Trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

02/04/2021 07:21 GMT+7

Sáng 2.4, theo chương trình kỳ họp 11 Quốc hội khóa 14, sau khi bỏ phiếu miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc , Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội việc miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng .

Sau đó, các đoàn đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại đoàn về vấn đề này. Quốc hội sẽ bỏ phiếu kín quyết định việc miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong chiều nay, 2.4.

Quốc hội biểu quyết miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944, năm nay 77 tuổi và là Ủy viên T.Ư từ khóa VII (1.1994), Ủy viên Bộ Chính trị từ khóa VIII (1999) tới nay.
Ông Nguyễn Phú Trọng tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), sau đó làm việc tại Tạp chí Cộng sản và giữ chức Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản
Tháng 1.1994, sau khi vào T.Ư, ông Nguyễn Phú Trọng kinh qua nhiều vị trí công tác khác nhau: Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, Phụ trách công tác tư tưởng, văn hóa và khoa giáo của Đảng, tham gia Thường trực Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Bí thư Thành ủy Hà Nội (từ năm 2000).
Vào tháng 6.2006, ông được bầu làm Chủ tịch Quốc hội cho tới 7.2011. Từ tháng 1.2011, tại Đại hội XI của Đảng, ông được bầu làm Tổng bí thư và tái đắc cử chức vụ này trong khóa XII (2016).
Tại Đại hội XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong 2 trường hợp "đặc biệt" Bộ Chính trị tái cử T.Ư khóa XIII. Sau đó, ông tiếp tục được bầu làm Tổng bí thư khóa thứ 3.

Quốc hội biểu quyết miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước vào tháng 10.2018 sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời.
Khi được T.Ư giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng chia sẻ, thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là Chủ tịch nước vừa là Chủ tịch Đảng. Tuy nhiên, việc ông được T.Ư giới thiệu Tổng bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước thì "không phải vì nhất thể hóa mà đây là tình huống".
Trong báo cáo nhiệm kỳ gửi tới Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá, nhiệm kỳ Chủ tịch nước vừa qua là nhiệm kỳ đặc biệt khi có sự thay đổi về nhân sự.
Báo cáo trước Quốc hội về công tác nhiệm kỳ mới đây, ông Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết, do cùng lúc giữ nhiều trọng trách vừa là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư và là đại biểu Quốc hội khóa 14 nên “cũng ảnh hưởng tới công tác Chủ tịch nước”.
Ông cũng cho biết, mặc dù có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước và đặc biệt từ cuối năm 2018, với trọng trách Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, trong mọi thời điểm, Chủ tịch nước đều nỗ lực thực hiện đầy đủ và có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn.
Trong công tác và sinh hoạt, ông  luôn phấn đấu thể hiện trách nhiệm, gương mẫu, giản dị, gần dân, trọng dân, toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, khẳng định vị thế của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
“Trong thời gian sức khỏe không được tốt cũng có phương cách làm sao hoạt động Chủ tịch nước không bị gián đoạn bằng cách phân quyền cho Phó chủ tịch, ủy quyền cho các cơ quan có thẩm quyền, phối hợp cơ quan liên quan để không bị ngừng trệ công việc.
Kể cả lúc công việc dồn dập, khó khăn như Covid-19 hay lũ lụt miền Trung, nhiều vấn đề mới đặt ra. Đặc biệt, thời kỳ chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, không biết bao nhiêu công việc, từ văn kiện, nhân sự, cách tổ chức thế nào. Rất may mọi việc trôi chảy", Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.