TP.HCM: Tổ xung kích, tổ cấp cứu cộng đồng gọi là có, bất kể ngày đêm

31/08/2021 06:06 GMT+7

'Trong đêm các anh cũng tận tình giúp đỡ. Chúng tôi gọi là các anh có mặt để hỗ trợ công tác di chuyển xuống tận nhà dân', bác sĩ - thiếu tá Tạ Văn Mạnh, Học viện Quân y, nói về tổ cấp cứu cộng đồng.

Trong cao điểm dịch bệnh Covid-19, xe cấp cứu dành ưu tiên cho các F0 bị nặng nên nhiều trường hợp người dân cần cấp cứu rất khó khăn. Trước thực tế này, UBND P.7 (Q.Gò Vấp, TP.HCM) thành lập “tổ cấp cứu cộng đồng” hoàn toàn miễn phí trên địa bàn phường, trên tinh thần tự nguyện để phục vụ hỗ trợ người dân 24/24.

Phường tự lập tổ cấp cứu cộng đồng giữa dịch Covid-19, dân gọi là có mặt

Thành viên của “tổ cấp cứu cộng đồng” đều là các tình nguyện viên. Công việc của tổ là chở người đi cấp cứu (không chở F0), hỗ trợ phát quà, lương thực thực phẩm cũng như đi mua thuốc cho người dân hoặc các F0 khi có đơn thuốc theo yêu cầu hỗ trợ.

Anh Nguyễn Hữu Nghĩa và anh Hoàng Khương Sinh nhận điện thoại đến đón đội ngũ y tế đi trao thuốc cho bệnh nhân

TRẦN KHA

Gọi là có

Từ rất sớm, sáng 30.8, những thành viên tổ cấp cứu cộng đồng P.7 đã chuẩn bị sẵn xe máy để đưa các y bác sĩ đến nơi làm việc tại trạm y tế lưu động trên địa bàn phường.
Không lâu sau, vừa về lại khu vực khuôn viên Trường THCS Gò Vấp, số 15 Nguyễn Du (P.7),  “đại bản doanh” tổ cấp cứu cộng đồng, anh Nguyễn Hữu Nghĩa, thành viên tổ cấp cứu cộng đồng, nhận được thông báo đến hỗ trợ chở các bác sĩ quân y đi giao thuốc cho bệnh nhân. Ngay lập tức, anh Nghĩa chuẩn bị dụng cụ rồi lên xe máy di chuyển.
Theo anh Nghĩa, bệnh nhân sẽ gọi vào số điện thoại trạm y tế lưu động phường, các bác sĩ sau đó sẽ gọi qua số lưu động các thành viên tổ cấp cứu cộng đồng. Tổ sẽ cử người đến chở các cán bộ quân y đi giao thuốc cho bệnh nhân. “Khi điện thoại, bác sĩ sẽ báo là đi phát thuốc hay đi khám bệnh nền, khám cho bệnh nhân Covid-19, hoặc xét nghiệm để mình trang bị bảo hộ y tế cho đúng”, anh Nghĩa chia sẻ.

Anh Hoàng Khương Sinh hỗ trợ đưa bác sĩ đến tận nhà khám cho bệnh nhân kiêm luôn công việc phun thuốc khử khuẩn hỗ trợ bác sĩ

TRẦN KHA

Cũng nhận được điện thoại thông báo của các bác sĩ quân y tại trạm y tế lưu động 77 Nguyễn Du, anh Hoàng Khương Sinh, thành viên tổ cấp cứu cộng đồng, trang bị đồ bảo hộ y tế rồi nhanh chóng điều khiển xe máy đến nơi đón bác sĩ. Cả hai nhanh chóng đến nhà bệnh nhân cần sự trợ giúp.
Vừa đến nơi, thấy anh L.V.T (31 tuổi) ngụ tại hẻm 274 Nguyễn Văn Nghi (P.7) nằm trên nền nhà, tay ôm bụng. Qua chẩn đoán, bác sĩ nghi ngờ anh T. có khả năng viêm ruột thừa nên yêu cầu chuyển vào bệnh viện gấp. Một chiếc xe cấp cứu của tổ cấp cứu cộng đồng nhanh chóng được điều đến đưa nạn nhân vào Bệnh viện Gia Định.
“Khi bệnh nhân gọi là lực lượng này có mặt. Trong đêm các anh cũng tận tình giúp đỡ. Chúng tôi gọi là các anh có mặt để hỗ trợ công tác di chuyển xuống tận nhà dân”, bác sĩ - thiếu tá Tạ Văn Mạnh, Học viện Quân y, nói.
Trước đó một ngày, anh L.V.T có triệu chứng đau bụng nên được em gái là chị L.T.N.C (28 tuổi) gọi báo trạm y tế lưu động phường để nhờ sự hỗ trợ. Các bác sĩ trong đêm đã xuống thăm khám. Sáng nay tình trạng đau của anh trai nặng hơn nên chị C. tiếp tục gọi nhờ hỗ trợ. “Thật sự em rất biết ơn, không biết nói sao nữa trong lúc khó khăn hiện nay”, chị C. nghẹn lời.

