Người Huế vừa chống dịch vừa ‘chia lửa’ với miền Nam

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
22/08/2021 16:53 GMT+7

Những căn bếp lửa đỏ suốt đêm ngày để làm thực phẩm khô gửi cứu trợ; hàng trăm y bác sĩ đã xung phong vào tâm dịch… Đó là tấm lòng của người dân xứ Huế, vừa kiên cường chống dịch, vừa hướng về miền Nam ruột thịt.

Tính từ ngày 28.4 đến sáng 19.8, tỉnh Thừa Thiên - Huế ghi nhận 345 ca nhiễm Covid-19 (trong đó có 10 ca đã được công bố khỏi bệnh). Đặc biệt, từ khi lượng người từ TP.HCM và các tỉnh có dịch Covid-19 trở về địa phương nhiều, số ca nhiễm Covid-19 ghi nhận trong các khu cách ly tăng cao (317 ca) và hiện địa phương đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch cộng đồng, từ những người hoàn thành cách ly về địa phương.

10 lần viết đơn tình nguyện

Dù đã có đến 10 lá đơn tình nguyện vào tâm dịch miền Nam, nhưng bác sĩ Phan Nhã Uyên, 41 tuổi, hiện đang công tác tại khoa Mắt, Bệnh viện T.Ư Huế cơ sở 2, vẫn chưa được giải quyết. Mới đây nhất, ngày 27.7, trong bức tâm thư thứ 10, bác sĩ Nhã Uyên bày tỏ: “Với tinh thần cùng cả nước hướng về miền Nam thân yêu, nối tiếp bước chân của các đồng nghiệp đi trước và chia sẻ với những khó khăn mà các đồng nghiệp phía nam đang gồng mình chống dịch, tôi xin góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào cuộc chiến chống dịch này… Kính mong Ban giám đốc, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tạo điều kiện để tôi thực hiện được nguyện vọng của mình”.
Tình nguyện vào miền Nam, mình đã xác định việc gì cũng làm, nhiệm vụ nào cũng không sợ khó, sợ khổ”, bác sĩ Nhã Uyên chia sẻ.
Theo bác sĩ Hoàng Lan Hương, Phó giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế, do yêu cầu chống dịch đang cần bác sĩ hồi sức, bác sĩ nội, chống nhiễm khuẩn... nên bác sĩ Uyên tạm thời chưa cần thiết lên đường. “Hiện bệnh viện có hơn 300 lá đơn tình nguyện của y bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý bày tỏ mong muốn sẵn sàng vào tâm dịch để chia lửa cho đồng nghiệp”, bác sĩ Lan Hương nói.
Từ khi TP.HCM bùng phát dịch đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cử nhiều đoàn y bác sĩ tình nguyện giàu kinh nghiệm trong hồi sức tích cực, chống nhiễm khuẩn, hô hấp, điều trị bệnh nhân Covid-19, vào “chi viện” cho TP.HCM. Ngày 14.7, đoàn 127 y bác sĩ, nhân viên y tế, sinh viên tình nguyện cùng gần 4 tấn thiết bị y tế và thực phẩm của người dân xứ Huế đã theo chuyến bay vào TP.HCM.
Tới nơi, một nhánh gồm 32 cán bộ, y bác sĩ của Bệnh viện T.Ư Huế do bác sĩ Phan Hải Thanh lần đầu đã về chi viện cho tỉnh Đồng Tháp. Sau 10 ngày khống chế dịch ổn định, bác sĩ Phan Hải Thanh cùng 19 cán bộ, y bác sĩ lên đường trở lại TP.HCM, tham gia chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Q.10 và Bệnh viện dã chiến số 14 để cứu chữa các bệnh nhân Covid-19 nặng.

