Việt Nam và các nước ứng phó thảm họa kép - dịch Covid-19 và nạn đói

03/09/2020 12:47 GMT+7

Hội nghị trực tuyến khu vực của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đang diễn ra từ ngày 1-4.9, với mục tiêu lên kế hoạch ứng phó và khắc phục hậu quả của thảm họa kép là dịch Covid -19 và nạn đói.

Đoàn đại biểu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cùng khoảng 400 đại biểu từ các nước trong khu vực đang tham gia trực tuyến Hội nghị lần thứ 35 khu vực châu Á - Thái Bình Dương của FAO (#APRC35) do Chính phủ Hoàng gia Butan tổ chức.
Châu Á -Thái Bình Dương là khu vực tập trung hơn một nửa số dân bị suy dinh dưỡng của thế giới, và do dịch Covid-19, số người là nạn nhân của nạn đói ở Nam Á dự kiến sẽ tăng tới gần 1/3 trong tổng dân số khu vực, lên tới 330 triệu người vào năm 2030.
Do vậy, lãnh đạo chính phủ của 46 nước thành viên của FAO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, đã tham gia một cuộc họp trực tuyến kéo dài 4 ngày để xem xét kỹ lưỡng thực trạng an ninh lương thực trong khu vực, đặc biệt là tác động liên quan tới tình trạng lây lan dịch bệnh Covid-19 và tác động tới hệ thống thực phẩm toàn khu vực.

Thách thức từ thảm họa kép

Ông Jong-Jin Kim, Trợ lý Tổng giám đốc và Đại diện FAO khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Chúng ta phải chấp nhận những gì diễn ra trước mắt và công nhận rằng thế giới cũng như khu vực của chúng ta đã thay đổi. Chúng ta phải tìm ra cách làm mới để tiến lên phía trước và đảm bảo an ninh lương thực bền vững trong bối cảnh thảm họa kép này, cũng như chuẩn bị đối phó với các mối đe dọa có thể và sẽ gia tăng trong tương lai”.
“Hội nghị trực tuyến sẽ giúp đưa mọi người và quan điểm đến gần nhau hơn để cùng lên kế hoạch hành động vì lợi ích của tất cả mọi người”, cũng theo ông Jong-Jin Kim.

Phái đoàn Việt Nam tham gia hội nghị

Ảnh: Văn phòng LHQ tại Việt Nam

Tại hội nghị, các bên được giới thiệu thông tin chi tiết về Chương trình Ứng phó và Khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 toàn diện, vừa được FAO triển khai, theo thông cáo hôm 3.9 của Văn phòng LHQ tại Việt Nam.
Chương trình này được thiết kế để có hành động ứng phó linh hoạt và được điều phối trên toàn cầu nhằm đảm bảo sao cho tất cả mọi người được tiếp cận thực phẩm đủ dinh dưỡng.
Mục tiêu chính của chương trình là giảm thiểu tác động trước mắt của dịch COVID-19 trong khi vẫn tăng cường khả năng chống chịu dài hạn hơn cho hệ thống thực phẩm và năng lực sinh kế.
Hội nghị cũng xem xét các kênh marketing mới (chẳng hạn như thương mại điện tử) và công nghệ mới (bao gồm cả cơ sở bảo quản tốt hơn), theo hướng giúp giảm tổn thất thực phẩm. Đây được đánh giá là những khâu quan trọng để đảm bảo dòng thực phẩm dinh dưỡng và tạo thu nhập tốt hơn cho những người làm việc trong ngành này.
Để đạt được mục tiêu trên, việc kết nối tất cả các bên sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng và FAO đang trong quá trình thực hiện Sáng kiến Tay trong Tay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.