TP.HCM kiên cường chống dịch: Tư nhân tham gia mua và tiêm vắc xin Covid-19?

Duy Tính
Duy Tính
13/08/2021 04:49 GMT+7

Ngày 12.8, TP.HCM cơ bản đã tiêm xong đợt thứ 6 và tổng số liều tiêm từ trước đến nay gần đạt 4,1 triệu liều.

Hiện TP gần như đã cạn nguồn vắc xin, trong khi người dân vẫn đang mong mỏi có thêm và TP chờ Bộ Y tế tiếp tục phân bổ.
Trước thực trạng thiếu vắc xin như đã nêu trên, một vấn đề được nêu ra: Nếu cho tư nhân tham gia mua, tiêm vắc xin thì nguồn vắc xin được đưa về VN có thể dồi dào hơn?

TP.HCM triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho phụ nữ mang thai trên 13 tuần

Tư nhân có thể mua bằng đường riêng

Trả lời Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Giám đốc tiếp thị và phát triển kinh doanh Bệnh viện (BV) FV (TP.HCM), cho biết BV FV đã có nhiều công văn gửi Bộ Y tế và lãnh đạo Chính phủ cho phép đơn vị này được quyền đàm phán mua vắc xin Covid-19. Hiện nay, thông qua đường ngoại giao, BV có một số mối quan hệ để mua vắc xin Covid-19.
“Các đối tác yêu cầu BV FV phải được Bộ Y tế cho phép BV được trực tiếp đàm phán, mua, nhập khẩu vắc xin Covid-19 thì các hãng mới đàm phán, ký hợp đồng và họ xin duyệt, nhập khẩu vào Việt Nam (VN) cho BV. Nếu Bộ Y tế không cho phép thì BV không mua được. Tuy nhiên, chờ đến nay vẫn chưa có thông tin phản hồi gì. BV chỉ mong muốn mua Pfizer để cung cấp cho khách hàng của BV. Nếu được duyệt, BV sẽ tiến hành các thủ tục theo quy định”, bà Lệ Thu thông tin và cho biết thêm Bộ Y tế trả lời FV phải được Pfizer VN duyệt thì mới được. Nhưng BV FV gửi công văn này cho văn phòng Pfizer tại châu Âu để nhờ hướng dẫn tháo gỡ, thì được trả lời Bộ Y tế VN cứ nói thẳng là cho BV FV trực tiếp đàm phán là được.
Cũng theo bà Thu, với vắc xin, nếu mua ít thì khó (nhưng BV mua được), còn mua nhiều thì sẽ dễ hơn. Nếu chỉ BV FV thì chỉ mua được 200.000 - 300.000 liều. Nhưng nếu nhiều doanh nghiệp hoặc khối BV tư nhân có nhu cầu cùng hợp tác, xúc tiến thì sẽ mua được rất nhiều để tiêm cho người có nhu cầu. Hiện BV FV có 2 tủ lưu trữ vắc xin âm sâu (như vắc xin Pfizer) và lưu trữ khoảng 600.000 liều cùng lúc... Do vậy, cần mở để tư nhân tham gia đàm phán mua vắc xin, vì một số doanh nghiệp sẵn sàng trả tiền để được tiêm sớm, gỡ bỏ gánh nặng để tập trung sản xuất kinh doanh, đảm bảo độ bao phủ vắc xin nhanh...