Thanh niên Thừa Thiên - Huế chuẩn bị nguyên liệu để kho cá gửi vào cho đồng bào miền Nam ruột thịt

Ảnh: B.N.L

Tiếp đó, ngày 26.7, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cử thêm 66 y bác sĩ tình nguyện vào chi viện tỉnh Bình Dương cùng 5 máy thở để hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19.
Đến ngày 12.8, chuyến bay đưa 122 y bác sĩ đã hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ phòng chống dịch tại TP.HCM trở về quê hương, lại tiếp tục quay đầu đưa thêm 192 y bác sĩ từ Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình đến TP.HCM chi viện cho tâm dịch TP.HCM. Tiếp đó, ngày 17.8, thêm 106 y bác sĩ, sinh viên tình nguyện Trường đại học Y dược (Đại học Huế) lên đường chi viện cho tỉnh Đồng Nai chống dịch Covid-19.

Xây dựng trung tâm hồi sức Covid-19 tại TP.HCM

Nhận nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ngày 2.8, GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế cùng đội ngũ chuyên gia đã trực tiếp bay vào làm việc với UBND TP.HCM để thống nhất kế hoạch xây dựng Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19, thuộc Bệnh viện T.Ư Huế tại TP.HCM quy mô 500 giường bệnh ở Q.Tân Phú.
Ngoài ra, Bệnh viện T.Ư Huế gấp rút hoàn tất thiết kế, xây dựng, mặt khác bệnh viện đã có thư ngỏ kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay hỗ trợ nguồn lực, trang thiết bị và kinh phí để “thần tốc” xây dựng Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19, thuộc Bệnh viện T.Ư Huế tại TP.HCM để nhanh chóng đi vào hoạt động cứu chữa bệnh nhân.
Nhận được thư ngõ của bệnh viện, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân cố đô Huế lại một lần nữa chung tay đóng góp hàng tỉ đồng để tiếp sức cho đội ngũ y bác sĩ chi viện miền Nam.

Nhóm thiện nguyện "Hue Love Saigon" chuyển quà tặng đến TP.HCM

ẢNH: TRƯƠNG ĐĂNG KHÁNH

Sau 2 tuần “thần tốc” xây dựng, ngày 19.8, Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19, thuộc Bệnh viện T.Ư Huế tại TP.HCM, đã chính thức đi vào hoạt động tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng để cứu chữa. Trung tâm này có quy mô 12.300 m2, 600 giường bệnh có chức năng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch và hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19 trong khu vực, chia làm 4 phân khu, gồm: bệnh nặng nguy kịch, bệnh nặng, thoát hồi sức, chuẩn bị ra viện.
Để đảm bảo nguồn nhân lực hoạt động của trung tâm, 300 nhân viên y tế, chủ lực đến từ Bệnh viện T.Ư Huế và các Bệnh viện Da liễu Quy Hòa (TP.Quy Nhơn, Bình Định), Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) hỗ trợ đã có mặt, trong đó có hơn 100 bác sĩ công tác trong lĩnh vực hồi sức, nội khoa, trị nhiễm khuẩn, điều dưỡng và kỹ thuật viên dày dặn kinh nghiệm sẵn sàng cứu chữa bệnh nhân Covid-19 nặng.
"Vấn đề chính cần quan tâm nhất của TP.HCM tại thời điểm này là phải cứu chữa được các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch và giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19. Chúng tôi cố gắng thiết lập một trung tâm có công năng tối ưu nhất, vừa đảm bảo phối hợp hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả trong điều trị bệnh nhân nặng, vừa đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch, tránh lây nhiễm chéo trong đơn vị. Chúng tôi xin hứa sẽ mang hết nhiệt huyết, khả năng, tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn để góp phần cùng chính quyền và người dân TP.HCM sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”, GS-TS Phạm Như Hiệp, chia sẻ.

Gửi ân tình xứ Huế vào TP.HCM

Ở phía hậu phương suốt thời gian qua, người dân Thừa Thiên - Huế đã góp tiền, góp của, góp sức để chi viện cho miền Nam, hướng về TP.HCM yêu thương. "Mỗi khi Huế, miền Trung bị thiên tai lũ lụt nặng nề, người dân miền Nam luôn nghĩa hiệp, cứu trợ. Trong sâu thẳm chúng ta nợ Sài Gòn một món nợ ân tình, thiêng liêng nhân ái, nghĩa đồng bào. Nay Sài Gòn gặp nạn Covid-19, nhiều người trong chúng ta đang day dứt: Phải làm cái chi cho Sài Gòn đi chớ! Không lẽ cứ ngồi yên?", nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học - nghệ thuật Thừa Thiên - Huế, kêu gọi.

