Triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử không được làm lộ bí mật người dân

Duy Tính
Duy Tính
17/06/2019 20:52 GMT+7

Thông tin về sức khỏe người dân là thông tin bảo mật của từng người, muốn khai thác thì phải được sự đồng ý của người dân, trừ trường hợp theo luật quy định.

Ngày 17.6, Bộ Y tế phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức hội thảo đẩy mạnh triển khai hồ sơ sức khỏe (HSSK) điện tử trên toàn quốc.

Triển khai toàn quốc vào tháng 7

Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục công nghệ thông tin (CNTT - Bộ Y tế) cho biết, hiện đã có 31 tỉnh triển khai HSSK điện tử. Hiện có 7 phần mềm nhưng phần lớn phần mềm chưa đạt chuẩn đầu ra chung. Riêng Cục CNTT cũng đã triển khai thí điểm thành công tại Nghệ An và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hồ sơ sức khỏe điện tử phải liên thông từ trạm y tế phường xã đến các bệnh viện và cơ quan quản lý. ẢNH: DUY TÍNH
“Hiện nay, Cục CNTT đề xuất thành lập hội đồng của Bộ để thẩm định phần mềm HSSK điện tử do Cục CNTT xây dựng trước khi chuyển giao Trung tâm ứng dựng CNTT y tế (thuộc Cục CNTT) để triển khai theo đề nghị của các địa phương và bắt đầu triển khai rộng rãi từ tháng 7 tới”, ông Tường cho hay.
Theo ông Tường, bước đầu giao cho trạm y tế phường xã phường quản lý HSSK điện tử. Nếu người dân đến trạm y tế khám chữa bệnh thì khi kết thúc, trạm phải cập nhật thông tin vào HSSK điện tử. Nếu người dân đi khám chữa bệnh ở bệnh viện, khi kết thúc thì bệnh viện phải phải cập nhật thông tin người bệnh vào HSSK điện tử.
Theo đó, mỗi người dân có một mã định danh y tế (ICD) dựa trên số bảo hiểm xã hội với 10 số. Trong tháng 9, Bộ Y tế sẽ xây dựng xong mã định danh này. 
Ông Tường cho biết thêm, việc triển khai HSSK điện tử là vấn đề lớn. Bộ Y tế phấn đấu đến năm 2025 có 90% dân số được quản lý HSSK điện tử; đến năm 2030 đạt 95%. Do vậy, từ giai đoạn 2017 - 2018 và tháng 6.2019 là thời điểm xây dựng cơ chế chính sách, phần mềm và từ tháng 7.2019, triển khai rộng rãi trên toàn quốc.

Cần bảo mật thông tin bệnh nhân

Trả lời PV Thanh Niên về việc lộ HSSK điện tử của người dân thì trách nhiệm này của ai? Ông Tường cho rằng, nếu đơn vị nào quyết định đầu tư, xây dựng thì phải chịu trách nhiệm. Các địa phương giao cho giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm quản lý.
“Hiện nay có tình trạng các Sở Y tế kết hợp các doanh nghiệp thực hiện, do Sở Y tế không có tiền, không có máy chủ nên máy chủ đặt tại các doanh nghiệp. Do vậy phải xây dựng quy chế phối hợp, làm hợp đồng quản lý, DN chỉ có trách nhiệm xây dựng, triển khai còn thai thác và xử lý dữ liệu đó phải thuộc Sở Y tế. Còn nếu lọt thông tin thì doanh nghiệp quản lý máy chủ phải chịu trách nhiệm. Hiện hầu hết các Sở Y tế chưa có thỏa thuận và quy chế phối hợp an toàn thông tin cho người dân”, ông Tường nói.
Cũng theo ông Tường, hiện nay lãnh đạo các Sở Y tế, cán bộ ở các sở chưa thật sự quan tâm đến tầm quan trọng của an ninh bảo mật thông tin của bệnh nhân. Các Sở Y tế rất nhiệt tình, nhiệt huyết trong việc ứng dụng CNTT nhưng cần quan tâm đến luật An toàn thông tin. Bởi vì thông tin về sức khỏe người dân là thông tin bảo mật của từng người, muốn khai thác thì phải được sự đồng ý của người dân, trừ trường hợp theo luật quy định, cũng như bác sĩ cũng chỉ được khai thác khi bệnh nhân vào BV.
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi thì còn nhiều khó khăn, ngành y tế còn lúng túng do chưa có kinh nghiệm, cơ chế chính sách chưa đồng bộ nên đang xây dựng mã định danh y tế, chuẩn kết nối liên thông giữa các phần mềm, xây dựng cơ chế tài chính, xây dựng quy chế, quy định cập nhật HSSK điện tử, quản lý HSSK điện tử, quy định về an toàn thông tin. Ngoài ra, hiện nay việc tiếp cận các phần mềm đạt chuẩn của các doanh nghiệp cũng còn hạn chế.

Phải đảm bảo hoạt động trơn tru

Tại hội thảo, PGS - TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết ngành y tế VN đang xây dựng một nền y tế thông minh dựa trên căn bản là trí tuệ thông mình và Internet vạn vật. Để xây dựng ngành y tế thông minh cần có hệ thống quản trị y tế thông minh, hệ thống các bệnh viện thông minh và quản lý HSSK thông minh. Hiện nay ngành y tế VN đang xây dựng những bước cơ bản quản lý sức khỏe điện tử cho toàn bộ người dân. Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức.
Do vậy, có những vấn đề cần thảo luận. Đầu tiên là xây dựng HSSK điện tử có chuẩn đầu ra, có thể kết nối liên thông với các hệ thống khác về y tế để có thể sử dụng dữ liệu chứ không phải phần mềm quản lý sức khỏe riêng, phần mềm quản lý bảo hiểm y tế riêng, tiêm chủng mở rộng riêng… đó là hoàn toàn không đúng mục tiêu và chủ trương của Chính phủ và Bộ Y tế.
Thứ 2 là hệ thống liên thông dọc giữa trạm y tế phường xã, bệnh viện quận huyện, tỉnh đến Sở Y tế, Bộ Y tế và khi nào làm được? Nếu làm tốt thì sẽ quản lý được rất nhiều vấn đề. Khi người bệnh đến bệnh viện huyện, tỉnh, T.Ư trở về nhà thì hồ sơ sẽ được trả về như thế nào để bổ túc HSSK điện tử chứ không phải mang hồ sơ bằng giấy về để trạm y tế bổ sung, như vậy không mang tính thông minh được. Phải đảm bảo hoạt động trơn tru, tránh tắc nghẽn.
Do vậy, cần lựa chọn phần phềm với tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp. Xây dựng kế hoạch triển khai quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử ở địa phương; bố trí các nguồn lực để triển khai; phối hợp giữa cục CNTT với các doanh nghiệp, địa phương đạt hiệu quả cao.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.