Vay để trả nợ gốc có thời điểm lên tới 40.000 tỉ đồng/tháng

Vũ Hân
Vũ Hân
30/05/2019 13:01 GMT+7

Sức ép trả nợ đang tăng , tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ. Nhu cầu vay để trả nợ đến hạn giai đoạn 2019-2021 khoảng 700.000 tỉ, có thời điểm vay để trả nợ gốc lên 20.000 đến 40.000 tỉ/tháng.

Phát biểu về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội sáng 30.5, đại biểu Hoàng Quang Hàm, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã chỉ ra những bất ổn đằng sau những chỉ số rất đẹp của phát triển năm qua.
Theo đại biểu Hàm, do mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững, nên quý 1 năm nay, tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại so với cùng kỳ và thấp hơn mục tiêu Chính phủ đặt ra.
Một số lĩnh vực là động lực chính, quan trọng cho tăng trưởng 2018 đang giảm tốc như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học chỉ tăng 1,9% trong khi cùng kỳ tăng 23,6% (giảm 21 điểm%); thu hút khách du lịch nước ngoài tính chung 4 tháng tăng 7,6% giảm 22 điểm% so với cùng kỳ…
Doanh nghiệp là bộ phận chủ yếu tạo ra GDP, nhưng năng lực sản xuất, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh còn thấp, thể hiện ở chỗ cứ 10 doanh nghiệp gia nhập lại có hơn 5 doanh nghiệp rời thị trường; trong tổng số doanh nghiệp kê khai thì chỉ có 40% có lãi; gần 94% doanh nghiệp là vừa và nhỏ.
Chất lượng lao động vẫn còn bất cập. Đến hết 2018 nền kinh tế có khoảng 54 triệu lao động, nhưng có 22 triệu lao động chưa qua đào tạo, 41 triệu lao động chưa được đào tạo từ 3 tháng trở lên. Nguy cơ dư thừa lao động khi đối diện với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang dần hiện hữu cần có giải pháp đột phá.

Chưa giảm thu từ tài nguyên

Phân tích về ngân sách, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, thu ngân sách không bền vững, thu từ tài nguyên, đất đai vẫn có tỷ trọng lớn, một số khoản thu quan trọng từ sản xuất kinh doanh các năm gần đây không đạt dự toán.
“Đúng là giai đoạn 2016-2018, tỷ trọng thu từ dầu trong tổng thu ngân sách giảm nhanh, nhưng tỷ trọng thu từ đất cũng tăng nhanh tương ứng, nên số thu từ đất cộng với dầu trên tổng thu ngân sách tăng lên. Nếu năm 2016, thu từ dầu cộng đất chiếm 14,8% tổng thu ngân sách, thì 2017 là 15,7% và 2018 tăng lên 17,6%”, đại biểu nói.
Cũng theo đại biểu này, chính sách thu hầu như không điều chỉnh, mục tiêu động viên 21% GDP vào ngân sách là khó đạt được, dự báo sẽ hụt thu giai đoạn 2016-2020, dẫn đến nguồn lực để tăng chi đầu tư khó có đột phá để thúc đẩy tăng trưởng.
Bên cạnh đó, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế khu vực nhà nước, thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công triển khai chậm nên chi lương, phụ cấp từ ngân sách cao. Riêng năm 2017, chi lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương đã là 343.000 tỉ đồng chiếm 39% tổng chi thường xuyên; cộng thêm lương hưu và trợ cấp BHXH thì bằng 391.000 tỉ, chiếm 44%, lớn hơn chi đầu tư phát triển...
Ngược lại, sức ép trả nợ đang tăng, có thời điểm số nợ đến hạn trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ.
“Năm 2019 có 9,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ đến hạn. Tính cho giai đoạn 2019-2021 sẽ là 32,7%. Nhu cầu vay để trả nợ đến hạn giai đoạn 2019-2021 là khoảng 700.000 tỉ đồng; có thời điểm vay để trả nợ gốc lên 20.000 đến 40.000 tỉ đồng/tháng”, đại biểu Hoàng Quang Hàm phân tích, và cho rằng đây là những bất ổn không thể không tính đến trong dài hạn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.