Tướng Phan Anh Minh: Công trình trọng điểm quốc gia cũng dùng cát của 'cát tặc'

Trung Hiếu
Trung Hiếu
23/04/2019 11:04 GMT+7

Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết hầu hết các công trình, kể cả công trình sử dụng ngân sách, công trình công ích rất quan trọng về phát triển kinh tế và an ninh quốc gia, đều sử dụng cát khai thác trái phép.

Sáng 23.4, tại Cần Giờ, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị trao đổi thông qua đề án phòng, chống tình trạng khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, vùng giáp ranh giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân dự và chỉ đạo hội nghị.

"Chúng ta đã lười biếng không đi xác minh đầy đủ về nơi tiêu thụ, về chủ phương tiện..."

Tại hội nghị, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho hay hội nghị cần đi thẳng vào những vấn đề, đó là những yếu kém, thiếu sót của lực lượng công vụ, để từ đó khắc phục, có những biện pháp cứng rắn ngăn chặn nạn khai thác cát khái phép.

“Bởi vì tôi khá bi quan là không một sớm một chiều sửa được các quy định, mà còn dự phòng việc sửa sẽ khó vì công tác lập pháp ngày càng hướng tới sự dân chủ”, thiếu tướng Minh nói.

Hầu hết phương tiện vi phạm bị Công an TP.HCM bắt giữ có trọng tải trên 1.000 tấn là từ các vùng biển phía bắc, đối tượng vi phạm hầu hết cư ngụ ở phía bắc

Thiếu tướng Phan Anh Minh

Thiếu tướng Phan Anh Minh cũng chỉ ra một số thiếu sót trong xử lý vi phạm khai thác cát trái phép.

Thứ nhất là xử phạt sai đối tượng. Bởi theo thiếu tướng Minh, thống kê năm vừa rồi của Công an TP.HCM thì hầu hết phương tiện vi phạm bị bắt giữ có trọng tải trên 1.000 tấn là từ các vùng biển phía bắc, đối tượng vi phạm hầu hết cư ngụ ở phía bắc, thậm chí là các tàu này thế chấp ngân hàng cũng từ phía bắc, rồi mới đến các sông nước ở miền Tây.

“Chúng ta đã lười biếng không đi xác minh đầy đủ về nơi tiêu thụ, về chủ phương tiện, mà chỉ phụ thuộc vào bắt quả tang nên chỉ xử phạt cá nhân là người điều khiển phương tiện”, thiếu tướng Phan Anh Minh nói.

Tiếp nữa, cơ quan chính quyền đã không vạch trần sự đối phó của doanh nghiệp khai thác cát trái phép. Đó là việc doanh nghiệp khai thác lách bằng cách ký hợp đồng, cho thuê phương tiện cho cá nhân, để khi xảy ra chuyện, thì đổ trách nhiệm cho cá nhân mà không phạt pháp nhân.

Khai thác cát trái phép ở biển Cần Giờ Công Nguyên

"Xử lý tình trạng khai thác cát trái phép cần phải coi lại lực lượng công an"

Sai sót thứ hai rất phổ biến, theo thiếu tướng Phan Anh Minh, là việc xử phạt không đúng hành vi vi phạm. Thể hiện nhiều nhất là chỉ xử phạt một lần trên số lượng cát thu được mà không điều tra, xác minh những hành vi vi phạm trước đó, bán bao nhiêu cát trái phép và không có nguồn gốc...

Điểm lưu ý mà thiếu tướng Phan Anh Minh nêu, là hiện cơ quan công an rất kiên quyết xử phạt hành vi khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, hầu hết các công trình kể cả công trình sử dụng vốn ngân sách, công trình công ích rất quan trọng về phát triển kinh tế và an ninh quốc gia đều sử dụng cát khai thác trái phép.

“Nếu mà chúng ta làm cho thẳng thừng thì các công trình này sẽ đình trệ, thậm chí cả các công trình trọng điểm quốc gia như công trình giao thông, đường cao tốc… Nếu làm quyết liệt thì thậm chí công trình lấn biển của Cần Giờ cũng không có hạt cát nào để san lấp, thực hiện công trình”, thiếu tướng Phan Anh Minh nhấn mạnh.

Thiếu tướng Phan Anh Minh thừa nhận trong việc bắt giữ, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép cần phải coi lại lực lượng công an. Điển hình như một vụ xử lý cát trái phép vừa rồi ở TP.HCM có sự tiêu cực 100% của công an, và bản thân tướng Minh xử lý đưa 2 công an vi phạm phải thôi việc hoặc không phân công công việc.

Thiếu tướng Phan Anh Minh đã yêu cầu Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP.HCM) không được phân công công việc đối với cán bộ ở một địa phương, vì tình đồng hương đã  không thực hiện quy định, chỉ đạo của cấp trên mà không loại trừ trong đó có tiêu cực.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân (ngoài cùng bên trái) trò chuyện với các đại biểu tham dự hội nghị Trung Hiếu

Cần điều chỉnh quy định để tăng tính răn đe "cát tặc"

Trong phần đề nghị của mình, thiếu tướng Phan Anh Minh cho hay nếu tính trữ lượng thì toàn bộ cát ở miền Nam chỉ đủ riêng TP.HCM xài trong 2 năm là hết.

“Có quá nhiều công trình sử dụng cát san lấp mà không tính đến nguồn. Có nên chăng rà soát lại các mỏ mà hiện đang đóng không cho khai thác”, thiếu tướng Phan Anh Minh nói, và đề nghị Sở Xây dựng TP.HCM tính toán chỉ cấp phép xây dựng khi chủ đầu tư cung cấp nhà thầu cung cấp cát san lấp đảm bảo từ nguồn hợp pháp.

Trước đó, trong phần trình bày của mình, đại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TP.HCM, kiến nghị cần tăng mức phạt tiền đối với hành vi khai thác cát trái phép và phân cấp thành nhiều mức phạt khác nhau (không chỉ quy định mức khai thác trái phép tối đa bị xử phạt từ 50 m3 trở lên).

Ngoài ra, cần xác định hành vi khai thác khoáng sản trái phép là hành vi trộm, cắp tài sản đễ xử lý hình sự, tăng tính răn đe.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.