Nhóm thiện nguyện Con ong du ký gấp rút hoàn tất "Triệu cái bánh, triệu yêu thương" gửi vào chia sẻ cùng người dân TP.HCM và bà con Huế xa quê ở miền Nam

ẢNH: P.T

Không thể ngồi yên, anh Bùi Văn Hùng, chủ nhà hàng tiệc cưới Bùi A Sơn được nhiều người biết ở Huế, đã cùng những người bạn quyên góp làm thực phẩm khô, đặc sản Huế gửi vào chia sẻ. Từ ý tưởng phát khởi, những người bạn đã thực hiện 1.000 hũ ruốc thịt và cá kho đầu tiên. Những cuộc điện thoại lập tức được kết nối và ngay tại TP.HCM, một nhóm thiện nguyện đã đồng ý kết nối để "Chung một tấm lòng Thừa Thiên - Huế kết nối yêu thương Sài Gòn".
Những tấm lòng yêu thương hướng vào đồng bào miền Nam ruột thịt cứ thế lan tỏa và chương trình cứ nối dài. Từ đó đến nay, ròng rã gần 1 tháng qua, bếp lửa của nhà hàng Bùi A Sơn (ở đường Nhật Lệ, TP.Huế) đã liên tục đỏ lửa ngày đêm để kho cá và làm ruốc thịt gửi vào Sài Gòn. Hàng chục ngàn hũ ruốc thịt và cá kho đã đến tận tay các hẻm nhỏ bị phong tỏa, các khu nhà trọ sinh viên, công nhân nghèo đang chống chọi với khó khăn của dịch bệnh.
"Cá nục kho và ruốc thịt là hai loại thực phẩm có khả năng để được hơn 15 ngày, nên đây là loại thực phẩm ý nghĩa, giúp bà con có thể có cái ăn để vượt qua thời gian giãn cách, không đi chợ, mua thực phẩm được”, anh Hùng chia sẻ.
Dưới cái nắng trưa hè, trong căn phòng trọ nhỏ tại thôn Hạ Lang (xã Quảng Phú, H.Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế), các bà, các chị mỗi người mỗi công đoạn đang làm từng lọ muối sả. Còn tại P.Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, nhiều chị em phụ nữ cũng đã ngày đêm làm ruốc sả để gửi vào cho bà con Sài Gòn.

Chuyến hàng của nhóm thiện nguyện "Hue Love Saigon" đã đến TP.HCM, tối 10.7

ẢNH: TRƯƠNG ĐĂNG KHÁNH

Tại TP.Huế, nhóm thiện nguyện có tên ATM gạo Huế đã phối hợp Trường đại học Luật cũng gấp rút hoàn thành 10.000 hủ ruốc thịt để gửi các tỉnh Nam bộ chống dịch Covid-19; nhóm thiện nguyện Con ong du ký cũng phát động "Triệu cái bánh, triệu yêu thương" làm 1 triệu cái bánh bột lọc gửi vào chia sẻ cùng người dân TP.HCM và bà con Huế xa quê ở miền Nam. Một nhóm thiện nguyện có tên "Hue Love Saigon" cũng đã nhanh chóng lập cầu vận tải đưa hàng hóa vào TP.HCM, và những món quà mang yêu thương từ Huế đã theo họ đến khắp các hẻm nhỏ phát tận tay người dân đang gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Cùng với đó, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Công an tỉnh, Mặt trận, các tôn giáo, các huyện, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh đều phát động quyên góp tiền, nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm khô. Đã có hàng chục chuyến xe đã lăn bánh mang theo hàng chục tấn hàng “Gửi thương yêu vào Sài Gòn”.
Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế, cho biết, TP.Huế đã vận động 36 phường, xã của thành phố liên tục triển khai làm các thực phẩm khô như cá kho, nướng, thịt rim, muối mè… để gửi vào Ủy ban MTTQ VN TP.HCM chuyển tặng cho bà con khó khăn của TP.HCM.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.