Vì sao HĐXX cần 'soi thêm' kết quả giám định thiệt hại vụ Vinasun kiện Grab?
30/10/2018 15:35 GMT+7
Vì sao kết luận giám định của Công ty Cửu Long về 'thiệt hại' của Vinasun vẫn chưa thể thuyết phục HĐXX?
Tự động phát
|
Thay vì tuyên án theo kế hoạch, chiều 29.10, TAND TP.HCM tạm dừng phiên xử vụ "tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương VN (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).
Việc giám định thiệt hại rất phức tạp
Theo HĐXX, xét thấy cần xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ liên quan đến kết luận giám định nên phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 22.11. HĐXX cũng thừa nhận, giám định thiệt hại trong dịch vụ vận tải rất phức tạp, riêng hồ sơ về giám định trong vụ Vinasun kiện Grab là hơn 5.000 trang.
Liên quan đến Báo cáo và kết luận giám định về thiệt hại của Vinasun, cơ sở để chứng minh tổn thất về doanh thu của Vinasun là do Grab gây ra, từ đó Vinasun yêu cầu Grab bồi thường hơn 41,2 tỉ đồng được các bên tranh luận khá gay gắt tại tòa, đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
Kết luận giám định do Công ty CP Thẩm định - Giám định Cửu Long (gọi tắt Công ty Cửu Long) thực hiện, theo quyết định trưng cầu giám định của tòa, thì thiệt hại của Vinasun từ ngày 1.1.2016 - tháng 6.2017 tổng cộng là hơn 158,6 tỉ đồng.
Bao gồm các thiệt hại: chi phí phát sinh do xe nằm bãi, không kinh doanh (gồm phí khấu hao, chi phí bãi đỗ, chi phí lãi vay, chi phí quản lý phân bổ) là gần 9 tỉ đồng; giảm giá trị vốn hóa thị trường của doanh nghiệp là gần 149,7 tỉ đồng. Trong đó, phần Grab gây thiệt hại do Vinasun là 54,2% trên tổng số thiệt hại (lượng xe Grab đăng ký chiếm trên thị trường, 12.913 xe/23820 xe) được tính: 158,6 tỉ đồng x 54,2% = gần 86 tỉ đồng.
Vinasun: Tôn trọng kết luận giám định độc lập
Tuy kết luận giám định của Công ty Cửu Long nêu thiệt hại của Vinasun là gần 86 tỉ đồng nhưng Vinasun căn cứ vào kết quả kiểm toán để khởi kiện yêu cầu Grab bồi thường số tiền hơn 41,2 tỉ đồng.
Cụ thể, theo Vinasun, so với năm 2015, lợi nhuận năm 2016, Quý I và II/2017 của Vinasun bị mất khoảng 75,9 tỉ đồng x 54,2% = hơn 41,2 tỉ đồng.
|
Về phương pháp tính thiệt hại của Công ty Cửu Long, tại phiên tòa chiều 29.10, Vinasun cho biết họ tôn trọng phương pháp tính cũng như kết luận giám định của đơn vị giám định độc lập do tòa án trưng cầu.
Về cách tính giảm giá trị vốn hóa, chủ tọa đặt vấn đề với Vinasun: “Giá trị vốn hóa là có giảm nhưng làm sao chứng minh giá trị giảm là do Grab”?
Vinasun trả lời: “Trên cơ sở hoạt động vi phạm của Grab dẫn đến hoạt động của Vinasun sụt giảm. Từ đó các cổ đông, nhà đầu tư không còn tin vào khả năng tồn tại, phát triển của doanh nghiệp dẫn đến giá trị vốn hóa giảm xuống. Đây là những con số có thật và nguyên nhân là do đối thủ cạnh tranh có vi phạm pháp luật gây ra”.
Grab: Phải có phương pháp tính thiệt hại trực tiếp?
Ngược lại, ngay từ những phiên xử đầu tiên của vụ án, Grab đã thể hiện quan điểm không đồng tình với báo cáo và kết luận giám của Công ty Cửu Long và đề nghị HĐXX triệu tập giám định viên đến tòa để làm rõ hoặc cho giám định lại.
Chủ tọa giải thích với Grab rằng, muốn yêu cầu giám định lại thì phải có căn cứ cho rằng giám định của Công ty Cửu Long không chính xác và có vi phạm pháp luật. Theo đó, luật sư của Grab khẳng định số liệu và phương pháp tính theo báo cáo giám định là không chính xác.
“Vậy có căn cứ nào đưa ra rằng phải tính phương pháp nào là chính xác không?”, chủ tọa hỏi.
Luật sư Grab trả lời: “Phải có phương pháp tính dẫn đến thiệt hại trực tiếp cho Vinasun. Còn giảm giá trị vốn hóa thị trường hay giảm giá trị cổ phiếu không phải là phương pháp tính thiệt hại trực tiếp…”.
Viện KSND TP.HCM đồng tình với số liệu, phương pháp tính thiệt hại
Trước đó, ngày 24.10, đại diện Viện KSND TP.HCM đã phát biểu quan điểm về vụ án, đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường một lần hơn 41,2 tỉ đồng về thiệt hại phát sinh do các hành vi vi phạm của Grab gây ra.
Theo VKS, Grab không đơn thuần là đơn vị cung cấp nền tảng kết nối cho đơn vị kinh doanh vận tải theo đề án thí điểm và Grab đang lợi dụng QĐ 24 để điều hành trọn vẹn một quy trình kinh doanh vận tải taxi, tương tự Vinasun; Grab đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mại trái với quy định, có nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó, VKS đồng tình với số liệu, phương pháp tính thiệt hại của Công ty Cửu Long thực hiện.
Về phía HĐXX, nhận thấy việc giám định trong lĩnh vực vận tải rất phức tạp và do giám định viên không có mặt tại phiên tòa để giải thích về số liệu, phương pháp tính thiệt hại nên HĐXX đã tạm dừng phiên tòa để có văn bản yêu cầu giám định viên giải thích về kết quả giám định
|
Bình luận (0)