Trẻ mồ côi mẹ, ai được quyền nuôi?

Ngọc Lê
Ngọc Lê
06/04/2020 15:07 GMT+7

Mới đây, sau khi một nữ diễn viên qua đời, để lại con gái 7 tuổi, đã dấy lên những tranh luận xung quanh việc ông bà ngoại hay cha ruột là người được quyền nuôi cháu bé. Dưới góc độ pháp lý, trẻ mồ côi mẹ, ai được quyền nuôi ?

Các chuyên gia pháp luật cho rằng xếp theo thứ tự ưu tiên, với trẻ mồ côi mẹ, thì cha ruột sẽ được ưu tiên nuôi dưỡng con.

Phải chứng minh mình là cha ruột

Dưới góc độ pháp lý, các chuyên gia cho rằng xếp theo thứ tự ưu tiên, quyền nuôi dưỡng cháu bé thuộc về cha (mẹ) ruột.
Theo luật sư (LS) Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM), Điều 15 Luật hôn nhân và gia đình 2014, quyền nuôi con được thực hiện theo nguyên tắc cha và mẹ đứa trẻ thỏa thuận người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi, căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
"Trong trường hợp này, người mẹ đã mất thì quyền nuôi con sẽ thuộc về người cha ruột. Việc xác định cha ruột của cháu bé sẽ căn cứ vào giấy tờ hộ tịch", LS Trang nói.
LS Trang nói thêm, nếu người cha chưa được xác định là cha ruột của cháu bé trên giấy tờ thì để được quyền nuôi con người cha phải khởi kiện yêu cầu Tòa án TP.HCM giải quyết xác định mình là cha ruột. Từ đó tòa án có thẩm quyền sẽ xem xét, đánh giá chứng cứ để xác định quan hệ cha con. Người có quyền nuôi con được Tòa án quyết định trên cơ sở căn cứ theo thứ tự hàng ưu tiên nuôi dưỡng được luật định, quyền nuôi dưỡng cháu bé của ông bà xếp ở hàng thứ ba.

Toà sẽ hỏi ý kiến của trẻ 

Đối với quyền nuôi dưỡng con cái sau khi mẹ mất, LS Nguyễn Tư Lượng (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết, theo quy định tại điều 69 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ, cha mẹ phải thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con.
LS Lượng nói: "Điều 71 Luật hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định về nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng đó là cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình".
Như vậy, LS Lượng khẳng định, theo quy định của pháp luật thì việc chăm sóc và nuôi dưỡng con cái vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của cha mẹ. Trong trường hợp người mẹ mất thì nếu người cha không thuộc vào các trường hợp bị hạn chế quyền với con chưa thành niên theo quy định tại điều 85 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì sẽ được quyền nuôi con. Cụ thể, không bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con...
Trong trường hợp có tranh chấp, ông bà ngoại cũng muốn chăm nuôi đứa bé thì LS Trang cho biết, toà án sẽ xét nguyện vọng của đứa bé muốn ở với cha hay ông bà ngoại khi con từ đủ 7 tuổi trở lên. Ngoài ra, tòa còn xét trên quyền lợi về mọi mặt của con, thấy việc giao cho cha có lợi cho sự phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần của đứa trẻ thì cha được quyền trực tiếp nuôi con.

Khi nào ông bà được quyền nuôi dưỡng cháu?

Đồng quan điểm với hai LS trên, LS Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, nêu ý kiến Việt Nam là một trong những quốc gia sớm quan tâm đến việc bảo vệ quyền trẻ em, là nước đầu tiên của Châu Á và là nước thứ hai thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em. Theo quy định tại Mục 1, Chương 2, Luật Trẻ em, trẻ em có 25 quyền. Đáng chú ý,  theo điều 22, trẻ em có quyền được sống chung với cha, mẹ; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Theo LS Nữ, sau khi người mẹ mất thì người cha ruột là người có quyền và nghĩa vụ đương nhiên đối với việc chăm sóc, nuôi dưỡng con của mình. Quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc của ông bà chỉ phát sinh khi cha và mẹ đều đã qua đời và không có anh chị em có thể nuôi dưỡng.
LS Nữ nói thêm, đối với quyền nghĩa vụ của ông bà và cháu thì theo điều 104 của Luật hôn nhân và gia đình thì ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại mới có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu. Như vậy, ông bà ngoại có quyền nuôi dưỡng trẻ mồ côi mẹ, nhưng phải theo thứ tự ưu tiên mà pháp luật đã quy định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.