Từ câu chuyện YouTuber Thơ Nguyễn: Luật quy định thế nào về việc sử dụng mạng xã hội ?

12/03/2021 16:27 GMT+7

Từ câu chuyện YouTuber Thơ Nguyễn mới đây, các chuyên gia pháp lý cho rằng người dùng mạng xã hội cần xem xét kỹ càng, có trách nhiệm khi đăng tải thông tin lên mạng xã hội để tránh bị xử lý theo quy định pháp luật.

Sau sự việc YouTuber Thơ Nguyễn đăng tải video cho búp bê uống nước ngọt 'xin vía học giỏi' bị dư luận chỉ trích, chuyên gia pháp lý cho rằng người dùng mạng xã hội cần xem xét kỹ càng, có trách nhiệm trước khi đăng tải thông tin lên mạng xã hội để tránh bị xử lý theo quy định pháp luật.

YouTuber Thơ Nguyễn "cảm thấy suy sụp" sau vụ xin vía búp bê

Có thể bị xử phạt hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thục (thuộc Đoàn LS TP.HCM), kênh TikTok của Thơ Nguyễn hiện nay có hơn 940.000 lượt người theo dõi, đa số là trẻ nhỏ. Việc Thơ Nguyễn đăng tải video cho búp bê uống nước ngọt 'xin vía học giỏi', có thể làm cho các em làm theo và từ đó sẽ hình thành nên thói quen xấu, thiếu lành mạnh. Do đó, “Hành vi của YouTuber Thơ Nguyễn có dấu hiệu vi phạm truyền bá mê tín dị đoan trên mạng xã hội”, LS Thục nhận định và cho biết thêm tùy vào mức độ, tính chất của hành vi vi phạm mà người phạm tội có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về mặt xử phạt hành chính, LS Thục cho biết, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi lợi dụng mạng xã hội để “cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc” sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng (đối với cá nhân) và phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng (đối với tổ chức). Đồng thời buộc phải “gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật” theo khoản 3 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

YouTuber Thơ Nguyễn nộp thuế bao nhiêu trước lùm xùm xin vía búp bê?

Về xử lý hình sự, theo LS Bùi Quốc Tuấn (thuộc Đoàn LS TP.HCM), điều 320 bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội “hành nghề mê tín, dị đoan”, thì người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Đối với “trường hợp làm chết người; thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng”, LS Tuấn cho biết.

Pháp luật Việt Nam quy định thế nào về sử dụng mạng xã hội ?

Trao đổi với Thanh Niên về quy định của pháp luật Việt Nam trong việc sử dụng mạng xã hội, LS Hà Hải (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết, khái niệm mạng xã hội theo khoản 22, Điều 3 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng quy định mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.
Và khoản 1, Điều 26 luật Viễn thông năm 2009; Điều 10, Điều 26 Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định về một số quyền và nghĩa vụ của người sử dụng mạng xã hội. Trong đó, người sử dụng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin truyền, đưa, lưu trữ trên mạng viễn thông; Tuân thủ quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội; Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập, … 
Do đó, trong trường hợp tổ chức hoặc người dùng vi phạm thì bị xử lý, chế tài, như sau: Căn cứ Điều 101 Nghị định 10/2020/NĐ-CP, nếu người sử dụng dịch vụ mạng xã hội có các vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Ngoài ra, phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 điều này.
Liên quan đến câu chuyện YouTuber Thơ Nguyễn bị Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin - Truyền đang phối hợp với Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an mời làm việc về dấu hiệu vi phạm truyền bá mê tín dị đoan, LS Thục nhận xét đang có nhiều cá nhân lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin để đăng tải những thông tin xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm trục lợi mục đích cá nhân và gây hoang mang dư luận xã hội. Để ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi trên, pháp luật Việt Nam cũng đã áp dụng luật An ninh mạng 2018 có hiệu lực từ ngày 1.1.2019.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.