Ngày 25.12, TAND quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Đỗ Văn Hà (65 tuổi) và Nguyễn Thị Hồng (56 tuổi), là bảo vệ và tạp vụ của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Việt Nam (TDS) về tội chống người thi hành công vụ, xảy ra tại khu đất TH1, khu đô thị Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội.
Theo cáo trạng, giữa bà Trần Kim Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty TDS; và bà Lê Thị Bích Dung, Phó giám đốc Công ty TDS, có tranh chấp về kinh tế tại lô đất TH1 về việc mua bán cơ sở vật chất của Trường tiểu học và trung học cơ sở Pascal trên lô đất.
Do đó, bà Phương đã cho người hàn kín cổng số 1, số 2 phía bên trường Pascal, chỉ để đi lại tại cổng số 3, số 4. Bà Phương thuê ông Hà và bà Hồng làm nhiệm vụ bảo vệ, tạp vụ tại khu đất TH1 để kiểm soát không cho người của Trường Pascal mang tài sản ra ngoài.
Khoảng 10 giờ 8 phút ngày 2.8, Công an phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm nhận được đơn tố giác của ông Lê Văn Vàng, ủy viên HĐQT Trường Pascal, về việc một số nhân viên nhà trường bị bắt cóc, giam giữ và hành hung tại lô đất TH 1. Công an quận Bắc Từ Liêm tổ chức lực lượng đến hiện trường xác minh. Do không thuyết phục được bảo vệ mở cổng nên Công an quận chỉ đạo lực lượng phòng cháy chữa cháy cắt khóa cổng số 1.
Thời điểm này, bà Hồng đang ở phía trong đã bốc cát ném vào lực lượng Công an. Trong quá trình lực lượng Công an phá cổng bắt giữ bà Hồng, thì ông Hà đến chửi bới đe dọa lực lượng đang làm nhiệm vụ. Công an đã trấn áp, bắt giữ và phát hiện trong túi ông Hà có một con dao.
|
Trong vụ án này, cơ quan Công an cũng bắt quả tang 2 người có hành vi dùng điện thoại vi quay video lực lượng làm nhiệm vụ và bị xử phạt hành chính là bà Vũ Thị Liên và Nghiêm Nhật Anh (con gái bà Trần Kim Phương), cùng góp vốn tại đây.
3 cán bộ cảnh sát phòng cháy chữa cháy thuộc Công an quận Bắc Từ Liêm khi làm nhiệm vụ bị ném cát vào mắt gây dị vật kết mạc 2 mắt nhưng từ chối đi giám định và không yêu cầu bồi thường
“Nếu biết họ là công an thì các vàng tôi cũng không dám”
Tại phiên tòa, HĐXX cho chiếu video clip thể hiện nội dung 3 chiến sĩ mang trang phục phòng cháy chữa cháy dùng dụng cụ phá cổng số 1 thuộc lô đất TH1 và bị cáo Hồng bốc cát ném vào nơi họ đang làm việc. “Bị cáo không biết đó là công an”, bị cáo Hồng khai.
Bị cáo Đỗ Văn Hà khai từng là bộ đội lập nhiều chiến công nên phân biệt rõ ai là dân sự ai là công an. Thời điểm xảy ra sự việc, với tư cách là Tổ trưởng tổ bảo vệ, khi thấy nhân viên (bà Hồng) bị khống chế, hành hung nên bị cáo tìm cách bảo vệ.
Bị cáo này giải thích việc bảo vệ nhân viên và chống đối lại là do những người ở khu vực cổng TH1 không mặc sắc phục công an, không xuất trình thẻ, cũng không nêu lý do thực thi nhiệm vụ. “Nếu biết họ là công an thì các vàng tôi cũng không dám”, bị cáo này khai.
Tòa đã cho mời 4 cán bộ công an quận Bắc Từ Liêm tham gia vào việc giải cứu vụ bắt giữ người trái luật, và đều được xác nhận thời điểm xảy ra vụ việc, họ không mặc cảnh phục; việc xuống hiện trường giải quyết là theo mệnh lệnh của lãnh đạo Công an quận Bắc Từ Liêm.
Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Sơn Hà, cho biết hành vi chống người thi hành công vụ thường xảy ra đối với người trẻ tuổi, rất hiếm khi ông gặp những vụ có người già như thế này.
Không có chuyện "bắt cóc"
Đáng chú ý, vụ chống người thi hành công vụ được khởi đầu bằng tin báo bắt giữ người trái pháp luật. Tuy nhiên, kết quả điều tra của Công an quận Bắc Từ Liêm xác định không đủ căn cứ xác định bảo vệ của bà Trần Kim Phương bắt giữ người trái pháp luật.
HĐXX đã cho triệu tập nhiều người làm chứng, người liên quan để làm rõ thêm tình tiết này. Ông Lê Văn Vàng khai, thời điểm xảy ra vụ bắt cóc, ông không ở hiện trường mà được nhân viên nhắn tin báo qua điện thoại. Ông đến khu vực lô đất thấy các cổng bị khóa nên đã đến Công an phường Cổ Nhuế 1 làm đơn trình báo nhanh, đồng thời gọi cho Công an quận thông báo sự việc.
Trong khi đó, bà Trần Kim Phương khai sáng 2.8, cả bà và ông Vàng đều có mặt ở TAND quận Bắc Từ Liêm để hòa giải một vụ án tranh chấp khác. Do đó, ông Vàng không đủ thời gian để từ tòa về lô đất, sau đó lên Công an trình báo và việc giải cứu con tin, cũng không đủ thời gian để Công an quận Bắc Từ Liêm tổ chức lực lượng đến hiện trường.
