Trình Quốc hội chuyển 3 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công

Lê Hiệp
Lê Hiệp
02/06/2020 07:02 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội điều chỉnh hình thức đầu tư 3 dự án của cao tốc Bắc - Nam phía đông sang đầu tư công, thay vì cả 8 dự án như đề xuất ban đầu của Chính phủ.

3 phương án

Trình bày tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 1.6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ trình UBTVQH 3 phương án về việc lựa chọn chuyển đổi 8 dự án cao tốc Bắc - Nam sang hình thức đầu tư công.
Theo đó, phương án 1 là chuyển đổi toàn bộ 8 dự án như đã trình tại phiên họp UBTVQH tại phiên họp trước. Phương án 2 là chỉ chuyển đổi 5/8 dự án sang đầu tư công, gồm 4 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu và Phan Thiết - Dầu Giây) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết).
Phương án 3, theo ông Thể, chỉ chuyển đổi 3/8 dự án, gồm 2 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây) và 1 dự án không có nhà đầu tư (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết). Với phương án này, tổng mức đầu tư khoảng 100.816 tỉ đồng; trong đó vốn ngân sách nhà nước khoảng 78.461 tỉ đồng (đã bố trí kế hoạch 2016 - 2020 là 55.000 tỉ đồng, cần bổ sung thêm 23.461 tỉ đồng).
Thẩm tra đề nghị của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết ủy ban này không đồng tình phương án 1 và 2 vì trái các nguyên tắc mà UBTVQH đã kết luận tại phiên họp trước.
Đối với phương án 3, ông Thanh cho hay, đa số ý kiến đồng ý với phương án này, song các ý kiến không nhất trí với việc lựa chọn dự án là dự án Mai Sơn - QL45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây mà Chính phủ trình ra vì cho rằng đây là 2 dự án có tiềm năng, khả thi nhất để thực hiện theo hình thức đối tác công tư. Bên cạnh đó, nếu 2 dự án này được lựa chọn chuyển đổi, tổng vốn ngân sách nhà nước cần bổ sung sẽ rất lớn (23.462 tỉ đồng).

Bộ Chính trị đồng ý chuyển một số dự án

Thảo luận sau đó, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay vấn đề này đã được xin ý kiến Bộ Chính trị. Theo đó, Bộ Chính trị kết luận không chuyển hết cả 8 dự án sang đầu tư công mà chỉ xem xét chuyển một số dự án trong số này.

Đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020

Tại phiên họp, UBTVQH cũng xem xét dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ mà Chính phủ trình. Theo đó, Chính phủ đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Sau thảo luận, UBTVQH đồng ý trình QH xem xét quyết định nội dung trên tại đợt họp trực tiếp của QH tới đây. 
“Bộ Chính trị giao Ban Cán sự Đảng và Đảng đoàn QH bàn bạc thống nhất lựa chọn dự án chứ không chỉ rõ đoạn nào”, bà Ngân cho biết và đề nghị hai bên thống nhất rồi làm chứ không phải báo lại Bộ Chính trị. Về việc lựa chọn dự án, bà Ngân đồng tình với phương án mà Chính phủ chọn, dù ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế là rất có trách nhiệm.
Bà Ngân giải thích theo phương án Chính phủ trình, ngoài đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết không có nhà đầu tư thì 2 đoạn Mai Sơn - QL45 và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây là 2 đoạn nối vào Hà Nội và TP.HCM, lưu lượng xe rất lớn, rất hấp dẫn các nhà đầu tư. Song, tại 2 dự án này, số vốn nhà nước tham gia ít, vốn đối tác đầu tư nhiều nên sợ khó khăn trong nguồn vốn để thi công. Do đó, việc lựa chọn 2 đoạn dự án này theo bà Ngân là phù hợp.
Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết UBTVQH thống nhất phương án lựa chọn đoạn dự án chuyển đổi mà Chính phủ trình vì cho rằng Chính phủ đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Từ đó, UBTVQH đề nghị Chính phủ hoàn thiện tờ trình theo hướng lựa chọn phương án 3 để trình QH xem xét thông qua tại đợt 2 của kỳ họp 9 bắt đầu từ 8.6 tới.

Hà Nội xin giữ tiền cổ phần hóa doanh nghiệp làm đường sắt đô thị

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP.Hà Nội. Theo đó, Chính phủ đề nghị bổ sung 3 chính sách đặc thù cho Hà Nội (ngoài 6 chính sách đã trình trước đó), gồm: HĐND TP.Hà Nội quyết định một số khoản thu phí (ban hành danh mục, tăng mức); ngân sách TP.Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất; ngân sách TP.Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp của TP.
Thông tin tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, nếu tính tổng tài sản cổ phần hóa doanh nghiệp thì Hà Nội còn khoảng 25.000 tỉ đồng theo giá trị vốn, nếu được QH đồng ý thì sẽ dùng để đầu tư 2 dự án đường sắt đô thị với tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỉ đồng. UBTVQH thống nhất trình QH quyết định thông qua theo quy trình 1 kỳ họp tại đợt 2 kỳ họp 9 sắp tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.