Chiều muộn, trong căn nhà nhỏ ở làng Phung, xã Biển Hồ, TP.Pleiku (Gia Lai), anh Y Ploi say sưa nắn từng thế tay non nớt cho những trẻ em nghèo đang học lớp guitar miễn phí. Nuôi trẻ bị bỏ rơi, dạy đàn cùng nhiều việc nhân nghĩa khác, anh đều xem là “bình thường”! Chỉ mới 35 tuổi nhưng anh Y Ploi ở làng Bông Frăo (xã An Phú, TP.Pleiku) đã viết nên nhiều câu chuyện đẹp từ buôn làng, từ đồng đất quê hương mình.
Chuyện những đứa con nuôi
Số là năm 2002, khi Y Ploi đang làm việc tại một khu du lịch sinh thái ở xã An Phú, vào một buổi sáng mùa mưa ẩm ướt, từ làng Bông Frăo, Y Ploi điều khiển xe máy trên QL19 hướng đến chỗ làm thì nghe tiếng trẻ con khóc trong bụi cây ven đường. Tiếng khóc mỗi lúc một to. Ploi dừng xe, bước vào bụi cây, thấy một bé gái đỏ hỏn quấn trong khăn, kiến bắt đầu bu bám. Chàng trai trẻ hoảng hốt bế đứa trẻ lên phủi bụi, hô hoán rồi cùng một số người dân đưa bé gái đến cơ quan chức năng trình báo.
Vì chưa tìm được người thân và nghĩ mình có duyên với bé, Ploi nhận về nuôi. Sau phút ban đầu ái ngại bởi gia đình nghèo khó lại đông người, bố mẹ đồng ý cho Ploi nhận nuôi đứa bé này. Bé H’Thiên sống với gia đình bố nuôi đến năm thứ 10 thì có người ở Quảng Ngãi tìm đến xin nhận lại. “Họ kể lại đúng vị trí, màu khăn quấn bé khi đó, rồi cùng mình lên cơ quan chức năng làm thủ tục xin nhận lại đứa con đã bị người mẹ trẻ lên đây làm thuê kiếm sống bỏ rơi lúc nông nổi. Tôi cho họ nhận cháu về”, anh Ploi nhớ lại.
Ít năm sau, Ploi nhận nuôi thêm một bé gái bị thất lạc gia đình. Một buổi sáng, nhân viên khu du lịch sinh thái ở xã An Phú phát hiện một bé gái chừng 4 - 5 tuổi ngồi khóc trong bụi cây liền báo cơ quan chức năng. Ploi nhận đưa cháu về nuôi trong lúc cơ quan chức năng phát thông báo tìm cha mẹ. Được một thời gian thì có một gia đình ở H.Krông Pa (Gia Lai) lên nhận con ruột bị thất lạc và xin về.
|
Đứa con thứ ba mà Ploi nhận nuôi là ở H.Chư Pưh (Gia Lai). Bố mẹ mất sớm vì bệnh tật, bé gái này sống với ông bà ngoại có hoàn cảnh túng thiếu. Ploi xin bé về nuôi trong một lần đến biểu diễn văn nghệ ở đây. Một năm sau, ông bà ngoại vì thương nhớ nên lên xin lại, đưa về nuôi dưỡng.
Đứa con nuôi thứ tư là một câu chuyện cảm động về tình thầy trò. Cách đây 5 năm, Ploi tham gia dạy đàn tại một trường cao đẳng ở TP.Pleiku. Trong thời gian dạy tại đây, người thầy dạy nhạc thấy một nữ sinh có nhiều biểu hiện khác thường. Lân la làm quen mới biết nữ sinh quê Krông Pa đang mang thai vì cặp bồ với người có nhiều tiền rồi bị bỏ rơi. Nữ sinh ấy đang phân vân giữa chuyện phá thai hay nuôi con.
“Mình muốn có con mà không được, nghe chuyện bỏ thai thấy nhói lòng nên khuyên em ấy giữ lại và nhận nuôi từ lúc đó. Nhận nuôi bé này vui lắm. Hồi đó, mẹ bé mang bầu ở phòng trọ riêng, mình chu cấp tiền bạc nuôi con. Mình đang đi dạy, nghe mẹ bé gọi điện bảo thèm ăn này nọ là lao đi mua đồ ngay. Mua xong quay lại dạy. Vào hôm đi làm nhạc đám cưới ở huyện xa thì nhờ người thân mang đến cho em ấy. Đến lúc sinh, mình đưa vào bệnh viện. Sinh xong ít ngày thì mẹ cháu nức nở bảo thầy nuôi con giúp rồi đi mất tích. Đứa thứ tư, mình đặt tên Quyên”, anh Ploi kể.
Cô con gái nuôi thứ tư của Ploi đang được một tu viện nhận nuôi lại. 2 năm nay, gia đình Y Ploi gặp nhiều biến cố khiến cuộc sống chồng chất khó khăn. Vì nhiều lẽ khác nhau nên Ploi không còn dạy ở các trường học; tạm dừng việc làm dàn nhạc phục vụ đám cưới mà chỉ mở các lớp dạy đàn có thu phí và miễn phí. Mẹ của Ploi đang trị bệnh ung thư, bố già yếu, 7 đứa em còn nhỏ đang ăn học.
