Võ sư một chân và những hộp cơm cho người nghèo

11/08/2021 06:34 GMT+7

Nhiều người dân TP.HCM không khỏi thán phục trước hình ảnh người đàn ông chỉ với một chân chở đầy xe cơm len lỏi khắp ngõ ngách từ H.Bình Chánh qua Q.8, Q.5, Q.10 để trao cho những mảnh đời khó khăn giữa trời trưa oi ả.

Người đó là ông Tạ Anh Dũng (62 tuổi, ở Q.8).
Năm 21 tuổi, ông Dũng mất chân trái sau một tai nạn. Vượt qua nghịch cảnh, ông tập đi lại, tập võ, tập chạy với chân còn lại. Quá trình khổ luyện đã giúp ông trở thành một võ sư, giờ đây ông còn dạy võ cổ truyền cho nhiều người, bao gồm cả người nước ngoài.
Ông Dũng bắt đầu công việc thiện nguyện khoảng 7 năm nay, kể từ khi tham gia nhóm tình nguyện Tấm Lòng Chung. Nhóm này do một người học trò của ông làm trưởng nhóm rồi kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhóm đã mở bếp ăn với công suất 1.000 phần cơm mỗi ngày phát cho người nghèo khó. Cũng từ đó ông Dũng tham gia hỗ trợ phát cơm cho đến nay.
Hành trình phát cơm bắt đầu từ hơn 10 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 15 giờ chiều, mỗi ngày ông Dũng chở hơn 150 phần cơm đi phát tận tay những người khó khăn. Sau khi phát hết các phần cơm, ông tìm một chỗ dừng chân ăn vội rồi lại tiếp tục chở quà, nhu yếu phẩm đến những khu phong tỏa, những nơi cần giúp đỡ.

Sáng 11.8: Cả nước 4.802 ca Covid-19, riêng TP.HCM 2.128 bệnh nhân

Cầm hộp cơm, bà Lê Thị Kim (quê ở Phú Yên) cảm động chia sẻ: “Tui làm nghề bán vé số nhưng dịch giã khốn khổ quá, cầm cự được đến hôm nay cũng là nhờ những hộp cơm của chú ấy. Nếu không, thật lòng tui chẳng biết cho gì vào bụng lúc này”.

Mỗi ngày vào khoảng hơn 10 giờ, ông Dũng chạy xe từ nhà ở Q.8 qua H.Bình Chánh để lấy cơm tại bếp ăn Tấm Lòng Chung rồi chuẩn bị lên đường

Hình ảnh người đàn ông chỉ với một chân mỗi ngày lại mang cơm đến giúp những người vô gia cư khắp các nẻo đường…

Những ngày dịch bệnh phức tạp, ông Dũng trong bộ đồ bảo hộ cứ đều đặn chở những phần cơm từ thiện đến nhiều mảnh đời khốn khó

Trao những phần cơm 0 đồng cho người nghèo khó trên đường Tháp Mười (Q.6)

“Thấy người vô gia cư phải nhịn đói, tự nhiên mình thấy thương nên làm thôi chứ cũng không nghĩ là đang làm từ thiện gì lớn lao cả”, ông Dũng tâm sự

Những hoàn cảnh khó khăn ở trong các con hẻm nhỏ cũng được ông Dũng đến tận nơi trao cơm

Khi đã phát hết cơm, ông Dũng tìm một góc đường ngồi ăn rồi tiếp tục chở những phần quà đến người khó khăn trong các khu phong tỏa, cách ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.