Từ đó, bà Phương đặt ra nghi vấn vụ việc dàn dựng nhằm mục đích giải quyết theo hướng có lợi cho ông Vàng và bà Dung.
Tại tòa, nhân chứng Nghiêm Nhật Anh cũng đưa ra nhiều hình ảnh, clip để chứng minh "việc bắt cóc không có thật".
Theo hình ảnh được camera ghi lại, những nhân viên của Trường Pascal được cho là bị giam giữ thì suốt buổi sáng 2.8 vẫn đi lại bình thường trong khu đất TH1. Tại căn phòng trong lô đất, những người được cho bị bắt cóc đi lại thoải mái trong một căn phòng, như bấm điện thoại, mở tủ lạnh lấy đá và có thể mở cửa để đi ra ngoài.
Đáng chú ý, bà Nhật Anh cho biết lô đất TH1 có 4 cổng sắt, 2 cổng bị hàn và 2 cổng bị khóa, tuy nhiên, khi lực lượng Công an có mặt hiện trường lại không mở các cổng bị khóa vốn dễ dàng hơn, mà lại chọn cách đi cắt cổng số 1 đã bị hàn lại. Quá trình “giải cứu con tin” nhiều công an đã “trèo tường như chim”, nhưng vẫn tiến hành việc cắt cổng.
Được mời đến tòa, điều tra viên thụ lý vụ án thuộc Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết đã tiếp nhận tin báo, xử lý khách quan đúng quy định pháp luật, chứ "không có chuyện dàn dựng".
Theo vị này, khi xuống hiện trường thì phát hiện cả 4 cổng của khu đất TH1 đều bị khóa, nên mới tiến hành cắt cổng số 1. Cũng theo vị này, trước khi xảy ra vụ bắt cóc thì lực lượng Công an quận cũng có mặt tại khu vực này từ sáng để xác minh tin báo một vụ cắt trộm hệ thống camera.
“Các tổ công tác ở đây đã thuyết phục nhưng bảo vệ phía trong không mở cổng, nên chỉ huy quận đã ra lệnh phá khóa cổng nên mới có hành vi chống người thi hành công vụ”, vị này nói.
Tranh luận về thực thi công vụ
Tranh luận tại tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Văn Hà và Nguyễn Thị Hồng đã đưa ra các bằng chứng chứng minh từ khi ông Lê Văn Vàng trình báo tại Công an phường đến khi Công an quận tổ chức lực lượng gồm 4 tổ công tác với 32 người xuống hiện trường trong vòng 17 phút.
Theo quy định tại Thông tư liên tịch 01/2017 về tiếp nhận giải quyết tin báo tội phạm, Công an phải lập biên bản, ghi lời khai. “Làm thế nào để Công an có tốc độ của tên lửa như vậy”?, luật sư hỏi.
Mặt khác, luật sư cũng đề nghị HĐXX làm rõ yếu tố công vụ khi trong vụ án này, 2 bị cáo ở trong lô đất TH1, lãnh đạo Công an ở ngoài lô đất còn việc phá cổng sắt lại là lực lượng phòng cháy, nhiều người tham gia giải quyết không mặc cảnh phục, 2 bị cáo vốn là nông dân nên không biết người mang trang phục phòng cháy là Công an.
“Họ chỉ nói mở cổng ra, không ai nói chúng tôi là người đang thi hành công vụ cho bị cáo biết, trong hồ sơ vụ án từ đầu đến cuối cũng không thể hiện?", luật sư đặt vấn đề.
Tranh luận lại, đại diện Viện KSND cho biết, tại lô đất TH1 đã nhiều lần xảy ra mất an ninh trật tự nên Công an thường xuyên triển khai lực lượng tại đây để sẵn sàng chiến đấu. Theo vị này, trước khi xảy ra tin báo bắt cóc thì cơ quan Công an cũng đã đến đây giải quyết một tin báo khác và đã thông báo, nhưng ông Hà phía trong không hợp tác mở cổng.
Trong khi đó, đại diện Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, việc thi hành công vụ ở là thực hiện theo mệnh lệnh cấp trên, cụ thể là Trưởng Công an quận và phường.
Ý kiến của đại diện Công an và Viện KSND bị luật sư phản bác, bởi việc thi hành công vụ bị lập lờ ở chỗ đến hiện trường phá cổng nhằm mục đích giải cứu con tin, nhưng lấy lý do bị cáo Hà không hợp tác trong việc xác minh một tin báo trước đó. Trước tòa, bị cáo Hà nhiều lần khẳng định thời điểm xảy ra vụ việc không được thông báo trong lô đất có vụ việc nghiêm trọng, mà chỉ nhận được thông báo ngắn gọn là mở cửa, do thấy nhiều người mặc thường phục trèo qua cổng nên bị cáo không mở cổng vì sợ mất tài sản Công ty.
Trước những tình huống này, luật sư đề nghị trả hồ sơ đề điều tra bổ sung nhưng không được Chủ tọa chấp nhận. Kết thúc phiên xét xử lúc 19 giờ hôm qua, HĐXX TAND quận Bắc Từ Liêm gần như đọc lại toàn bộ nội dung cáo trạng và chỉ đưa ra vài nhận định ngắn gọn có căn cứ xác định 2 bị cáo phạm tội; và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hồng 9 tháng tù treo, bị cáo Đỗ Văn Hà 6 tháng tù treo, cùng về tội chống người thi hành công vụ.
Ngoài hình phạt này, các bị cáo chịu thời gian thử thách từ 12-18 tháng.
Bình luận (0)