Anh Ploi chia sẻ: “Mình thấy họ khó khăn, khốn cùng thì giúp thôi, không nghĩ gì cả. Mình giúp họ, họ giúp mình, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Mới đây, mình được thưởng 20 triệu đồng khi tham gia thi hát trong một chương trình ở Sài Gòn, nhưng cũng làm từ thiện hết à”.
Ông Y Nới, Trưởng thôn Bông Frăo, cho biết: “Dù gia cảnh khó khăn cộng với việc người mẹ già bị đau ốm nhưng trước đây, anh Ploi có nhận con nuôi và dạy đàn miễn phí cho trẻ con ở làng. Dân làng mình ai cũng biết việc này. Họ còn cho gạo phụ giúp anh ấy nuôi con. Con trai tôi cũng được anh ấy dạy đàn miễn phí lúc nhỏ đấy”.
|
Lớp dạy đàn miễn phí
Chúng tôi tìm đến làng Phung (xã Biển Hồ, TP.Pleiku) khi trời đã tối hẳn. Chạy xe máy trên con đường làng vắng, bỗng thấy ngập ngụa trong nỗi buồn tẻ. Nếu không có tiếng đàn guitar vang vọng từ một ngôi nhà khiến chúng tôi tò mò tìm kiếm, chúng tôi đã quay xe rời làng. Trong gian chính của ngôi nhà xây khang trang này, có một người đàn ông và khoảng 20 đứa trẻ say sưa gảy đàn guitar. Lâu lâu, người đàn ông đến chỉnh tay hướng dẫn đám trẻ bấm từng phím đàn. Hỏi ra mới biết đây là lớp dạy đàn miễn phí của anh Y Ploi.
Để đám trẻ tự học, anh Ploi kể: “Đây là lớp dạy đàn miễn phí đầu tiên của mình ở làng Phung này. Lớp mở hơn 2 tháng và có 22 cháu người Jrai theo học. Đứa nhỏ 9 tuổi, đứa lớn 15 tuổi. Chúng nó đang theo học ở các trường trong xã này. Mình dạy các cháu thanh nhạc và chơi nhạc cụ: đàn guitar, đàn organ, trống cajon. Mình mở lớp với mong muốn các cháu biết chơi các loại nhạc cụ, học thanh nhạc để sau này tự tin hơn khi giao tiếp và cũng mở một hướng đi với cháu nào muốn dấn thân vào hoạt động nghệ thuật”.
Ông Phom, người cho anh Ploi mượn nhà để dạy đàn, tiếp lời: “Thầy Ploi quen biết và dạy đàn guitar cho đứa con gái lớn của tôi đang học đại học ở Sài Gòn. Mới đây, biết thầy muốn mở một lớp dạy nhạc miễn phí cho trẻ em trong làng, tôi nói thầy về nhà tôi mà dạy. Tôi cũng muốn đóng góp chút chút để giúp các cháu. Con gái thứ hai của tôi cũng đang được thầy dạy đánh đàn. Buổi tối, các cháu về học đàn, nhà tôi rộn ràng, vui vẻ hơn”.
Chuyện về Y Ploi tự học đánh đàn guitar cũng là câu chuyện thú vị. Anh học hát, đàn khi đang là học sinh tại một ngôi trường ở xã An Phú. Nhờ năng khiếu thiên bẩm, anh tham gia biểu diễn nhiều nơi ở Gia Lai và các tỉnh khác. Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, trong một lần tình cờ, anh gặp nhạc sĩ Nguyễn Cường và cùng ông đi biểu diễn trong cả nước. Sau một thời gian, với ước muốn trở thành một thầy giáo dạy nhạc, Y Ploi thi đỗ vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Nhận tấm bằng tốt nghiệp, Y Ploi về Gia Lai làm việc và dạy ở một số trường trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, anh còn mở thêm các lớp dạy nhạc cụ, trong đó có nhiều lớp dạy miễn phí.
“Mình bắt đầu dạy miễn phí từ năm 2002 ấy. Học sinh chủ yếu là trẻ em nghèo. Trước đây, các lớp dạy miễn phí chủ yếu ở làng Bông Frăo. Sau đó mình đi dạy miễn phí tại các làng khác ở xã An Phú, Diên Phú, Biển Hồ, TP.Pleiku. Học sinh của mình nhiều lắm nhớ không hết. Có nhiều em đang sống bằng nghề đánh đàn ở các quán nhậu, quán cà phê ở Gia Lai... Mình có 4 đứa con nuôi nhưng chúng ở với mình không được lâu. Có lẽ do phận vậy. Sống trong đời sống phải có tấm lòng. Đấy cũng là cách mình đang sống”, anh Ploi nói.
Ploi nghĩ đơn giản là vậy. Song đó là cả một trái tim nồng ở Bông Frăo!
Bình luận (0)