'Vũ khí' quan trọng để chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công

26/05/2021 05:35 GMT+7

Quan điểm chỉ đạo thống nhất chung của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ , Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 là làm sao tiếp cận vắc xin Covid-19 sớm nhất, đảm bảo cung cấp cho người dân một cách rộng rãi nhất.

Chỉ có vắc xin tiêm chủng phòng ngừa cho đa số người dân mới có thể sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến rất phức tạp.
Tôi nắm rõ quan điểm chỉ đạo thống nhất đó, khi thường xuyên đọc nhật báo Thanh NiênBáo Thanh Niên điện tử (thanhnien.vn). Thời gian qua, Việt Nam đã khống chế, kiểm soát thành công 3 đợt dịch và từng bước cơ bản kiểm soát đợt dịch thứ 4. Đó là ý chí, là nỗ lực không biết mệt mỏi của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Và ý chí, nỗ lực đó giúp chúng ta có niềm tin cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19, dẫu phía trước còn lắm khó khăn, thách thức.
Nhưng, để thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, “chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công” dịch bệnh, thì rõ ràng vắc xin là “vũ khí” vô cùng quan trọng.
Để có đủ 150 triệu liều vắc xin tiêm cho 75% dân số thì phụ thuộc vào hai yếu tố: nguồn cung cấp và kinh phí.

Tín hiệu khả quan về nguồn vắc xin

Tôi nhận thấy có những tín hiệu khả quan về nguồn vắc xin, khi thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực cố gắng đàm phán với các đơn vị, công ty cung ứng vắc xin ngừa Covid-19. Đến nay, tổng số liều vắc xin Covid-19 có được thông qua đàm phán là hơn 100 triệu liều, bao gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX Facility để mua thêm khoảng 10 triệu liều theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí. Đó là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, như lời Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long, “so với yêu cầu có đủ 150 triệu liều để tiêm cho 75% dân số, số lượng này vẫn thiếu”.
Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục tích cực tìm kiếm, tiếp cận nguồn cung vắc xin. Và người dân có quyền hy vọng, với sự quyết liệt trong chỉ đạo của Thủ tướng và kết quả bước đầu trong việc đàm phán mà Bộ Y tế công bố, chúng ta sẽ tìm ra và lấp đầy sự thiếu hụt đó sớm nhất.

Sự chung tay rất cần thiết

Cũng từ thông tin trên Thanh Niên, tôi đọc được tin vui: Ngày 21.5, Bộ Y tế tiếp nhận hỗ trợ 160 tỉ đồng và 4 triệu liều vắc xin cho Quỹ mua vắc xin phòng Covid-19. Trong đó, Tập đoàn Vingroup tặng kinh phí mua 4 triệu liều. Từ đầu dịch đến nay Vingroup đã tài trợ 1.277 tỉ đồng cho phòng chống dịch (bao gồm: nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 tại Việt Nam và cung cấp trang thiết bị y tế).
Cũng vào hôm 21.5, thông qua Bộ Y tế, 4 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank ủng hộ 100 tỉ đồng để mua vắc xin (mỗi ngân hàng 25 tỉ đồng). Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ món quà đó là tấm lòng thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng của các ngân hàng.
Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank, thay mặt Sovico và cán bộ HDBank trao ủng hộ 60 tỉ đồng và ông cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế, các lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch. Như ông Thanh chia sẻ, dù là ngân hàng tư nhân nhưng ngay từ đầu cuộc chiến phòng chống dịch ở Việt Nam, đơn vị này đã tham gia ủng hộ, đồng hành, hỗ trợ cùng ngành y tế và toàn thể người dân phòng chống dịch.
Và còn nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân khác trên cả nước, từ khi xảy ra dịch bệnh, cũng đã có những nghĩa cử chung tay cùng chính quyền các cấp và chia sẻ tương thân, tương ái với cộng đồng. Như Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) của gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn trong năm 2020 có lần trao tặng cho TP.HCM 25 tỉ đồng làm kinh phí phòng chống dịch bệnh…
Tất cả sự chung tay đó đều rất ý nghĩa và cần thiết.

