Tổ chức tốt hơn việc tiêu thụ nông sản cho người dân

02/08/2021 04:45 GMT+7

Cơ quan quản lý cần tổ chức tốt hơn việc tiêu thụ sản phẩm cho người dân vùng nông thôn khi không tìm được đầu ra cho nông sản...

Nghịch lý người chăn nuôi, nông dân ở một số tỉnh thành có sản phẩm nhưng không tìm được nguồn tiêu thụ vẫn tồn tại, trong khi nhiều nơi ở vùng dịch nguồn cung rau, củ, thịt... khan hiếm, giá tăng cao cho thấy cần có sự điều tiết và thể hiện vai trò tốt hơn nữa của cơ quan quản lý.
Sau khi Thanh Niên phản ánh về thực trạng nông dân ở H.Hóc Môn (TP.HCM), một số nơi ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai rau, củ, quả ê hề trên đồng nhưng không kiếm được nguồn tiêu thụ hoặc được thu mua với giá rẻ mạt, ở một số địa phương tại Long An, Tây Ninh (lân cận với TP.HCM, nơi đang là tâm dịch của cả nước) lại đang “bí” đầu ra cho thịt gà, hải sản...

Bản tin Covid-19 ngày 1.8: Cả nước thêm 8.620 ca bệnh, các nơi hỗ trợ người dân để “ai ở đâu ở đấy”

Ai có thể đứng ra làm cầu nối?

Hôm 31.7, chia sẻ tại hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi và thủy sản, do Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT tổ chức, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, cho biết địa phương này còn tồn khoảng 1 triệu con gà (tương đương khoảng 2.500 tấn). Vì khó khăn trong khâu vận chuyển, thương lái thu mua ít, khiến giá gà trắng hiện nay chỉ còn 7.000 đồng/kg: một con gà 3 kg chỉ thu về 20.000 đồng, tức chỉ mua được... 1 quả bí. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Đồng Nai, Long An...
“Đọc được thông tin này, tôi thực sự rất “sốc”. Là một hộ dân đang ở TP.HCM, nơi đã thực hiện giãn cách xã hội cả tháng qua, tôi ước có thể mua ngay được thịt gà của những người chăn nuôi đang “bí” đầu ra ở Tây Ninh, Long An hay Đồng Nai... để làm khẩu phần ăn trong những ngày giãn cách cho gia đình gồm 4 nhân khẩu (2 vợ chồng, 2 con đang tuổi ăn, tuổi lớn). Nhà tôi trong vùng phong tỏa, dù có thể nhờ đến các thành viên ở chốt kiểm soát “đi chợ” giúp, nhưng tôi biết rằng không thể mua với số lượng tùy thích như thời điểm bình thường. Hàng triệu người tại TP.HCM có thể cùng chung tâm trạng như tôi. Rõ ràng, nhu cầu tiêu thụ rau, củ, quả, thịt các loại vào thời điểm này, nhất là ở những tỉnh, thành đang có diễn biến dịch phức tạp và đang thực hiện Chỉ thị 16 hay Chỉ thị 16 tăng cường, rất cấp thiết. Ai có thể đứng ra làm cầu nối, giải được bài toán cung - cầu này cho chúng tôi?”, bạn đọc (BĐ) PSG nêu.
BĐ Nguyễn Mỹ cũng đặt vấn đề: “Chỗ thiếu, chỗ thừa. Vậy có hay không khâu vận tải hàng hóa vẫn chưa được thông suốt? Có lẽ các tỉnh nên tính tới chuyện đầu tư các dây chuyền sản xuất tại chỗ, đóng hộp hay một cách thức tương tự, rồi chuyển đi bán. Cứ hoạt động với mô hình lạc hậu như hiện nay thì thụ động quá”.

Nhãn chín vàng cây, thương lái không đến, nông dân xót xa nhìn trái rụng hàng tấn mỗi đêm

Luồng xanh giải cứu

Rất nhiều BĐ gửi cho Báo Thanh Niên những thắc mắc khi biết được thông tin trên, như: Có thể cho chúng tôi biết liên lạc với ai để mua gà với giá hợp lý như vậy không? Cơ quan chức năng các tỉnh thành, bộ, ngành liên quan có thể phối hợp để làm cầu nối cho những nông dân, người chăn nuôi không tìm kiếm được đầu ra cho nông sản, thịt gia súc, gia cầm với người dân đang ở vùng dịch được không? Cơ quan chức năng có thể mua, vận chuyển về TP.HCM rồi bán với giá hợp lý cho người dân trong vùng dịch không, vì tôi tin rằng, việc này nằm trong tầm tay của cơ quan quản lý?...
Nhiều BĐ cũng đề xuất cần có “luồng xanh” riêng, gọi là “luồng xanh giải cứu”. Theo BĐ Minh Quân, “giải cứu” ở đây được hiểu theo nghĩa tích cực, nghĩa là vừa có thể giúp người nông dân, các hộ chăn nuôi tiêu thụ được sản phẩm mà không bị o ép về giá, vừa có thể đáp ứng nhu cầu rau, củ, quả, thịt... cho người dân ở vùng dịch, vốn bị hạn chế hoặc không thể tự do đến siêu thị hay chợ phục vụ nhu cầu ăn uống mỗi ngày của các hộ gia đình.
“Sản phẩm của người nông dân, người chăn nuôi làm ra phải “một nắng hai sương” và bao nhiêu công sức tiền của giờ đem bỏ, trong khi đó tại TP.HCM thì giá cả trên trời. Vậy các cơ quan chức năng có thể tìm ra được giải pháp không? Dịch Covid-19 có thể là điều kiện khách quan, nhưng cần thích ứng, không để đứt gãy chuỗi cung ứng”, BĐ Quang Trưởng đề xuất.

TP.HCM chỉ còn 29 chợ bán hàng vì Covid-19, dân mua rau trên xe buýt

Giá gà trắng ở Tây Ninh chỉ còn 7.000 đồng/kg, người dân phải tiêu hủy gà giống như thông tin mà đại diện ngành chức năng của tỉnh này phát biểu, nếu đúng thì đó là sự lãng phí không đáng có.
Nguyễn Văn Dân
Vai trò của các ban ngành như thế nào? Vì sao không tổ chức các đội thu mua, liên kết với các địa phương có nhu cầu để chuyển tới tiêu thụ?
Dương Văn Tuấn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.