Vượt qua covid-19: Ấm áp tình người trên Vương Quốc Nụ Cười

26/06/2021 13:00 GMT+7

Ngày 26 tháng 3 năm 2020. Sinh nhật thứ 23 của tôi trên đất khách quê người. Và cũng là khởi đầu của 53 ngày tiếp theo tôi bị kẹt lại ở Thái Lan vì dịch Covid-19 .

Ngày 26 tháng 3 năm 2020.
Một ngày tràn đầy các sự kiện lần đầu tiên diễn ra. Sinh nhật thứ 23 của tôi trên đất khách quê người. Thái Lan chính thức bước vào ngày đầu tiên của tình trạng khẩn cấp quốc gia vì dịch Covid-19. Và cũng là khởi đầu của 53 ngày tiếp theo tôi bị kẹt lại ở Thái Lan trước khi Chính phủ Việt Nam tổ chức chuyến bay hồi hương đầu tiên cho công dân ở Thái Lan.
Tôi cố gắng sắp xếp tâm trí gọn ghẽ nhất có thể vì thế giới xung quanh đã đủ hỗn loạn rồi. Ngày 11.1.2020, tôi đặt chân đến Thái Lan với đầy háo hức cho 3 tháng học tập được tài trợ mọi chi phí. Lúc ấy, mỗi tuần thầy tôi đều cập nhật tin tức về Covid-19, nhưng đối với tôi, nó chỉ là một “cơn bão” đáng buồn ở đâu đó xa vời. Tôi không thể ngờ rằng chẳng bao lâu sau đó, chính tôi cũng trở thành một người bị ảnh hưởng bởi “cơn bão” khủng khiếp đó.

Những suất cơm miễn phí giúp shipper, người lái xe ôm qua cơn đói ngày dịch Covid-19

Covid-19 là một “cơn bão” mà nếu ta đối đầu với tâm thế “chẳng đến lượt mình”, ta chắc chắn sẽ bị nhấn chìm ngay. Khi nhận thông báo tất cả các chuyến bay từ Thái Lan về Việt Nam đều bị hủy, chính phủ hai nước bắt đầu đóng cửa biên giới để kiểm soát tình hình dịch bệnh trong nước, tôi hiểu rằng “bão” đã đến rất gần và mình cần chuẩn bị thật vững vàng để vượt qua.
May mắn cho tôi là được một gia đình người Thái Lan giúp đỡ trong 2 tháng bị kẹt lại ở nước bạn: Gia đình của chị Topsi. Chị ấy là người phụ trách hậu cần trong khóa học của tôi, mới biết tôi từ tháng 1.2020 nhưng sẵn lòng giúp đỡ tôi từng li từng tí cho đến ngày tôi đặt chân lên máy bay về nước.
Topsi dành cho tôi một căn phòng trong nhà, nấu ăn cho tôi hàng ngày, cùng tôi cập nhật tin tức thời sự, giúp tôi làm các giấy tờ visa/ đặt vé máy bay, tìm kiếm nguồn quỹ hỗ trợ sinh hoạt phí cá nhân cho tôi và chăm sóc sức khỏe tinh thần của tôi.

Mâm cơm “ngon như mẹ nấu” ở đất Thái

Ảnh: HÀ THY

Nếu một cơn bão thông thường tàn phá thân thể ta trước, thì “cơn bão” Covid-19 dễ khiến tinh thần ta suy sụp trước. Sức khỏe tâm lý của tôi sa sút hẳn trong những ngày đầu bị kẹt lại nơi đất khách: Tôi cảm thấy mình trở thành gánh nặng cho gia đình chị Topsi; là đứa con bất hiếu khiến cha mẹ ở quê nhà đầu bù tóc rối lo lắng; và cảm giác bất lực vì mỗi ngày của mình đều hỗn loạn theo dòng thời cuộc.
Topsi hiểu được nỗi bất an của tôi nên chị thường dành thời gian trò chuyện và bày cho tôi nhiều hoạt động chân tay để giảm bớt thời gian ngồi không suy nghĩ rồi bi quan. Nào là làm vườn, nấu ăn. Nào là cùng xem phim, đọc sách. Tôi còn viết nhật ký hàng ngày, không sót một ngày nào, để giải tỏa cảm xúc.
Nhờ chăm sóc sức khỏe tinh thần tốt, tôi nhìn sự hỗn loạn của thế giới bên ngoài với đôi mắt sáng rõ hơn. Tôi biết việc có ích nhất cho bản thân và xã hội lúc này là ở yên trong nhà, chăm sóc sức khỏe, theo dõi tin tức và chờ đợi ngày trở về quê hương.
Ngày 28 tháng 4 năm 2020
Tôi nhận được email từ Đại sứ quán Việt Nam ở Thái Lan thông báo về chuyến bay hồi hương đầu tiên. Chưa bao giờ tôi cảm thấy một email viết bằng tiếng Việt nào khiến tôi xúc động đến vậy.
Hơn cả việc được về nước, tôi cảm nhận tình đồng bào sâu đậm từ những người vẫn làm việc lặng lẽ ngày đêm ở Đại sứ quán, từ Chính phủ nước nhà đã mở rộng vòng tay đón người dân trở về và từ những người Việt trong nước mà tôi không thể nào biết mặt hay họ tên, đã đồng lòng tích cực chống dịch để những người kẹt lại trên xứ người như tôi được sớm trở về quê nhà.
Ngày 18 tháng 5 năm 2020
Ngày tôi trở về Việt Nam. Chị Topsi đưa tôi ra sân bay Suvarnabhumi. Sân bay vắng vẻ, chỉ có độc nhất một hàng dài đồng bào mình đang làm thủ tục xuất cảnh.
Chị Topsi dúi vào tay tôi chai cồn sát khuẩn và một ít đồ ăn. Nhớ hồi tôi còn chưa sang Thái Lan, chị đã nói với tôi: “Em nói ba mẹ đừng lo lắng, sang đây chị sẽ chăm sóc em như em gái!”. Và đúng như lời hứa, chị đã tận tình quan tâm và yêu thương tôi từ giây phút đầu gặp gỡ đến thời khắc chia tay nhau trên Vương Quốc Nụ Cười.
Tôi cảm thấy cuộc đời này quá tử tế với mình. Ngay cả khi một thân một mình trên xứ người, tôi vẫn gặp được những người tử tế sẵn sàng chìa tay ra giúp đỡ mình. Những người không cùng dòng máu, không cùng ngôn ngữ nhưng giống nhau ở tấm lòng rộng lượng và quyết tâm vượt qua đại dịch Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.