Chiều 17.6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã đi kiểm tra lô hàng 800.000 liều vắc xin Covid-19 - vắc xin AstraZeneca mà Chính phủ phân bổ cho TP.HCM được lưu trữ tại kho trong Khu công nghiệp Cát Lái (TP.Thủ Đức). Đây là kho bảo quản của Công ty May, kho lạnh này có thể bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C và âm sâu đến - 25 độ C.
Theo thứ trưởng Sơn, lần nhập về Việt Nam này là 966.320 liều vắc xin. Trong đó 836.000 liều được vận chuyển vào TP.HCM (chiếm 86%). Đây là sự tập trung rất lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Quốc gia đã ưu tiên cho TP.HCM đảm bảo công tác tiêm chủng, đảm bảo phát triển sản xuất cho TP.HCM.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm, theo quy định vắc xin về Việt Nam sẽ được kiểm nghiệm tại Viện kiểm nghiệm Quốc gia mất 2 ngày. Khi vắc xin đạt chất lượng thì sẽ được sử dụng. Tại TP.HCM, Viện Pasteur đã sử dụng kho lạnh của Công ty May và đảm bảo chất lượng lưu trữ, đảm bảo chất lượng để tiêm cho người dân. Sau đó, Viện Pasteur sẽ bàn giao về lại cho TP.HCM.
Bộ Y tế đã họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, họp với Sở Y tế và HCDC để xây dựng kế hoạch chi tiết, để sau khi vắc xin đưa vào sử dụng và thực hiện chiến dịch tiêm 5 - 6 ngày với 786.000 liều cho các đối tượng thuộc Nghị quyết 21 và 50.000 liều thuộc đối tượng bộ đội, công an trên địa bàn TP.
|
Huy động lực lượng sẵn sàng thực hiện chiến dịch tiêm chủng
Hiện nay đã hoàn tất xây dựng kịch bản và 2 ngày nữa sẽ hoàn thiện kịch bản, báo cáo lãnh đạo Thành ủy, UBND và Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM để thực hiện trên 1.000 điểm tiêm. Nếu chuẩn bị xong thì thể bắt đầu tiêm vào thứ 7 tuần này.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, để chuẩn bị tốt thì sẽ bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 vào tuần sau sau khi tổng hợp hết nhu cầu tiêm.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ trước đó ngành y tế TP đã xây dựng các kế hoạch triển khai tiêm chủng với nhiều kịch bản khác nhau, dựa trên số lượng vắc xin được phân bổ từ 500.000 liều cho đến 10 triệu liều, nhằm sẵn sàng huy động nhanh chóng các lực lượng để thực hiện chiến dịch tiêm chủng phù hợp.
Đối với kế hoạch tiêm chủng 786.000 liều được phân bổ trong đợt thứ 5 này, ngoài các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21, TP.HCM dự kiến thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng như người cung cấp dịch vụ thiết yếu, giáo viên, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, người trên 65 tuổi, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất… với số lượng khoảng 1 triệu người.
|
Về việc tổ chức tiêm chủng, TP dự kiến tổ chức các điểm tiêm chủng trong cộng đồng bao gồm các điểm tiêm chủng tại Trung tâm y tế, Trạm y tế, các điểm tiêm lưu động với khoảng 1.000 điểm tiêm/ngày. Tại mỗi điểm có thể thực hiện tiêm chủng cho 200 người/ngày, tổng công suất đạt mức 200.000 người/ngày. TP.HCM sẽ huy động tổng lực các lực lượng từ các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn TP.HCM, các bệnh viện đa khoa thành phố, quận, huyện; các đơn vị bệnh viện tư nhân, trung tâm y tế, trạm y tế… để đáp ứng quy mô, tiến độ đã đề ra.
Việc đảm bảo an toàn tiêm chủng được thực hiện nhằm đảm bảo các điểm tiêm chủng phải tuân thủ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 quy định. Đảm bảo yêu cầu về giãn cách, an toàn phòng chống dịch Covid-19. Thực hiện sàng lọc đối tượng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; tư vấn đầy đủ cho đối tượng được tiêm chủng; thu gom và xử lý rác thải y tế tại điểm tiêm chủng.
Ngoài ra, tại tất cả các điểm tiêm sẽ được chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu. Bố trí lực lượng cấp cứu để theo dõi nhằm xử trí tại chỗ phản ứng sau tiêm với lực lượng mỗi đội gồm 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng.
Tổ chức các đội cấp cứu lưu động tại mỗi địa bàn sẵn sàng vận chuyển người đến bệnh viện khi cần thiết; đồng thời cũng tổ chức theo dõi sau tiêm vắc xin Covid-19, cung cấp số điện thoại của cơ sở tiêm chủng để người được tiêm chủng liên hệ khi cần…
Bình luận (0)