TP.HCM từ 1.10, tiêm vắc xin, xét nghiệm, điều trị Covid-19 ra sao?

Duy Tính
Duy Tính
30/09/2021 10:41 GMT+7

Từ 18 giờ hôm nay, TP.HCM tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 , từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh...

Sáng 30.9, TP.HCM họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM. Tại buổi họp báo, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã công bố Chỉ thị tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, từ 18 giờ, ngày 30.9, TP.HCM tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh  và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Vì sao phụ nữ mang thai nên tiêm vắc xin ngừa Covid-19 | BÁC SĨ ƠI số 20

Trong nội dung của Chỉ thị này thì vấn đề phòng chống dịch Covid-19 liên quan đến y tế đượccó nhiều nội dung đáng chú ý. 

Tiêm vắc xin cho trẻ em khi có hướng dẫn của Bộ Y tế

Về công tác tiêm vắc xin Covid-19, TP.HCM đa dạng hóa nguồn vắc xin, huy động mọi nguồn lực để đạt bao phủ vắc xin toàn dân sớm nhất. Ưu tiên tiêm đủ liều cho lực lượng tuyến đầu, người có nguy cơ cao (có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai), lực lượng sản xuất. Triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em khi có hướng dẫn của Bộ Y tế và có nguồn vắc xin phù hợp.

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí về tiêm vắc xin cho trẻ em, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm, trong kế hoạch sau 30.9 TP.HCM, ngoài có hướng dẫn của Bộ Y tế, vấn đề ở chỗ là cần có nguồn vắc xin phù hợp. Về điều trị, ngành y tế cũng đã có lộ trình giảm dần bệnh viện dã chiến; các khu cách ly trường học; chuyển bệnh viện quận, huyện về điều trị bệnh không do Covid-19.

Về công tác xét nghiệm Covid-19 và xác định cấp độ dịch, TP.HCM thực hiện nghiêm chiến lược xét nghiệm của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế để chủ động phát hiện và tách nguồn lây nhiễm mạnh tại các khu vực nguy cơ cấp 3 và 4 và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Thực hiện xét nghiệm Covid-19 tầm soát tất cả các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ, xét nghiệm giám sát trọng điểm tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như: chợ đầu mối, bến xe và phương tiện vận chuyển, bệnh viện, trường học… Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức và người dân tự làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên định kỳ theo hướng dẫn của ngành y tế. Tiến hành đánh giá cấp độ dịch thường xuyên theo đơn vị hành chính với quy mô phù hợp và quyết định những biện pháp theo hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19” của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.

Miễn dịch Rubella có giúp ngăn virus gây Covid-19 không | BÁC SĨ ƠI số 20

Chăm sóc và quản lý F0 dựa vào cộng đồng

TP.HCM ban hành quy trình quản lý và xử lý khi phát hiện F0 trong cộng đồng trong khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các khu vực khác phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, vừa đảm bảo an toàn, vừa không làm gián đoạn các hoạt động.

Đảm bảo 100% các quận, huyện, TP.Thủ Đức có kế hoạch thiết lập Trạm Y tế lưu động và Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng. Đảm bảo 100% các Trạm Y tế có ô xy y tế và kịp thời cấp cứu cho người mắc Covid-19 đang cách ly tại nhà, đồng thời phát huy Tổ phản ứng nhanh Covid-19 tại địa phương trên tất cả địa bàn phường, xã, thị trấn. Có phương án thiết lập Trạm Y tế lưu động tại khu, cụm công nghiệp (kết hợp với bộ phận y tế tại cơ sở sản xuất, kinh doanh).

Huy động mọi nguồn lực tham gia công tác chăm sóc F0 tại nhà, bao gồm: các tổ chức thiện nguyện, các phòng khám và nhà thuốc tư nhân, các bác sĩ gia đình, nhân viên y tế đã nghỉ hưu... Tăng cường phối kết hợp đông - tây y trong chăm sóc, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý F0.

Phát huy hiệu quả mô hình 3 tầng

Tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình điều trị 3 tầng, hạn chế tối đa số bệnh nhân trở nặng, kéo giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất có thể. Nâng cao năng lực điều trị của hệ thống các bệnh viện, bao gồm cả các bệnh viện tư nhân, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch bệnh. Nghiên cứu thành lập “Khoa Covid” tại các bệnh viện chuyên khoa nhiễm và bệnh viện đa khoa.

Xây dựng hệ thống cảnh báo và xác định ngưỡng năng lực điều trị Covid-19. Có lộ trình phục hồi công năng của các bệnh viện đảm bảo thực hiện 2 chức năng trong tình hình mới, vừa sẵn sàng thu dung điều trị người mắc Covid-19, vừa đảm bảo chức năng khám, chữa bệnh thông thường.

Củng cố năng lực hệ thống y tế

Đặc biệt, trong Chỉ thị mới, TP.HCM củng cố và phục hồi hệ thống y tế. Cụ thể là củng cố và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất của hệ thống y tế, từ các bệnh viện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM đến các Trung tâm y tế quận, huyện, TP. Thủ Đức và Trạm Y tế phường, xã, thị trấn. Đề xuất các cơ chế, chính sách để thu hút mọi nguồn lực tham gia công tác phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Miễn dịch Rubella có giúp ngăn virus gây Covid-19 không | BÁC SĨ ƠI số 20

3 mục tiêu của Chỉ thị mới

  1. Tăng cường kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên toàn địa bàn TP.HCM; kéo giảm số ca nhập viện và số ca tử vong đến mức thấp nhất; ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; củng cố, phục hồi hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở.
  2. Từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thành phố an toàn, hiệu quả; quan tâm mở các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ; đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân Thành phố.
  3. Đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.