“Xã hội hóa” kinh phí mua vắc xin

Ngay từ những ngày đầu nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hành động nhanh chóng để phòng chống đại dịch Covid-19 qua việc ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16.4.2021 yêu cầu tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 khẩn trương, an toàn tuyệt đối; và Chính phủ đã trình, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 27.4.2021 về việc sử dụng hơn 12.000 tỉ đồng tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2020 để mua vắc xin phòng Covid-19.
Đến ngày 18.5.2021, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về việc mua vắc xin phòng Covid-19. Tại nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện mua vắc xin một cách nhanh nhất để có thể triển khai tiêm vắc xin trên diện rộng cho nhân dân.
Nhưng dịch bệnh kéo dài, nguồn lực tập trung phòng chống Covid-19 thời gian qua đã quá tốn kém. Chính phủ chi ra một lúc (ước tính của các nhà chuyên môn) hơn 40.000 tỉ đồng mới đủ vắc xin cần thiết, không phải là chuyện dễ dàng.
Những thông tin đã dẫn cho thấy những món quà quý giá nói trên đã thể hiện tấm lòng, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng của các doanh nghiệp.
Tấm lòng và tinh thần đó còn tiềm ẩn ở các đơn vị và trong chính mỗi người dân.
Nhiều chuyên gia và nhà hoạt động xã hội mong muốn Chính phủ có ý kiến chính thức phát động phong trào “xã hội hóa” kinh phí mua vắc xin phòng ngừa Covid-19.
Những đơn vị có tiềm lực thì ủng hộ nhiều, thông qua Quỹ mua vắc xin phòng Covid-19 để giúp cộng đồng; những đơn vị khác, tùy theo tình hình thực tế của mình để có cách đóng góp phù hợp. Ví dụ, mỗi đơn vị có thể đóng góp một khoản kinh phí đủ để phục vụ cho chính đơn vị mình (tính theo lượng cán bộ, nhân viên); những đơn vị có điều kiện hơn thì ngoài ra, còn có thể tính và hỗ trợ luôn kinh phí mua vắc xin cho cả gia đình cán bộ, nhân viên của mình; những đơn vị có tài chính tốt hơn có thể giúp cán bộ, nhân viên, gia đình họ và tặng thêm một số lượng vắc xin cho cộng đồng…
Không chỉ các đơn vị mà cả các cá nhân cũng có thể chung tay đăng ký đóng góp kinh phí để mua vắc xin đủ liều cho gia đình, bà con, bạn bè… của mình.
Nếu khơi dậy và huy động được nguồn lực xã hội hóa này, nó không chỉ chia sẻ với Chính phủ mà còn thể hiện tinh thần công dân, trách nhiệm với cộng đồng. Nó thực sự rất ý nghĩa. Và tất nhiên, kinh phí đóng góp phải được tập trung về một đầu mối, đó là Quỹ mua vắc xin phòng Covid-19. Đầu mối này có hệ thống đến tận cơ sở để tiện tiếp nhận, quản lý, tổ chức “phân phối lại” khi tổ chức tiêm phòng.

Sớm một ngày có lợi một ngày !

Thành công tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19 ở Mỹ, Anh, Israel… đã quá rõ ràng. Người dân hẳn cũng chia sẻ những khó khăn trong việc đàm phán nguồn và kinh phí mua vắc xin với Chính phủ và tất nhiên, cũng mong muốn Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành quyết liệt như tinh thần đó.
Chúng ta đã làm tốt, rất tốt, việc phòng chống dịch bệnh như lâu nay bằng cách làm sáng tạo của cả hệ thống, nhất là phù hợp với thực tế từng địa phương, sự đồng tâm hiệp lực của toàn dân. Có nhiều cách làm hay (như xét nghiệm gộp của Đà Nẵng) được biểu dương và nhân rộng. Hay như H.Đông Anh (Hà Nội) đã có cách làm sáng tạo là khoanh vùng ổ dịch “3 lớp” tại những nơi bị cách ly, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa không ngăn sông cấm chợ, không quá đảo lộn đời sống người dân - cách làm này cũng đã được Thủ tướng biểu dương, tặng bằng khen. Các địa phương cho dù cũng đang bị dịch bệnh nhưng sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương khác khi cần, cả kinh phí và nhân lực cho tuyến đầu phòng chống dịch...
Đó là một nét truyền thống của dân tộc. Vì thế, cần khơi dậy tinh thần này trong việc “xã hội hóa” kinh phí mua vắc xin.
Vắc xin, yếu tố quan trọng để chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công dịch bệnh. Tấn công sớm một ngày, có lợi một ngày!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.