TP.HCM kêu gọi F0 Covid-19 khỏi bệnh hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Thành, học viên năm thứ 6 Học viện Quân y Hà Nội, tăng cường thêm cho tổ công tác lưu động trạm y tế lưu động P.7, cho biết đang phụ trách chăm sóc cho khoảng 80 bệnh nhân trên địa bàn phường. Do mới đến làm việc, không rành đường đi, việc được các thành viên tổ cấp cứu cộng đồng, đội xung kích địa phương hỗ trợ sẽ giúp đội ngũ y tế tiếp cận người dân nhanh chóng và kịp thời hơn. “Mấy anh rành đường, địa hình khu vực nên đưa mình đi nhanh hơn, bất kể nắng hay mưa, trao những phần thuốc tận tay người bệnh”, học viên Nguyễn Văn Thành nói.

Tổ xung kích, tổ cấp cứu cộng đồng hỗ trợ chở hàng hóa sau khi các chiến sĩ mua nhu yếu phẩm đi chợ giúp dân tại siêu thị

TRẦN KHA

Vừa về đến “đại bản doanh”, một chiếc xe khác của tổ cấp cứu cộng đồng bắt đầu di chuyển đi. Lần này chiếc xe dừng trước siêu thị Co.op mart trên địa bàn P.7.
Người phụ nữ lớn tuổi, bà Phạm Thị Bích Loan (60 tuổi) khệ nệ xách những túi thực phẩm vừa mua được trong siêu thị ra bên ngoài chờ xe đến chở về. Bà Loan là tổ trưởng tổ 27, phó ban điều hành khu phố 4 (P.7) đang đi chợ giúp dân. Do hàng hóa mua nhiều nên cần sự hỗ trợ đưa những phần nhu yếu phẩm này về khu phố để bà đi phát cho người dân trên địa bàn. “Chị gọi điện nói em nó hỗ trợ chở hàng hóa về cho bà con khu phố, em nó đồng ý liền. Còn hỏi chị cần xe lớn hay nhỏ, xíu là mấy em nó đến, rất nhanh”, người phụ nữ lớn tuổi nói rồi cười tươi vì sớm được mang các phần nhu yếu phẩm về cho người dân trong khu phố.

Bác sĩ ơi! Lỡ tiếp xúc F0 Covid-19 thì phải làm sao? | Trò chuyện cùng chuyên gia trong đại dịch

Làm trên tinh thần tự nguyện

Anh Hoàng Khương Sinh vừa chở một cán bộ quân y đi giao thuốc cho bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà. Về tới "đại bản doanh", có được ít thời gian ngồi nghỉ ngơi,  anh chia sẻ công việc hằng ngày của mình là hỗ trợ đưa người dân đi cấp cứu, hỗ trợ bác sĩ quân y đi khám bệnh cho F0, tầm soát F0, hỗ trợ đưa thuốc.
Do công việc nên những người trong tổ như anh phải tạm xa nhà, ăn ở tập trung tại địa điểm do địa phương bố trí là một trường học trên đường Nguyễn Du. Trong quá trình làm việc, người của tổ phải thường xuyên test Covid-19 (3 ngày/lần) để đảm bảo sức khỏe, phục vụ công tác phòng chống dịch. “Tất cả công việc chúng tôi làm đều trên tinh thần tự nguyện, mong sớm hết dịch để trở lại cuộc sống bình thường”, anh Sinh người ướt sũng mồ hôi bộc bạch.
Nói về việc thành lập của tổ cấp cứu cộng đồng, ông Trần Hữu Cảnh, Phó chủ tịch UBND P.7, cho biết tổ hình thành trên nền tảng là “tổ xung kích P.7” có nhiệm vụ trực các chốt bị phong tỏa hẻm, các trường hợp F0 phức tạp. Trong cao điểm dịch bệnh, xe cấp cứu dành ưu tiên cho các F0 bị nặng nên những trường hợp người dân cần cấp cứu vào ban đêm, người già có bệnh nền rất khó khăn. Trước thực tế này, UBND P.7 đã họp đội xung kích phường thống nhất thành lập “tổ cấp cứu cộng đồng” hoàn toàn miễn phí cho người dân trên địa bàn phường, trên tinh thần tự nguyện để phục vụ hỗ trợ người dân 24/24.
Thành viên của tổ xung kích P.7 có 20 người, chia làm 2 tổ. Trong đó, tổ 1 là tổ cấp cứu cộng đồng gồm có 6 người đảm nhận nhiệm vụ trực xe cấp cứu 24/24 thay phiên nhau. Những thành viên còn lại (tổ 2, tổ xung kích) sẽ hỗ trợ chi viện khi tổ cấp cứu yêu cầu và cùng làm các nhiệm vụ hỗ trợ người dân phát quà, lương thực thực phẩm cũng như đi mua thuốc hỗ trợ người dân hoặc các F0 khi có đơn thuốc theo yêu cầu hỗ trợ.

Tổ cấp cứu cộng đồng P7 (Q.Gò Vấp) hoạt động trên tinh thần tự nguyện

TRẦN KHA

Tổ hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Trong quá trình làm việc các thành viên tổ phải luôn tuân thủ đúng quy định 5K của ngành y tế hướng dẫn.
“Trong thời gian này, đúng ra tổ cấp cứu cộng đồng sẽ có buổi lễ ra mắt nhưng do trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, không thể tập trung đông người nên chỉ thống nhất tuyên truyền nội dung, mục đích thành lập tổ là cấp cứu miễn phí, hỗ trợ người dân trên địa bàn. Không lấy tiền kể cả người có điều kiện và không có điều kiện, nếu người có điều kiện trên địa bàn có nhu cầu thì liên hệ MTTQ để được hỗ trợ về việc phòng chống dịch Covid-19”, ông Cảnh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.