đồng giảm đáng kể so với các ngày trước. Phân bố bệnh nhân Covid-19 theo chùm ca bệnh cho thấy, chùm ho sốt thứ phát có 35 ca; liên quan nhà thuốc Đức Tâm, 95 Láng Hạ 2 ca, sàng lọc ho sốt 2 ca. Tính từ sáng đến trưa nay, 9.8, Hà Nội đã ghi nhận 48 ca mắc mới, trong đó 8 ca tại cộng đồng và 40 ca tại khu cách ly. Đáng chú ý, trong các ca ho sốt thứ phát, ghi nhận tới 18 ca dương tính SARS-CoV-2 là công nhân xây dựng công trình Bệnh viện đa khoa Hà Đông.
Bình luận (0)