Người dân TP.HCM đội mưa xếp hàng chờ tiêm vắc xin Covid-19 vào ngày 12.8

ẢNH: ĐỘC LẬP

Tận dụng nguồn lực tư nhân
Công ty CP vắc xin VN (hệ thống tiêm chủng VNVC) hiện nay là một trong hàng chục đơn vị được phép nhập khẩu vắc xin Covid-19. Thế mạnh của đơn vị này là có gần 60 trung tâm tiêm chủng và quy mô tiêm có thể đạt hơn 100.000 liều/ngày. Tuy nhiên đến nay, ngoài 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca mua được dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế (và cũng đã chuyển giao lại cho Bộ Y tế phi lợi nhuận), đến thời điểm này thì VNVC cũng chưa thể mua thêm được loại vắc xin nào.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc VNVC, cho biết công ty đang nỗ lực đàm phán với các hãng vắc xin để có hợp đồng mua mới. “Hồi đầu năm có thể ký hợp đồng, nhưng bây giờ thì khó. Nếu mọi việc tốt đẹp thì có thể 10 ngày tới, công ty đạt được hợp đồng mua mới, nhưng sau vài tuần nữa mới về”, ông Dũng thông tin và cho rằng muốn nhập vắc xin, phải có kho lạnh được thẩm định cấp phép, được chứng nhận bảo quản tốt, được các hãng bán vắc xin đánh giá đủ điều kiện…
“Việc tận dụng mọi nguồn lực để đưa vắc xin Covid-19 về là cần thiết. Chính phủ có thế mạnh của Chính phủ và có những hãng chỉ bán cho Chính phủ vì vắc xin được bán trong điều kiện khẩn cấp và Chính phủ bảo lãnh, miễn bồi hoàn. Nhưng tư nhân cũng có thể mua được (Chính phủ vẫn phải ký bảo lãnh). Trong nhiều trường hợp, tư nhân có thế mạnh của tư nhân”, ông Dũng nói và dẫn chứng về lô vắc xin AstraZeneca đầu tiên mà VNVC đã ký, đưa về VN và đã được triển khai tiêm. Ngoài ra, trong trường hợp “đấu giá với nhau”, tư nhân có thế mạnh riêng là quyết nhanh để đưa vắc xin Covid-19 về, nếu chờ có thể mất luôn lô hàng.
“Chiến lược đưa vắc xin về VN càng sớm, càng nhiều, càng nhanh và càng tốt thì nhà nước và nhân dân cùng làm. Mỗi bên đều có sức mạnh riêng và như vậy huy động được sức mạnh của toàn hệ thống”, ông Dũng nói và nhấn mạnh sau khi đưa vắc xin về thì cần triển khai tiêm sớm với sự tham gia, hỗ trợ từ hệ thống y tế tư nhân.

Bác sĩ ơi! Mắc Covid-19 làm sao tăng sức đề kháng | Trò chuyện cùng chuyên gia trong đại dịch

“Hợp tác công - tư khác với tiêm dịch vụ”

Ngày 11.8, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Y tế có chủ trương chính thức cho phép doanh nghiệp thực hiện hợp tác công - tư, tổ chức thu phí tiêm vắc xin theo cơ chế “mua 5 liều vắc xin sẽ tặng xã hội 1 liều”, đồng thời đề nghị Bộ Y tế ban hành quy định cụ thể giá dịch vụ tiêm chủng.
Chiều 12.8, trả lời Thanh Niên về đề nghị này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết TP đang chờ Bộ Y tế phản hồi. Về cơ bản, kiến nghị của TP là “cần có cơ chế cho phép nhà tài trợ trả tiền mua vắc xin”, sau đó TP dùng nguồn vắc xin này tiêm cho người dân trên địa bàn. Hợp tác công - tư khác với tiêm dịch vụ và hiện nay Bộ Y tế chưa có chủ trương tiêm dịch vụ. Về thông tin một số điểm tiêm hết vắc xin, ông Dương Anh Đức cho biết TP đã có kế hoạch tiêm chủng và sẽ thông tin rộng rãi đến báo chí trong buổi họp báo sáng nay (13.8).
Sỹ Đông
Về giá cả, theo bà Nguyễn Thị Lệ Thu, khối tư nhân mua về với giá bao nhiêu thì tiêm cho dân lấy giá bấy nhiêu; chỉ thu phí dịch vụ, vật tư tiêu hao, đồ bảo hộ nhằm cùng giúp nhau, giúp đơn vị y tế, giúp cộng đồng để sớm trở về cuộc sống bình thường. Về trách nhiệm trong việc mua và tiêm vắc xin, bà Thu cũng cho rằng “vẫn miễn trừ trách nhiệm cho doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế, vì vắc xin được cấp phép sử dụng trong tình huống khẩn cấp”. Còn theo ông Ngô Chí Dũng, hiện nay VNVC nhập vắc xin về theo nhu cầu của một số công ty để tiêm cho cán bộ nhân viên và vẫn thực hiện tiêm miễn phí, còn các doanh nghiệp tự bỏ tiền tài trợ để được tiêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.