Xét xử vụ án Huyền Như giai đoạn 2: 5 công ty yêu cầu VietinBank bồi thường

Phan Thương
Phan Thương
09/02/2018 04:55 GMT+7

HĐXX xác định tư cách tố tụng của VietinBank là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 5 công ty bị Huyền Như chiếm đoạt hơn 1.085 tỉ đồng là nguyên đơn dân sự.

Hôm qua (8.2), TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (39 tuổi, quê Tiền Giang), nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương VN (VietinBank) chi nhánh TP.HCM và bị cáo Võ Anh Tuấn, nguyên cán bộ Văn phòng VietinBank chi nhánh TP.HCM.
Trong vụ án này, TAND TP.HCM từng 3 lần trả hồ sơ, cho rằng Như có dấu hiệu tội “tham ô tài sản”, nhưng Viện KSND tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố.
Phiên tòa do Phó chánh tòa hình sự Huỳnh Anh Kiệt làm chủ tọa, dự kiến kéo dài 5 ngày. HĐXX xác định tư cách tố tụng của VietinBank là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 5 công ty bị Huyền Như chiếm đoạt hơn 1.085 tỉ đồng là nguyên đơn dân sự.
Luật sư đề nghị thay đổi tư cách tố tụng của Vietinbank
Trong phần thủ tục phiên tòa, các luật sư (LS) bảo vệ cho nguyên đơn dân sự đề nghị HĐXX tiếp tục triệu tập nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là nguyên lãnh đạo VietinBank tại thời điểm Như phạm tội. Tuy nhiên, HĐXX thông báo những người này tòa đã triệu tập hợp lệ, hơn nữa trong hồ sơ vụ án có đầy đủ tài liệu liên quan nên HĐXX sẽ xem xét, làm rõ.
Một số LS cũng cho rằng tòa triệu tập VietinBank với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là không phù hợp. Song chủ tọa phiên tòa cho biết trong vụ án này, cáo trạng truy tố Như phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên tòa xác định tư cách tố tụng như trên là phù hợp. Nếu trong quá trình xét xử, xét thấy tội danh có thay đổi, HĐXX sẽ xác định lại tư cách tố tụng của VietinBank.
Trong phần thẩm vấn công khai, Như và Tuấn đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố nên đối với nội dung này, HĐXX, các LS cũng không xét hỏi nhiều. Tuy nhiên, các LS bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 5 nguyên đơn dân sự chất vấn khá nhiều câu liên quan đến trách nhiệm của VietinBank. Từ đó, các LS này và đại diện ủy quyền cho 5 nguyên đơn dân sự đều yêu cầu VietinBank phải bồi thường toàn bộ số tiền họ thiệt hại và lãi phát sinh, lãi quá hạn.
Sử dụng quyền của mình để chuyển tiền, sao gian dối?
LS Trần Minh Hải (bảo vệ quyền lợi cho Công ty CP chứng khoán Phương Đông - ORS) hỏi đại diện VietinBank: “Trong thời gian Như huy động tiền gửi của ORS cũng như 4 công ty còn lại, Như có giả là nhân viên của VietinBank không?”. Vị đại diện trả lời: “Không”.
LS Hải hỏi tiếp: “Tài khoản VietinBank mở cho 5 công ty là thật hay giả”. Sau một hồi trả lời lòng vòng, đại diện VietinBank nói: “Tài khoản mở là thật nhưng bản chất mở tài khoản là thực hiện giao dịch ngầm giữa Như và các công ty, cụ thể là các công ty này sẽ nhận tiền chênh lệch, lãi suất ngoài hợp đồng”. LS: “Tiền của ORS và 5 công ty chuyển vào tài khoản là thật hay giả?”. VietinBank: “Tiền chuyển vào tài khoản là thật”.
LS Hải lập luận: “Khách hàng của tôi nhận lời mời của nhân viên thật, mở tài khoản thật, hồ sơ thật, tiền chuyển thật, vậy họ gian dối ở đâu?”. Đại diện VietinBank lý giải: “Câu chuyện ở đây là Như đưa ra miếng mồi ngon về tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, chi tiền cho cá nhân môi giới hàng chục tỉ đồng”.
LS Hải tiếp tục: “Như sử dụng thẩm quyền được giao, chức vụ Như có để điều chuyển tiền từ tài khoản của 5 công ty đi trả nợ cá nhân cho mình thì Như gian dối chỗ nào?”. Đại diện VietinBank trả lời: “Thời điểm Như phạm tội, bị cáo là trưởng phòng, không phải là kiểm soát viên nên không chuyển tiền được”.
LS Hải: “Vậy ông đánh giá thế nào khi trang 9 cáo trạng nêu Như nguyên là kiểm soát viên”. “Cái này là thẩm quyền của cơ quan tố tụng, tôi không biết”, đại diện VietinBank trả lời.
Cáo trạng Viện KSND tối cao xác định, do thua lỗ từ kinh doanh bất động sản dẫn đến nợ nần nên từ tháng 5 - 9.2011, Như lấy danh nghĩa huy động tiền gửi cho VietinBank chi nhánh Nhà Bè, chi nhánh TP.HCM để thỏa thuận với người môi giới, người đại diện của 5 công ty, gồm: Công ty CPTM & ĐT Hưng Yên, Công ty CPĐT & TM An Lộc, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm toàn cầu, Công ty CP chứng khoán Saigonbank và Công ty CP chứng khoán Phương Đông. Khi các đơn vị này chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của họ mở tại VietinBank, Như lập chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền hạn của mình để thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của 5 công ty trên để trả nợ cá nhân cho bị cáo. Số tiền Như chiếm đoạt được quy kết ở giai đoạn 2 là hơn 1.085 tỉ đồng.
Trước đó, ở giai đoạn 1 của vụ án, ngày 7.1.2015 Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM tuyên Như án chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” để chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.